Triệu hồi Jeep Wrangler tại Việt Nam vì nguy cơ cháy

08/09/2021

Đầu nối đường ống cung cấp nhiên liệu lắp vào bơm cao áp của xe Wrangler có khả năng nứt, dẫn đến rò rỉ nhiên liệu và nguy cơ cháy.


Mẫu Wrangler tại showroom của hãng trong sự kiện ra mắt hồi tháng 12/2020 ở TP HCM.

Ngày 6/9, đơn vị phân phối xe Jeep tại Việt Nam (JVA) phát đi thông báo triệu hồi 3 chiếc Jeep Wrangler 2020 phiên bản trang bị động cơ 2.0. Quyết định này dựa theo chương trình triệu hồi để kiểm tra, thay thế đường ống cung cấp nhiên liệu cho xe Wrangler trên quy mô toàn cầu của hãng mẹ FCA (Fiat Chrysler Automobiles).

Nguyên nhân triệu hồi do đầu nối của đường ống cung cấp nhiên liệu lắp vào bơm nhiên liệu cao áp của xe Jeep Wrangler có khả năng bị nứt trong một số điều kiện hoạt động, khiến cho nhiên liệu có thể rò rỉ trong khoang động cơ. Tình trạng này dẫn đến nguy cơ gây cháy và có thể gây chấn thương những người bên trong hoặc ngoài xe cũng như làm hư hỏng tài sản khi xảy ra sự cố.

JVA thực hiện triệu hồi, kiểm tra và thay thế miễn phí (bao gồm cả chi phí vận chuyển nếu phát sinh) đường ống cung cấp nhiên liệu lắp vào bơm nhiên liệu cao áp bằng phụ tùng mới cho các xe nằm trong diện bị ảnh hưởng. Thời gian thực hiện xong việc thay thế khoảng 4 giờ/xe. Nhà phân phối Jeep cũng đang hoàn tất các thủ tục để trình Cục Đăng kiểm Việt Nam về chiến dịch triệu hồi này. Hãng không tiết lộ có bao nhiêu xe đã bán ra thị trường.

Trước đó, Cục Quản lý An toàn Giao thông Đường bộ Mỹ (NHTSA) ra thông báo triệu hồi đối với các biến thể Jeep Wrangler do nguy cơ rò rỉ động cơ, dẫn đến cháy xe. Cụ thể, theo NHTSA, sẽ có tổng cộng 14.410 xe Jeep Wrangler sản xuất trong khoảng thời gian từ ngày 24/1 đến 18/3/2020, dùng động cơ tăng áp 2.0L turbo, thuộc phiên bản 2 cửa và 4 cửa nằm trong diện triệu hồi lần này.

080921.2.jpg

14.410 xe Jeep Wrangler bị triệu hồi do nguy cơ cháy động cơ.

Vấn đề được xác định nằm ở hệ thống nhiên liệu, cụ thể là đầu nối của đường ống nhựa dẫn từ bơm xăng cao áp có thể bị nứt. Từ đó, nhiều liệu có khả năng rò rỉ vào khoang động cơ, dẫn đến nguy cơ cháy hoặc gây nguy hiểm cho hành khách. Nếu đầu nối đường cấp nhiên liệu bị nứt, nó có thể rò rỉ xăng vào khoang động cơ, làm tăng nguy cơ cháy xe, gây thương tích cho người ngồi trên xe. Jeep cho biết, nếu chiếc Wrangler nào gặp sự cố này, chủ xe có thể ngửi thấy mùi nhiên liệu trên xe.

Trong số 14.410 xe thuộc diện triệu hồi, Jeep ước tính có khoảng 1% trong số này bị nứt đầu nối, các xe còn lại cũng có nguy cơ và cần được kiểm tra, khắc phục. Và hãng xe này cũng chưa ghi nhận bất kỳ sự số nghiêm trọng hay thương tích nào liên quan đến vấn đề này, Carscoops đưa tin. Jeep sẽ bắt đầu thông báo cho các đại lý và chủ sở hữu xe tại Mỹ về chương trình triệu hồi và thay thế trong thời gian tới. Fiat Chrysler Automobiles, công ty mẹ của Jeep, sẽ chi trả toàn bộ chi phí cho các vấn đề liên quan.

Hiện tại, Jeep Wrangler 2020 đang được phân phối tại Việt Nam với ba phiên bản Sport, Sahara và Rubicon. Cả ba phiên bản này đều dùng động cơ xăng 2.0L turbo tương tự với phiên bản hiện đang phải triệu hồi tại Mỹ. Jeep quay trở lại Việt Nam vào cuối 2020 với dải sản phẩm còn ít, chỉ có hai mẫu SUV Wrangler và bán tải Gladiator, showroom duy nhất ở quận 7, TP HCM. Nhập khẩu Mỹ kèm mức giá khá đắt, các mẫu xe của Jeep kén người chơi tại Việt Nam. Hãng sắp đưa về mẫu SUV cỡ E, Jeep Grand Cherokee dự kiến vào cuối 2021.

Cùng với Jeep, JVA có kế hoạch ra mắt thương hiệu Ram tại Việt Nam với sản phẩm đầu tiên bán chính hãng là mẫu bán tải cỡ lớn 1500 Laramie giá dự kiến khoảng 5,5 tỷ đồng. Do dịch Covid-19 còn phức tạp tại TP HCM, hãng chưa ấn định ngày công bố hoạt động của Ram.

Suzuki triệu hồi hàng trăm ngàn xe trong đó có Ertiga và Ciaz

080921.1.jpg

Những mẫu xe được triệu hồi tại thị trường Ấn Độ.

Triệu hồi hơn 180.000 xe bao gồm các biến thể xăng của Ertiga, Ciaz, Vitara Brezza, XL6 và S-Cross vì một bộ phận máy phát động cơ bị nghi ngờ bị lỗi. Maruti Suzuki (Ấn Độ) đã ban hành lệnh triệu hồi hơn 180.000 xe, bao gồm các biến thể xăng của Ertiga, Ciaz, Vitara Brezza, XL6 và S-Cross vì một bộ phận máy phát động cơ bị nghi ngờ bị lỗi.

Cụ thể, 181.754 xe thuộc diện triệu hồi được sản xuất trong khoảng thời gian từ ngày 4-5-2018 đến ngày 27-10-2020. Các đơn vị bị ảnh hưởng bao gồm cả các mẫu Maruti Arena - Ertiga và Vitara Brezza và Maruti Nexa - XL6, S-Cross và Ciaz.

Các xe bị ảnh hưởng sẽ được kiểm tra động cơ máy phát điện, nếu phát hiện lỗi sẽ được thay thế miễn phí cho khách hàng. Chủ sở hữu của những chiếc xe bị ảnh hưởng sẽ được các xưởng ủy quyền của Maruti Suzuki liên hệ và thông báo. Việc sửa chữa sẽ được tiến hành từ tuần đầu tiên của tháng 11-2021, theo phương thức từng giai đoạn. Cho đến thời điểm đó, Maruti Suzuki đã khuyến cáo khách hàng tránh lái xe ở những khu vực ngập nước và phun nước trực tiếp vào các bộ phận điện/điện tử của xe.

Trong một thông tin khác, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chất bán dẫn toàn cầu đang diễn ra, Maruti Suzuki đã thông báo cắt giảm 60% sản lượng cho tháng 9. Gần đây, nhà sản xuất ô tô cũng thông báo tăng giá trên toàn bộ dòng xe của mình.

Nói về các đợt ra mắt, đợt ra mắt sắp tới lớn nhất của Maruti là mẫu hatchback Celerio hoàn toàn mới sẽ được tung ra thị trường Ấn Độ vào cuối năm nay. Tiếp theo là một cuộc nâng cấp toàn diện cho Baleno vào đầu năm 2022. Ngoài hai mẫu này, Maruti Suzuki cũng đang lên kế hoạch cập nhật cho Ertiga, XL6 và Vitara Brezza.

Tác giả: T. Nhạn-T. Nhung