Chiến dịch kiểm tra tập trung năm 2012 của các chính quyền cảng trên thế giới về các hệ thống an toàn chống cháy của tàu

03/08/2012

Các chính quyền cảng các quốc gia tham gia Bản ghi nhớ thỏa thuận về kiểm soát của Chính quyền cảng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (Tokyo - MOU), khu vục Ấn Độ Dương (Indian Ocean - MOU) và khu vực Tây Âu - Bắc Đại Tây Dương (Paris - MOU) sẽ thực hiện đồng loạt Chiến dịch kiểm tra tập trung về các hệ thống an toàn chống cháy của tàu.

Chiến dịch này kéo dài trong ba tháng, bắt đầu từ ngày 01 tháng 9 đến hết ngày 30 tháng 11 năm 2012 nhằm mục đích đảm bảo sự tuân thủ các quy định về bố trí chống cháy, phát hiện cháy và dập cháy theo Chương II-2 của Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển năm 1974 (SOLAS).

Chính quyền cảng các quốc gia tham gia Bản ghi nhớ về hợp tác kiểm tra của Chính quyền cảng khu vực khác trên thế giới cũng có thể tiến hành Chiến dịch kiểm tra có cùng nội dung trong cùng thời gian nêu trên.

Về mặt thực tiễn, Chiến dịch kiểm tra tập trung có nghĩa là trong quá trình tiến hành việc kiểm tra thông thường của Chính quyền cảng thực hiện theo các tiêu chí lựa chọn tàu của khu vực Tokyo - MOU, Indian Ocean - MOU và Paris - MOU, các bố trí an toàn chống cháy, bản ghi bảo dưỡng và các tài liệu khác liên quan đến bố trí an toàn chống cháy sẽ được các nhân viên kiểm tra của Chính quyền cảng (PSCO) thẩm tra một cách chi tiết hơn để xác nhận sự tuân thủ Chương II-2 của Công ước SOLAS.

Các PSCO sẽ sử dụng danh mục bao gồm các hạng mục lựa chọn sau đây để thẩm tra các lĩnh vực quan trọng của các hệ thống an toàn chống cháy trên tàu:

  • Sơ đồ kiểm soát cháy của tàu.
  • Bộ trang bị cho người chữa cháy.
  • Thiết bị thở dùng trong trường hợp thoát hiểm.
  • Bình cứu hỏa xách tay.
  • Phương tiện báo động âm thanh và ánh sáng trước khi xả chất chữa cháy của hệ thống dập cháy cố định vào không gian thường có người làm việc.
  • Các hệ thống và trang thiết bị bảo vệ chống cháy và chữa cháy được bảo dưỡng thỏa đáng, sẵn sàng cho việc sử dụng.
  • Trên tàu có kế hoạch bảo dưỡng chỉ ra rằng các hệ thống và trang thiết bị bảo vệ chống cháy và chữa cháy được thử nghiệm và kiểm tra đầy đủ.
  • Thuyền viên thành thạo với nơi bố trí và cách sử dụng các hệ thống và trang thiết bị bảo vệ chống cháy và chữa cháy.
  • Việc thử hệ thống phun nước áp lực chữa cháy sẽ kích hoạt phương tiện báo động âm thanh và ánh sáng tại khu vực được bảo vệ.
  • Việc kích hoạt bất kỳ cảm biến báo cháy tự động hoặc nút nhấn báo cháy bằng tay nào cũng sẽ tạo ra tín hiệu báo động bằng âm thanh và ánh sáng trên buồng lái hoặc trạm điều khiển chữa cháy.
  • Phương tiện chiếu sáng trong các lối thoát nạn, bao gồm cả hệ thống chiếu sáng ở vị trí thấp, nếu phải áp dụng, được duy trì thích hợp.
  • Bơm cứu hỏa sự cố hoạt động thỏa mãn.
  • Van cách ly của hệ thống đường ống nước cứu hỏa được đánh dấu rõ ràng, bảo dưỡng đầy đủ và dễ dàng thao tác.
  • Việc huấn luyện và thực tập cứu hỏa được tiến hành phù hợp.

Khi phát hiện thấy các khiếm khuyết liên quan trong quá trình kiểm tra, PSCO sẽ có các hành động ở mức độ khác nhau, từ việc ghi nhận khiếm khuyết và hướng dẫn thuyền trưởng khắc phục trong một thời hạn nhất định, hoặc tiến hành lưu giữ tàu cho đến khi các khiếm khuyết nghiêm trọng được giải quyết thoả đáng.

Hàng tháng, các tàu bị lưu giữ sẽ được công bố trên website của các chính quyền cảng. Kết quả của chiến dịch kiểm tra tập trung sẽ được phân tích, và số liệu sẽ được báo cáo lên tổ chức điều hành của Tokyo - MOU, Indian Ocean - MOU và Paris - MOU để đệ trình lên Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO).

Trong những năm qua, các khiếm khuyết phổ biến sau đây đối với hệ thống, bố trí và trang thiết bị cứu hỏa đã được các chính quyền cảng nước ngoài phát hiện trên các tàu biển Việt Nam tại các đợt kiểm tra PSC:

  • Bơm cứu hỏa chính và sự cố không hoạt động thỏa mãn, không tạo đủ áp lực nước, bị rò rỉ nặng.
  • Thiếu vòi rồng và lăng phun; lăng phun không đúng tiêu chuẩn (không phải loại có chức năng kép).
  • Các trang bị cứu hỏa: vòi rồng, lăng phun, bình cứu hỏa xách tay, bộ trang bị cho người cứu hỏa, thiết bị thở dùng trong trường hợp thoát hiểm, ...: thiếu; không đúng tiêu chuẩn; không được bố trí đúng nơi quy định; bị hư hỏng.
  • Các ống thông gió buồng máy, hầm hàng, ...: không có khả năng đóng kín khi xảy ra hỏa hoạn (hư hỏng nắp, cánh chặn lửa, ...).
  • Các cửa và kết cấu chặn chửa: thiếu, bố trí không đúng vị trí quy định, bị hư hỏng, không có khả năng tự đóng.
  • Các cơ cấu đóng khẩn cấp: van và bơm của hệ thống nhiên liệu, quạt thông gió buồng máy, ...: thiếu, bố trí không đúng quy định, bị hư hỏng.
  • Bảng phân công nhiệm vụ trong trường hợp cứu hoả không phù hợp.
  • Sơ đồ kiểm soát cháy không phù hợp.
  • Đường ống nước cứu hỏa bị thủng.
  • Không thực hiện bảo dưỡng các trang bị cứu hỏa theo đúng quy định.
  • Các ống thông hơi két dầu không có lưới chặn lửa.
  • Thiếu hướng dẫn sử dụng các hệ thống và trang bị cứu hoả.
  • Sổ tay huấn luyện cứu hỏa không phù hợp với thực tế của tàu.
  • Không tổ chức thực tập và huấn luyện cứu hỏa theo quy định.
  • Thuyền viên không thành thạo với nơi bố trí và cách sử dụng các hệ thống và trang thiết bị bảo vệ chống cháy và chữa cháy.
  • Đèn chiếu sáng sự cố tại các lối thoát hiểm bị hỏng.

Chiến dịch kiểm tra tập trung về các hệ thống an toàn chống cháy của tàu do các Chính quyền cảng tiến hành đồng loạt trên thế giới từ ngày 01 tháng 9 đến ngày 30 tháng 11 năm 2012 được dự báo sẽ hết sức hà khắc. Các công ty vận tải biển và các thuyền trưởng cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để tránh việc tàu bị lưu giữ trong Chiến dịch.

Hướng dẫn chi tiết về Chiến dịch kiểm tra tập trung năm 2012 của các Chính quyền cảng thành viên Tokyo - MOU, Indian Ocean - MOU) và Paris - MOU được nêu trong Thông báo kỹ thuật tàu biển số 020TI/12TB ngày 02 tháng 6 năm 2012 và số 021TI/12TB ngày 11 tháng 7 năm 2012 tại mục: Thông báo của VR/ Thông báo kỹ thuật TB của trang tin điện tử Cục Đăng kiểm Việt Nam: http://www.vr.org.vn.

Tác giả: Nguyễn Vũ Hải - VR