Dịch Covid-19: Hàng hóa thông qua cảng biển vẫn tăng trưởng hai con số

20/03/2020

Chiều 18/3, tại Hà Nội, Cục Hàng hải Việt Nam đã chủ trì cuộc họp trực tuyến về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an ninh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.


Toàn cảnh cuộc họp trực tuyến

Tham dự cuộc họp có đại diện các Cục; Đăng kiểm Việt Nam; Y tế Giao thông vận tải; Hiệp hội chủ tàu Việt Nam; Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Đường thủy nội địa Việt Nam; Tổng công ty Hàng hải Việt Nam; các doanh nghiệp vận tải biển, cảng biển; Công ty hoa tiêu... 

Hàng hóa, hành khách vận tải bằng đường biển tăng hai con số

Về tình hình khoạt động hàng hải tại khu vực cảng biển, báo cáo tại cuộc họp, ông Trịnh Thế Cường, Trưởng phòng Vận tải - Dịch vụ hàng hải cho biết, trong 02 tháng đầu năm 2020, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển đạt 102.458.000 tấn, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2019; lượng hành khách đạt 1.183.143 hành khách, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2019. Cũng theo ông Cường, đến thời điểm này, ngành Hàng hải chưa có trường hợp thuyền viên, hành khách; công chức, viên chức, người lao động dương tính với vi rút Corona. Bên cạnh đó, Cục Hàng hải Việt Nam cũng đã kịp thời ban hành văn bản; tiến hành họp với các Cảng vụ để rà soát, đề xuất điều chỉnh thủ tục hành chính, chi phí logistics; mức thu phí, lệ phí khác nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tại cuộc họp, các Cảng vụ Hàng hải đã có những đề xuất, kiến nghị đối với cơ quan có thẩm quyền dựa trên báo cáo, tổng hợp thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp vận tải biển, cảng biển như: giảm phí neo đậu đối với tàu, thuyền bị cách ly; cách ly tập trung tàu nhập cảnh; kiến nghị cung ứng đủ trang thiết bị bảo hộ cá nhân phải làm việc trực tiếp trên tàu… Ngoài ra, đại diện một số doanh nghiệp đã trực tiếp đề xuất, kiến nghị với Cục Hàng hải Việt Nam đối với việc xem xét có chính sách khoanh nợ, giãn nợ, hỗ trợ vốn, lệ phí, thuế cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19; miễn thuế nhập khẩu các loại vật tư, phụ tùng, trang thiết bị để sửa chữa tàu biển…

Liên quan đến các đề xuất, kiến nghị của cơ quan quản lý Nhà nước về hàng hải, bác sĩ Vũ Ngọc Long - Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trước khi có ý kiến chính thức của cơ quan y tế, ngành Hàng hải có thể tạm dừng các hoạt động liên quan đến tàu du lịch, hành khách. Đối với đề nghị xem xét cho tàu neo đậu chờ, cách ly thời gian 14 ngày đối với các tàu dầu thô đến từ vùng dịch hoặc quá cảnh qua vùng có dịch, chủ trương của Bộ Y tế là đồng tình nếu các đơn vị có thể chi trả được phí phát sinh.


Trong 02 tháng đầu năm 2020, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển tăng 16% so với cùng kỳ năm 2019

Theo ông Bùi Văn Trung - Chủ tịch Hiệp hội chủ tàu Việt Nam, các doanh nghiệp rất mong muốn nhận được sự chia sẻ từ phía Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam, cụ thể: đề nghị giãn thời gian đối với các loại phí, thuế, bảo hiểm; đề xuất Bộ Y tế có cơ chế hỗ trợ như ngành hàng không đối với tàu thuyền, thuyền viên bị cách ly. Ngoài ra, các doanh nghiệp vận tải, cảng biển cũng kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước có hỗ trợ tài chính, khoanh nợ, giãn nợ, xóa lãi…

Ông Nguyễn Vũ Hải - Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, bên cạnh việc đề xuất giảm giá, giảm phí cần tháo gỡ những khó khăn liên quan đến công tác khai thác, quản lý tàu thuyền. Ông Hải cũng đề nghị, ngay sau cuộc họp, Cục Hàng hải Việt Nam có báo cáo Bộ GTVT các khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị cụ thể để các Cục quản lý chuyên ngành có chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời, nhất quán trong quá trình triển khai công tác phòng chống dịch Covid-19.

Dịch Covid-19 phức tạp: Hàng hải tiếp tục nỗ lực, vượt khó

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Cục trưởng Hoàng Hồng Giang cho biết, thay mặt Lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam, ghi nhận và đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của các cơ quan, đơn vị trong toàn ngành Hàng hải đã triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch. Kết quả là, thị trường vận tải biển vẫn tăng trưởng ở mức 2 con số dù bối cảnh chống dịch Covid-19 còn nhiều phức tạp, khó lường.

Trên cơ sở các đề xuất, kiến nghị của các đại biểu dự họp; các cơ quan, đơn vị trực thuộc, đồng chí Phó Cục trưởng giao Phòng chuyên môn tổng hợp, báo cáo Bộ GTVT ngay sau cuộc họp. Theo Phó Cục trưởng Hoàng Hồng Giang, nếu thực hiện tốt các chính sách về giá đối với các doanh nghiệp vận tải biển, cảng biển, khối lượng hàng hóa tiếp tục tăng, nhất là các khu vực cảng lớn như: Hải Phòng, Quảng Ninh, TP. HCM, Vũng Tàu… Đối với các giải pháp dài hạn, đồng chí Phó Cục trưởng đề nghị tiếp tục kiến nghị giảm thuế VAT, thu nhập cá nhân; nghiên cứu điều chỉnh giá phù hợp đối với hoa tiêu, lai dắt… Cùng với đó, các phòng chuyên môn, đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu đưa thanh toán tiện tử vào áp dụng rộng rãi, ngay cả các hoạt động nội bộ.

“Các doanh nghiệp ngành Hàng hải tiếp tục cập nhật tình hình phòng, chống dịch Covid-19 và có báo cáo kịp thời đối với cơ quan quản lý Nhà nước. Mặt khác, Cục Hàng hải Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Cục Đăng kiểm Việt Nam trong việc thực hiện các hướng dẫn của Tokyo MOU” - Phó Cục trưởng Hoàng Hồng Giang cho biết./.