TƯ VẤN VỀ XE MÁY ĐIỆN, XE ĐẠP ĐIỆN

26/08/2015

Quý vị đang quan tâm đến xe máy điện, xe đạp điện? Các ý kiến tư vấn, giải thích sau đây có thể giúp Quý vị hiểu rõ hơn:

1. Định nghĩa xe đạp điện? Làm thế nào để phân biệt xe máy điện, xe đạp điện?

Trả lời: Căn cứ các quy chuẩn QCVN 14:2011/BGTVT và QCVN 68:2013/BGTVT thì xe hai bánh sử dụng động cơ điện có thể phân loại như sau:

Căn cứ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 14:2011/BGTVT và QCVN 68:2013/BGTVT, việc phân loại mô tô, xe máy điện và xe đạp điện được thực hiện theo các tiêu chí sau:

a) Mô tô điện: là xe điện hai bánh có vận tốc thiết kế lớn nhất lớn hơn 50km/h; hoặc công suất động cơ điện lớn hơn 4kW.

b) Xe máy điện: Vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50km/h; và công suất động cơ điện không lớn hơn 4kW. c) Xe đạp điện: Có bàn đạp, có vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 25km/h, có công suất động cơ điện không lớn hơn 250W và có khối lượng bản thân không lớn hơn 40kg.

2. Bằng mắt thường làm sao nhận biết, phân loại nhanh xe đạp điện?

Trả lời: Để phân biệt chính xác xe đạp điện, xe máy điện cần căn cứ vào các tiêu chí quy định tại các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 14:2011/BGTVT và QCVN 68:2013/BGTVT.

Để nhận biết nhanh xe đạp điện bằng mắt thường, có thể căn cứ vào các đặc điểm sau: - Xe phải có bàn đạp; - Xe phải vận hành được bằng cách sử dụng cơ cấu đạp chân (có hệ thống, cơ cấu dẫn động lực từ bàn đạp đến bánh xe).

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng trong một số trường hợp dù xe có bàn đạp nhưng vẫn thuộc nhóm xe máy điện vì động cơ công suất lớn hơn 250W, tốc độ của xe lớn hơn 25 km/h. Trường hợp này cần xem xét các yếu tố khác nữa.

3. Xe máy điện, xe đạp điện có ưu điểm gì? Xe có nguồn gốc từ đâu?

Trả lời: Xe máy điện, xe đạp điện có một số ưu điểm chính như không cần nạp nhiên liệu, không có khí thải, hầu như không có tiếng ồn, gọn và đẹp, phù hợp với việc di chuyển cự ly ngắn nên xe máy điện, xe đạp điện được nhiều gia đình lựa chọn là phương tiện cho học sinh, sinh viên đi học hàng ngày, nhất là trong khu vực đô thị. Hiện nay, các loại xe máy điện, xe đạp điện chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc, một số ít được nhập khẩu về từ Đài Loan, Nhật Bản...

4. Loại xe nào phải đăng ký, đăng kiểm?

Trả lời: Về đăng kiểm, theo quy định hiện hành, tất cả các loại mô tô điện, xe máy điện và xe đạp điện đều phải thực hiện đăng kiểm chất lượng theo các quy chuẩn kỹ thuật nhằm đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật trước khi đưa vào lưu thông.

Về đăng ký, căn cứ Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và các văn bản hướng dẫn liên quan thì mô tô điện, xe máy điện thuộc nhóm xe cơ giới nên phải thực hiện đăng ký và cấp biển số theo quy định của Bộ Công an. Xe đạp điện không phải thực hiện đăng ký, cấp biển số.

5. Khi mua xe máy điện, xe đạp điện, người dân cần lưu ý gì?

Trả lời: Người dân cần lưu ý mua các xe có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và đã được đăng kiểm chất lượng theo quy định:

a) Đối với xe máy điện, các xe đã được đăng kiểm chất lượng theo quy định sẽ được cấp:

- Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng (đối với xe lắp ráp trong nước). Bấm vào đây để xe mẫu 1. .

- Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe mô tô, xe gắn máy nhập khẩu (đối với xe nhập khẩu). Bấm vào đây để xe mẫu 2.

b) Đối với xe đạp điện, các xe đã được đăng kiểm chất lượng theo quy định sẽ được cấp và dán Tem hợp quy (cả xe nhập khẩu và xe lắp ráp). Bấm vào đây để xe mẫu 3. .

6. Việc sử dụng xe máy điện, xe đạp điện có tiềm ẩn nguy cơ gì?

Trả lời: Bên cạnh các ưu điểm, việc sử dụng xe máy điện, xe đạp điện cũng tiềm ẩn một số nguy cơ sau:

- Nguy cơ về an toàn giao thông: Việc gia tăng nhanh loại xe máy điện, xe đạp điện, nhất là khi đối tượng sử dụng các loại phương tiện này thường là các em học sinh, sinh viên ở độ tuổi hiếu động, ý thức tuân thủ pháp luật chưa cao, thích thể hiện mình đã đặt ra một số vấn đề cho công tác quản lý an toàn giao thông. Vừa qua, báo chí, truyền hình đã đưa tin về một số trường hợp xe đạp điện chở 3, 4 người, chạy tốc độ khá cao, lạng lách, đánh võng.. gây mất an toàn giao thông. Phụ huynh học sinh và nhà trường nên thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra giám sát các em học sinh nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông đường bộ (kể cả quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm).

- Nguy cơ về môi trường: Hiện nay, Xe máy điện, xe đạp điện thường dùng ắc quy chì- axits có tuổi thọ không cao (khoảng 1 năm), khi thay thế ắc quy sẽ tạo ra chất thải rắn (chì), chất thải lỏng (axit) có thể nguy hại tới môi trường.

7. Các xe máy điện đang được người dân sử dụng nhưng chưa được đăng ký, đăng kiểm theo quy định thì xử lý thế nào?

Trả lời: Dù quy định về đăng ký mô tô, xe gắn máy (trong đó có xe điện) đã có từ lâu nhưng đến nay lượng xe máy điện được đăng ký chiếm tỉ lệ rất nhỏ, do các nguyên nhân sau:

- Thứ nhất, do chưa hiểu đúng quy định của pháp luật nên nhiều người dân nghĩ rằng xe máy điện không phải đăng kiểm, đăng ký nên đã mua các xe máy điện không đủ các chứng từ chứng minh nguồn gốc, không có chứng chỉ chất lượng theo quy định.

- Thứ hai, do trước đây các cơ quan chức năng quản lý chưa chặt chẽ, việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng cũng chưa tốt, dẫn tới nhiều xe máy điện không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chưa qua đăng kiểm chất lượng, chưa có đăng ký và biển số vẫn có thể tham gia giao thông mà không bị xử lý.

Hiện nay, có một lượng lớn xe máy điện đang tham gia giao thông nhưng không có đăng ký, đăng kiểm. Liên quan đến vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải đang tích cực phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan báo cáo đề xuất Chính phủ các biện pháp tháo gỡ phù hợp.

Tác giả: VAQ, VR