Bộ GTVT làm rất tốt công tác phòng ngừa, phát hiện, phòng chống tham nhũng

26/08/2015

Đây là kết luận của đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương - Trưởng Đoàn công tác số 3 của Ban Nội chính Trung ương thực hiện việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện kiến nghị của các Đoàn công

tác của Ban Chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) và kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp năm 2013-2014 tại Bộ GTVT, sáng ngày 25/8/2015. Đồng chủ trì buổi làm việc có đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT. Chủ tịch Công đoàn GTVT VN Đỗ Nga Việt cùng các đồng chí ủy viên Ban Cán sự đảng Bộ GTVT và nhiều lãnh đạo các cơ quan đơn vị của Ban Nội chính TƯ và Bộ GTVT cùng tham dự buổi làm việc.


Ảnh: Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Phạm Anh Tuấn đánh giá cao công tác PCTN tại Bộ GTVT

Bộ GTVT thực hiện nhiều giải pháp, biện pháp phòng ngừa tham nhũng

Tại buổi làm việc, Chánh Thanh tra Bộ GTVT Lê Thanh Hà đã báo cáo Đoàn công tác số 3 về các kết quả tham mưu giúp việc về công tác PCTN; Báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị của Đoàn công tác, Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN và các vấn đề liên quan. Ông Lê Thanh Hà cho biết: Công tác PCTN đã được Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Bộ GTVT xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, Ban Cán sự đảng Bộ GTVT đã bám sát các Chỉ thị, Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương để triển khai thực hiện. Ban Cán sự đảng Bộ GTVT đã chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống tham nhũng trong đó tập trung triển khai biện pháp công khai, minh bạch các hoạt động. Bộ GTVT đã xây dựng phần mềm tPublic để các cơ quan, đơn vị thực hiện công khai, minh bạch các hoạt động theo quy định của pháp luật. Tính đến ngày 27/7/2015, Bộ GTVT và các đơn vị trực thuộc đã thực hiện công khai 1352 văn bản theo quy định.


Ảnh: Chánh Thanh tra Bộ GTVT Lê Thanh Hà báo cáo công tác PCTNvà thực hiện các kết luận của các đoàn công tác về PCTN tại Bộ GTVT

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn tình trạng tham nhũng, tiêu cực luôn được Ban Cán sự đảng Bộ GTVT quan tâm chỉ đạo. Năm 2014, qua công tác thanh tra, kiểm tra, Bộ GTVT đã yêu cầu thu hồi về NSNN với tổng số tiền trên 16 tỷ đồng; yêu cầu xuất toán, giảm trừ, thu hồi về tài khoản đơn vị trên 10,5 tỷ đồng; xử phạt và kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính 1,68 tỷ đồng. Năm 2015, Ban Cán sự đảng đã tổ chức thành lập đoàn kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 đối với 10 đơn vị trực thuộc Bộ. Kết quả kiểm tra đã yêu cầu các đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, chống tham nhũng theo quy định, trong đó tập trung thanh tra, kiểm tra đối với các lĩnh vực nhạy cảm như công tác quản lý vốn, đầu tư xây dựng cơ bản…

Với chủ trương mở rộng kênh tiếp nhận thông tin khiếu nại, tố cáo về hành vi tham nhũng, Bộ GTVT đã thành lập đường dây nóng và chỉ đạo các đơn vị thành lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin và xử lý triệt để khi có thông tin phản ánh. Các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đều được giải quyết đạt 100% và được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật khiếu nại, tố cáo, không có vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài.

Năm 2014, qua công tác giải quyết tố cáo, phòng chống tham nhũng đã thu hồi về ngân sách nhà nước tổng số tiền 3,7 tỷ đồng, thu hồi trả lại quỹ lương đơn vị 3,43 tỷ đồng. Buộc thôi việc 02 cá nhân, cách chức 03 cá nhân, cảnh cáo 04 cá nhân, miễn nhiệm chức vụ 02 cá nhân, khiển trách 07 tập thể và cá nhân vi phạm.

Thực hiện tốt kiến nghị của các đoàn công tác của Ban Chỉ đạo PCTN

Báo cáo kết quả thực hiện ý kiến của Đoàn Công tác Ban Nội chính Trung ương, Chánh Thanh tra Bộ Lê Thanh Hà cho biết: Sau khi có báo cáo kết quả kiểm tra của Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Ban Cán sự đảng Bộ GTVT đã xây dựng kế hoạch số 231-CV/BCSĐ ngày 4/12/2014 giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ khắc phục ngay những hạn chế, đề ra các giải pháp cụ thể, khả thi nhằm đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng của Bộ GTVT. Từ đó, siết chặt quản lý, PCTN trên tất cả các lĩnh vực công tác.

Đó là việc siết chặt quản lý và kiểm tra đột xuất đối với các chủ thể quản lý như chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và nhà thầu trong công tác quản lý và thực hiện dự án để bảo đảm chất lượng các công trình theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quyết định, đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng; Tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ quan, đơn vị có tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực, tham nhũng như: Trạm cân tải trọng xe; Trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ; Công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ; Công tác duy tu luồng hàng hải... Bên cạnh đó, phối hợp với Bộ Công an tiếp tục thực hiện duy trì Đoàn công tác liên ngành kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của lực lượng thực thi nhiệm vụ tại các trạm kiểm soát tải trọng xe...

Không chỉ có vậy, Bộ GTVT cũng thực hiện rất tốt 14 kiến nghị mà các Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng và kiểm tra giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp trong năm 2013-2014 đã chỉ ra.

Trong đó phải kể đến công tác tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng luôn được Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Bộ GTVT quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau: thông qua các cuộc họp giao ban, sinh hoạt chi bộ, đưa lên Cổng thông tin điện tử Bộ GTVT. Đối tượng được tuyên truyền là toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành GTVT.

Tiếp đó là việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn; Công tác cải cách thủ tục hành chính; nâng cao năng lực và trình độ đội ngũ công chức, viên chức, người lao động; việc siết chặt kỷ cương hành chính được nâng cao; Việc đẩy mạnh công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của Bộ và phối hợp với các cơ quan liên quan giám sát chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện; phối hợp kiểm tra, giám sát hoạt động của các công ty cổ phần trong lĩnh vực GTVT; Lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy trình công tác chuyên môn, nghiệp vụ, các chế độ, định mức, tiêu chuẩn để kịp thời hoàn thiện, bổ sung đầy đủ; đồng thời, qua đó phát hiện tiêu cực, tham nhũng trong quá trình thực hiện...Việc đề cao trách nhiệm của cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị; việc tăng cường kiểm tra, giám sát PCTN trong tất cả các lĩnh vực, các cơ quan, đơn vị cũng được đẩy mạnh... Từ đó phát hiện sai phạm, điều chỉnh kịp thời các hành vi, nhiệm vụ chưa đúng, chưa chuẩn nhằm thực hiện tốt hơn nữa một cách toàn diện các nhiệm vụ chuyên môn của Ngành và nâng cao hiệu quả công tác PCTN.

Ngay sau các báo cáo do Chánh Thanh tra Bộ GTVT Lê Thanh Hà trình bày, các đồng chí thành viên Đoàn công tác số 3 của Ban Nội chính Trung ương và các đồng chí ủy viên Ban Cán sự đảng Bộ, trưởng các cơ quan, ban ngành Bộ GTVT đã cùng nhau trao đổi, làm rõ nhiều nội dung để thực hiện công tác PCTN một cách cụ thể, thiết thực và hiệu quả.

Công tác phòng chống tham nhũng phải thực sự hiệu quả

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định, Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Bộ GTVT hết sức quan tâm , cụ thể hoá bằng các điều hành của Bộ sao cho công tác phòng chống tham nhũng phải thực sự hiệu quả, phải thực sự là nhiệm vụ chính trị của toàn Ngành. “Chúng tôi đang xác định Bộ GTVT trong thời gian qua đã làm được nhiều việc quan trọng nhưng những việc quan trọng hơn vẫn còn ở phía trước, trong đó có công tác phòng chống tham nhũng”, Bộ trưởng nói.


Ảnh: Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định công tác PCTN tại Bộ GTVT phải thực sự hiệu quả

Bộ trưởng cũng cho biết thêm, mỗi năm Ngành GTVT quản lý tới hơn 100 nghìn tỷ đồng, năm 2015 này là 126 nghìn tỷ và ngày càng nhiều hơn. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, ngành GTVT có rất nhiều lĩnh vực liên quan đến nguồn vốn lớn và trực tiếp làm việc với người dân, doanh nghiệp như: đăng kiểm, bổ nhiệm cán bộ, CPH doanh nghiệp, BOT, thu phí, kinh doanh vận tải…đều dễ phát sinh tiêu cực.

“Có những việc rất đơn giản như giải phân cách giữa đường thôi cũng có thể phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Cứ bình thường, theo đúng quy định, quy chuẩn mở giải phân cách thì không sao nhưng lại có trường hợp cửa hàng phở muốn mở, cửa hàng xăng dầu muốn mở… thì sẽ có chuyện. Hay xếp lốt máy bay, taxi… muốn giờ ngon, giờ đẹp cũng có thể tiêu cực. Lớn hơn nữa là nạo vét hàng hải hay rồi các định mức đơn giá nếu không cập nhật kịp thời cũng có thể có tiêu cực…” Bộ trưởng ví dụ.

Từ đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, để giải quyết các vấn đề đó, trong thời gian gần đây,Ngành GTVT đã luôn quy trách nhiệm cho người đứng đầu; tổ chức thi tuyển các chức danh cấp trưởng công khai, minh bạch; yêu cầu mọi việc phải giải quyết nhanh, không kéo dài để có thời gian phát sinh tiêu cực

Trong các giải pháp đưa ra, Bộ trưởng đặc biệt lưu ý phải tập trung công tác phòng ngừa. “Đây là công tác quan trọng. Phòng ngừa từ thể chế chính sách, chiến lược quy hoạch, cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ, kiểm tra chéo…” – Bộ trưởng nhấn mạnh và cho biết tại Bộ GTVT, không có chuyện thứ trưởng duyệt rồi là xong mà thứ trưởng này duyệt, thứ trưởng khác kiểm tra lại. Cùng đó, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc thực hiện thanh tra đột xuất. Khi phát hiện ra vấn đề, phải kịp thời giao thanh tra giải quyết triệt để hiện tượng đó. Đặc biệt, việc xử lý các vụ việc sau kết luận của Thanh tra, kiểm toán nhà nước phải phải được làm ngay và thật nghiêm minh, chú ý xử lý trách nhiệm người đứng đầu, không nể nang, né tránh, dung túng cho những việc làm sai các quy định của Ngành, của nhà nước và pháp luật hoặc thiếu trách nhiệm…

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương - Trưởng Đoàn công tác số 3 của Ban Nội chính Trung ương thực hiện việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện kiến nghị của các Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) và kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp năm 2013-2014 tại Bộ GTVT đánh giá cao Bộ GTVT trong những năm vừa qua có nhiều cố gắng trong việc phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng. Đồng chí Phạm Anh Tuấn cho biết: Năm 2014, Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng chọn Bộ GTVT là một trong 7 Bộ để tiến hành kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống tham nhũng là cũng có lý do của nó. “Trong việc kiểm tra, đôn đốc, đồng chí chí Tổng Bí thư và một số thành viên Ban chỉ đạo nói khi kiểm tra ngoài việc chọn địa chỉ có yếu kém thì cũng phải chọn địa chỉ làm tốt” – ông Tuấn nói.

Nhấn mạnh Ban chỉ đạo sau khi được tổ chức lại là Ban chỉ đạo mạnh nhất từ khi thành lập nước đến giờ, ông Tuấn cũng cho rằng nếu không không làm được, không tạo được chuyển biến thì như Bộ trưởng Thăng nói câu rất tâm huyết: Xã hội sẽ mất lòng tin. Theo ông Tuấn, tham nhũng là hiện tượng xã hội phức tạp, là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực. Bất cứ đâu có quyền lực, ở đó đều tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng. Do đó phải có thái độ ứng xử rất bình tĩnh và quyết tâm rất cao. Phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, có trọng tâm, trọng điểm bởi cái ta mong muốn là rất lớn nhưng lực có hạn. Phải tích cực chủ động phòng ngừa đồng thời kiên quyết chống tham nhũng, trong đó lấy phòng ngừa làm cơ bản. “Chống tham nhũng là chống lại nhóm lợi ích mà khi chống sẽ bị va đập, chống đối lại, công khai có, âm thầm có, bịa đặt xuyên tạc có, thủ đoạn có…” – ông Tuấn khẳng định đồng thời nhấn mạnh vai trò người đứng đầu trong công tác phòng chống tham nhũng.

“Qua báo cáo, qua kiểm tra đôn đốc cho thấy Ban cán sự đảng Bộ GTVT, đặc biệt là đồng chí Bí thư Ban cán sự, cùng với tập thể lãnh đạo Bộ GTVT là một tập thể dám nghĩ, dám làm, không né tránh, đúng thì khen, sai thì phê bình, rút kinh nghiệm. Chính điều này đã tạo nên chuyển biến lớn ở ngành GTVT trong suốt thời gian qua.

Bộ GTVT cũng là Bộ được cấp kinh phí lớn, xây dựng hạ tầng giao thông trên khắp các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải, đường thuỷ nội địa… Những năm gần đây Bộ đã tạo đột phá trong huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cơ sở hạ tầng; Tạo cơ chế thông thoáng trong xây dựng hạ tầng, từ đó thay đổi hoàn toàn diện mạo mới về cơ sở hạ tầng giao thông trên cả nước, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Bên cạnh đó, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng tại Ngành GTVT cũng được làm rất tốt, nhiều năm liền không có khiếu kiện lớn… Tất cả những điều đó đã tạo niềm tin và ghi dấu ấn với nhà nước và nhân dân đối với Ngành GTVT”, đồng chí Phạm Anh Tuấn khẳng định.

Tác giả: Theo, mt.gov.vn