Hướng tới mô hình giao thông xanh tại Việt Nam

08/10/2021

Ngành giao thông vận tải xếp thứ 3, sau ngành năng lượng và nông nghiệp về phát thải khí nhà kính - một trong những tác nhân gây ra sự nóng lên toàn cầu. Để giảm thiểu sự tác động lên môi trường, hướng tới một nền giao thông xanh, nhiều hãng xe công nghệ đã cam kết giảm phát thải khí CO2 trong những năm tới.

Các hãng xe công nghệ chung tay giảm khí thải

Grab có trụ sở tại Singapore, hiện là ứng cử viên dẫn đầu nhóm các công ty khởi nghiệp xe công nghệ ở Đông Nam Á trong việc áp dụng các mục tiêu về môi trường, xã hội và quản trị. Trên đất nước Singapore, Grab đặt ra “Mục tiêu Giao thông bền vững” và cam kết toàn bộ phương tiện do hãng vận hành sẽ sử dụng năng lượng sạch, tính đến năm 2030. Đầu năm, Grab bắt đầu hợp tác với Huyndai Motor phát triển lộ trình ứng dụng xe điện tại “quốc đảo sư tử”, dự định mở rộng mô hình này sang Việt Nam và Indonesia vào cuối năm nay.

Bên cạnh đó, hãng xe công nghệ này cũng đã mở ra một dịch vụ mới cho phép người dùng đặt xe hybrid hoặc xe điện với giá cước tương đương với tùy chọn đặt xe thông thường. Grab cho biết họ đang hướng tới “một tương lai không có các bon” thông qua nhiều biện pháp khác nhau, bao gồm cả việc xây dựng và vận hành hệ thống xe điện, các chương trình thúc đẩy người tiêu dùng và tài xế sử dụng xe thân thiện với môi trường.

Trong khi đó, Công ty Gojek, trụ sở tại Indonesia, cũng cam kết hoạt động vận tải sẽ không phát thải vào năm 2030, chuyển đổi toàn bộ phương tiện do Gojek vận hành hoặc hợp tác sang xe năng lượng mới.

Tại Trung Quốc, công ty cung cấp dịch vụ gọi xe Didi cũng đã “nhập cuộc” khi công bố sẽ vận hành 1 triệu xe điện trên toàn quốc – một con số đáng nể trong lĩnh vực xe công nghệ, nhằm hưởng ứng chiến lược điện hóa phương tiện vận tải, giảm khí thải nhà kính của nước này. Không dừng ở đó, Didi còn tham gia vào quá trình sản xuất xe năng lượng mới và xây dựng hạ tầng sạc dành riêng cho xe điện.

Mặt khác, hãng xe Uber có trụ sở tại Mỹ cũng đã cam kết đến năm 2040, tất cả dịch vụ của hãng trên toàn cầu sẽ do phương tiện không phát thải phục vụ. Theo đó, Uber đã ra mắt chương trình Green Future được đầu tư tới 800 triệu USD để khuyến khích hàng trăm nghìn tài xế tại Mỹ và Canada chuyển đổi sang phương tiện thân thiện với môi trường, tính đến năm 2025. Cụ thể, các tài xế sử dụng phương tiện giao thông chạy bằng điện sẽ nhận được thêm 1USD cho mỗi chuyến đi và tối đa 4.000 USD/năm.

081021.6.jpg

Tăng cường quản lý phát thải khí nhà kính

Nhìn chung, những sáng kiến nêu trên đều thể hiện quyết tâm của các hãng xe công nghệ trên thế giới trong việc giảm phát thải khí các bon, thúc đẩy hệ thống giao thông thân thiện với môi trường. Đáng nói, những hành động này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường xe công nghệ nói riêng và nền giao thông vận tải (GTVT) ở Việt Nam nói chung.

Thị trường gọi xe công nghệ ở Việt Nam đã và đang rất phát triển trong nhiều năm qua. Dù trải qua giai đoạn dịch bệnh khó khăn, số lượng ứng dụng gọi xe đang hoạt động trên thị trường vẫn có xu hướng tăng lên, hơn 20 ứng dụng, bao gồm những cái tên nổi bật như Grab, GoViet, Be, FastGo, Now,… và hai “tân binh” mới nhất là GV Taxi và viApp. Hoạt động vận tải liên tục của những tài xế công nghệ đóng góp không nhỏ vào lượng phát thải khí nhà kính trên toàn đất nước.

Theo nhận định của các chuyên gia về giao thông và môi trường, với tốc độ phát triển GTVT hàng năm rất cao như Việt Nam, việc phát triển giao thông điện là một cách tiếp cận hiệu quả để có thể đạt được mục tiêu phát triển bền vững, hướng tới mô hình “giao thông sạch”. Đồng thời, đây cũng là xu hướng tất yếu, đặc biệt khi biến đổi khí hậu gia tăng và nguồn tài nguyên khoáng sản đã dần cạn kiệt.

Cụ thể, theo báo cáo của Hội đồng Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) trước thềm Hội nghị về Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng khoảng 1,1 độ C trong khoảng thời gian từ năm 1850 - 1900. Nếu không có hành động giảm khí thải nhà kính trên quy mô lớn, nhanh chóng và ngay lập tức, dự báo ngưỡng nóng lên của Trái đất sẽ vượt qua 2 độ C ngay trong thế kỷ này.

Về cơ chế, hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến của nhân dân với Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính năm 2022. Trong Dự thảo Danh mục lĩnh vực, sẽ có 2.165 cơ sở phát thải khí nhà kính phải có nghĩa vụ kiểm kê khí nhà kính, trong đó có 89 cơ sở thuộc ngành GTVT.

Mặt khác, nhằm hỗ trợ tăng cường năng lực, khung pháp lý thúc đẩy phát triển GTVT theo hướng các bon thấp, Bộ GTVT cũng đang trong quá trình xây dựng cơ chế, chính sách, lộ trình phát triển phương tiện giao thông điện cho quốc gia và một số thành phố. Mục tiêu là thúc đẩy sử dụng năng lượng điện hiện đại tại Việt Nam, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đến năm 2050 theo hướng phát triển phát thải các bon thấp trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng hải và hàng không.

Tác giả: Đỗ Trang