Cuộc khủng hoảng thay đổi thuyền viên và việc ưu tiên tiêm chủng cần được giải quyết

22/03/2021

Trong tuyên bố ngày 19/3/2021, Tổng thư ký của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) - ông Kitack Lim cảnh báo, cuộc khủng hoảng thay đổi thuyền viên do các hạn chế liên quan đến COVID-19 vẫn tiếp tục diễn ra với nhiều thách thức, mặc dù đã có một số cải thiện nhất định.


Tổng thư ký IMO Kitack Lim

Ông Kitack Lim cho biết, dựa trên số liệu phân tích của ngành hàng hải thế giới, số lượng thuyền viên yêu cầu hồi hương sau khi kết thúc hợp đồng làm việc trên tàu đã giảm - từ mức cao khoảng 400.000 người vào tháng 9/2020 - xuống còn khoảng 200.000 người trong tháng 3/2021. Đồng thời hiện cũng đang có khoảng 200.000 thuyền viên khác đang chờ đợi để được lên tàu làm việc. Tuy nhiên, con số này có thể tăng trở lại. Cuộc khủng hoảng thay đổi thuyền viên có thể còn lâu mới kết thúc. Điều quan trọng là các vấn đề xung quanh việc tiêm chủng cần phải được giải quyết.

Tổng thư ký IMO nhấn mạnh, hơn bao giờ hết, người đi biển cần được công nhận là những người lao động chủ chốt nhằm mục đích đảm bảo họ được ưu tiên trong việc tiêm chủng, cũng như tiếp cận các phương tiện đi lại an toàn để lên tàu làm việc và hồi hương khi kết thúc hợp đồng lao động.

Dưới đây là toàn văn tuyên bố của Tổng thư ký IMO Kitack Lim:

"Một năm trước, khi thế giới chìm vào cuộc khủng hoảng COVID-19, tôi đã nói về chuyến đi của chúng ta cùng nhau, sự cần thiết của hợp tác và phối hợp. Tôi vui mừng thông báo, trong 12 tháng qua chúng tôi đã làm việc tích cực với nhiều bên liên quan khác nhau để giải quyết các điều kiện thách thức.

Ngành hàng hải tiếp tục chuyển giao các nguồn cung cấp thiết yếu mà mọi người cần. Những người đi biển đã làm việc không mệt mỏi, là trung tâm của hoạt động thương mại này, để giữ cho hàng hóa lưu thông. Bất chấp những khó khăn trong việc tiếp cận cảng, hồi hương, thay đổi thuyền viên và những vấn đề khác nữa, không thể phủ nhận rằng những người đi biển đã vượt lên để hoàn thành nhiệm vụ.

Các chính phủ ưu tiên những người đi biển trong các chương trình tiêm chủng COVID-19

Hàng trăm nghìn thuyền viên đã bị buộc phải làm việc quá thời gian theo hợp đồng lao động giao kết. Chúng tôi ước tính trong suốt những tháng cuối năm 2020 và đến đầu năm nay, 400.000 thuyền viên vẫn cần được hồi hương, với một số lượng tương tự cần phải lên tàu làm việc.

Nhờ nỗ lực phối hợp của các chính phủ, giới chủ tàu và các bên liên quan khác, con số này hiện ước tính khoảng 200.000 thuyền viên cần hồi hương và một số lượng tương tự đang chờ để được lên tàu. Một trong những thành tựu chính trong năm ngoái góp phần vào kết quả nêu trên là việc Đại Hội đồng Liên Hợp quốc đã thông qua nghị quyết kêu gọi các quốc gia thành viên Liên Hợp quốc công nhận thuyền viên cũng như các nhân viên hàng hải khác là người lao động chủ chốt, thực hiện các biện pháp liên quan để cho phép các thuyền viên mắc kẹt được hồi hương và những thuyền viên trên bờ được lên tàu làm việc, đồng thời đảm bảo họ được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế cần thiết.

Nhưng chúng ta không thể tự mãn. Cho đến nay, mới có gần 60 quốc gia quan tâm đến lời kêu gọi của chúng tôi về việc công nhân thuyền viên là người lao động chủ chốt. Nhiều quốc gia cần phải làm như vậy nếu chúng ta muốn giải quyết cuộc khủng hoảng này, đảm bảo những người đi biển được đối xử công bằng, để việc đi lại của họ đến và rời khỏi nơi làm việc được tạo điều kiện thuận lợi. Vẫn còn một chặng đường dài trước khi chúng ta quay trở lại trạng thái bình thường trong hoạt động thay đổi thuyền viên.

Việc tiêm chủng hiện được được triển khai ở nhiều quốc gia. Tôi kêu gọi các chính phủ ưu tiên những người đi biển trong các chương trình tiêm chủng COVID-19 quốc gia của mình.

Các chính phủ cũng nên xác định và chuẩn bị cho những thách thức trong việc tiêm phòng cho những thuyền viên sống xa quê hương trong thời gian dài. Chúng ta cần tiếp tục làm việc cùng nhau để phát triển các quy trình và hướng dẫn liên quan về chứng nhận vắc xin. Điều này đặc biệt quan trọng vì bất kỳ rào cản nào đối với việc đi lại do các quy trình vắc-xin quốc gia tạo ra có thể làm phức tạp thêm thực trạng thay đổi thuyền viên vốn đã rất khó khăn.

Trong chuyến hành trình vượt qua đại dịch này - là một thách thức đối với toàn thế giới, tôi nhận ra rằng nhiều thuyền viên đã phải chịu đựng những rất khó khăn khắc nghiệt khi họ làm việc để duy trì hoạt động thương mại. Tôi hết lòng cảm ơn những người đi biển vì điều này.

Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan của Liên Hợp quốc, với các tổ chức trong ngành hàng hải và với các chính phủ để giải quyết các nhu cầu hiện thời của người đi biển. Chúng ta sẽ rút ra những bài học kinh nghiệm để tiến lên phía trước, từ đó chúng ta có thể chuẩn bị tốt hơn cho tương lai."

Tác giả: Hải Nguyễn