Chia sẻ kinh nghiệm bảo đảm trật tự ATGT nông thôn, miền núi

20/09/2016

Đây là nội dung của Hội nghị tập huấn “Nâng cao công tác bảo đảm trật tự ATGT nông thôn, miền núi năm 2016”...

Đây là nội dung của Hội nghị tập huấn “Nâng cao công tác bảo đảm trật tự ATGT nông thôn, miền núi năm 2016” cho các cán bộ làm công tác bảo đảm TTATGT nông thôn, do Bộ GTVT tổ chức ngày 20/9, tại TP Hải Phòng, với sự tham gia của gần 300 đại biểu đến từ các cơ quan chức năng của Trung ương, Ban ATGT, Sở GTVT các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.


Ảnh: Phó Vụ trưởng Vụ ATGT Hoàng Thế Tùng phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Hoàng Thế Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ ATGT cho biết, trong giai đoạn 2011 - 2015, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, TNGT đã giảm sâu cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng vẫn còn nhiều, số người chết vẫn còn ở mức rất cao, đặc biệt là TNGT khu vực nông thông, miền núi còn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.

Ông Hoàng Thế Tùng cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do những năm gần đây, số lượng phương tiện tham gia giao thông ở nông thôn, miền núi đã gia tăng nhanh chóng, chất lượng phương tiện thấp; KCHTGT nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT vùng nông thôn, miền núi còn hạn chế; ý thức của người dân chưa cao; công tác tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm về TTATGT nông thôn, miền núi còn hạn chế…

Ông Hoàng Thế Tùng đánh giá đây thực sự là những thách thức và là nguy cơ tiềm ẩn gây mất ATGT, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương và toàn xã hội phải tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp trọng tâm về bảo đảm TTATGT, việc tập huấn nâng cao năng lực về công tác bảo đảm TTATGT nông thôn, miền núi cho các cán bộ làm công tác bảo đảm TTATGT nông thôn cũng là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và cần thiết.

Ông Hoàng Thế Tùng mong rằng tại Hội nghị này các đại biểu tích cực trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm với nhau, cũng như cùng nhau đưa ra các đề xuất nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả của công tác bảo đảm TTATGT ở khu vực nông thôn, miền núi. “Đây là những nội dung rất cần thiết để qua Hội nghị này, mỗi đơn vị, mỗi cá nhân có thể bổ sung, tích lũy kinh nghiệm và nghiên cứu, vận dụng trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ về bảo đảm TTATGT tại cơ quan, đơn vị mình nhằm tiếp tục góp phần ngăn chặn và kéo giảm TNGT, vì sự bình yên, hạnh phúc của mỗi gia đình và của toàn xã hội” - ông Hoàng Thế Tùng nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, ông Lê Văn Đạt - Giám đốc Trung tâm Phân tích cơ sở dữ liệu ATGT, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cho biết, tình hình TNGT tại khu vực nông thôn đã và đang có chiều hướng gia tăng; điều kiện KCHTGT nông thôn đã được đầu tư nâng cấp, cải tạo, tuy nhiên mới chủ yếu quan tâm đến chất lượng mặt đường, các hệ thống thông báo hiệu đường bộ và công trình bảo đảm ATGT hạn chế; phương tiện giao thông, đặc biệt là xe gắn máy đang gia tăng nhanh chóng ở khu vực nông thôn; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT được đẩy mạnh, nhưng cách thức tiếp cận còn hạn chế; công tác tuần tra, xử lý vi phạm ở khu vực nông thôn còn khó khăn…

Để tăng cường công tác bảo đảm TTATGT nông thôn, miền núi, ông Lê Văn Đạt đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó tập trung tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật ATGT tại cộng đồng dân cư phù hợp; đẩy mạnh công tác tuần tra, xử lý vi phạm; tăng cường điều kiện ATGT của KCHTGT nông thôn; phát triển hệ thống xe buýt công cộng kết nối với trung tâm đô thị của tỉnh, thành phố; bên cạnh đó tăng cường công tác sơ cấp cứu TNGT; tăng cường các cơ chế, chính sách và năng lực quản lý nhà nước về ATGT ở địa phương; đồng thời phải có cách thức tiếp cận mới, phương thức và hình thức mới.


Ảnh: Hội nghị thu hút sự tham gia đông đảo của các đại biểu đến từ các cơ quan chức năng của Trung ương và các cán bộ làm công tác bảo đảm TTATGT nông thôn, miền núi khu vực phía Bắc

Theo ông Trần Ngọc Sơn - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Lào Cai, là địa phương có dân số ở vùng nông thôn chiếm trên 90%, dân tộc thiểu số chiếm 64%, TNGT đường bộ ở địa phương chiếm 98%, đối tượng chủ yếu người đi mô tô, xe máy ở vùng nông thôn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc chiếm 78%, độ tuổi gây TNGT là từ 18 - 35 tuổi chiếm trên 70%. Nguyên nhân là do số lương phương tiện cơ giới đường bộ của tỉnh nhiều, chất lượng phương tiện không đảm bảo; hạ tầng giao thông yếu kém; sự tác động của tự nhiên, môi trường; cùng với đó là ý thức chấp hành Luật Giao thông của người dân chưa cao; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa đồng bộ…

Để khắc phục những hạn chế, kiềm chế TNGT nông thôn ở địa phương, ông Trần Ngọc Sơn chia sẻ cách làm của địa phương, đó là phải huy động cả hệ thống chính trị - xã hội vào cuộc, trong đó hệ thống chính trị cớ sở gồm bí thư, chủ tịch, trưởng - phó công an, công an viên, cán bộ giao thông, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn - bản là nòng cốt, người thực hiện; gắn trách nhiệm cá nhân, tập thể cấp ủy, chính quyền địa phương vào công tác bảo đảm TTATGT, trưởng thôn - bản là người phổ biến pháp luật về ATGT, định hướng cho người dân thực hiện.

Đối với TP Hải Phòng, ông Nguyễn Văn Luyến - Chánh Văn phòng Ban ATGT Hải Phòng cho biết, là Thành phố cảng lớn nhất miền Bắc, có đủ các loại hình GTVT; trong 9 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn Thành phố xảy ra 69 vụ TNGT, làm chết 57 người, bị thướng 37 người; TNGT ở khu vực nông thôn xảy ra 54/69 vụ, chiếm 78,3%; số người chết ở khu vực giao thông nông thôn 45/57 người, chiếm 78,9%.

Các giải pháp mà TP Hải Phòng triển khai, thực hiện nhằm kéo giảm TNGT nói chung và khu vực nông thôn nói riêng đó là tập trung rà soát, kiểm tra các điều kiện về hạ tầng giao thông; tăng cường cưỡng chế vi phạm TTATGT; tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông khu vực nông thôn; xây dựng và tổ chức các mô hình tuyến đường nông dân tự quản, làng văn hóa ATGT, bến đò an toàn…

Ông Nguyến Trọng Thái - Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, năm 2014, cả nước xảy ra 1.836 vụ TNGT trên tuyến đường nông thôn, làm chết 894 người, bị thương 1.090 người. TNGT xảy ra trên đường nông thôn chiếm 15,47%, nếu tính cả TNGT xảy ra trên đường tỉnh là 32,83%. Sáu tháng đầu năm 2015, TNGT xảy ra trên đường nông thôn chiếm 17,7%, nếu tính cả đường tỉnh là 34,1%.

Theo ông Nguyễn Trọng Thái, một trong những nhóm giải pháp quan trọng nhằm hạn chế, giảm TNGT nông thôn, đó là nâng cao công tác tuyên truyền giáo dục TTATGT nông thôn, miền núi; bởi công tác này, thời gian qua tuy có chuyển biến nhưng chưa mạng lại hiệu quả cao, chưa đến được với mọi người dân; hình thức tuyên truyền còn rập khuôn, chưa đa dạng, phong phú, sinh động; chưa phát huy được vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội và tôn giáo; đặc biệt là ý thức của người dân vẫn còn thấp.

Tác giả: X.Nguyên, mt.gov.vn