Nhiều thuyền viên Việt Nam mắc kẹt ở nước ngoài

17/03/2021

Khoảng 2.000 thuyền viên Việt Nam kẹt ở nước ngoài tính đến cuối năm 2020, trong đó nhiều người lênh đênh trên biển khơi hơn một năm.

19 tháng qua, máy trưởng Trần Công Hưng và nhiều thuyền viên trên tàu Biển Đông Victory bị mắc kẹt ở Trung Đông. Anh Hưng cho hay, các chuyến đi biển trước đây thường chỉ diễn ra trong 9-10 tháng, song lần này do dịch Covid-19, ít chuyến bay về Việt Nam nên hơn một năm qua họ chưa được đặt chân lên bờ; hàng ngày nhận thực phẩm, nước uống qua một đơn vị cung cấp của nước sở tại.

"Tôi có 2 con nhỏ. Khi bắt đầu chuyến đi đến Trung Đông lần này, vợ mới mang bầu đứa thứ ba. Nay con sắp một tuổi mà vẫn chưa được bế con lần nào", anh Hưng chia sẻ.

Thuyền viên Trần Công Hưng trên tàu Biển Đông Victory. Ảnh: NVCC.
Thuyền viên Trần Công Hưng trên tàu Biển Đông Victory. Ảnh: NVCC

Tính đến cuối năm 2020, anh Hưng là một trong số khoảng 2.000 thuyền viên Việt Nam làm việc ở nước ngoài không thể hồi hương, do các chuyến bay quốc tế bị đình trệ.

Ông Lê Hải Quân, đại diện Công ty vận tải Biển Đông (đơn vị quản lý tàu Biển Đông Victory), cho hay trên tàu hiện có 17 người Việt và 8 người Malaysia, trong đó 8 thuyền viên Việt Nam đã làm việc quá 12 tháng, một số khác 19-20 tháng. "Nhiều anh em xa nhà lâu ngày, sức khỏe bị ảnh hưởng và có dấu hiệu stress", ông Quân nói.

Ngoài số thuyền viên trên, Công ty vận tải Biển Đông còn 25 thuyền viên đang làm việc ở vùng biển Philippines, sắp hết thời gian làm việc 12 tháng song chưa thể về nước.

Ông Bùi Việt Hoài, Phó tổng giám đốc Tổng công ty hàng hải Việt Nam, giải thích, thời gian làm việc của lao động trên tàu biển là 9-12 tháng theo Công ước quốc tế (MLC 2020). Trước đây khi làm việc quá một năm, các lao động sẽ không được Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) cấp phép cho làm tiếp. Hiện nay do dịch bệnh, thuyền viên được kéo dài thời gian ở lại trên tàu, tuy nhiên, "đa số đều đề nghị đơn vị quản lý đưa về nước khi đến hạn".

Trong năm 2020, một số đơn vị thuộc Tổng công ty hàng hải Việt Nam đã sắp xếp để tàu chở hàng từ Nhật Bản, Hàn Quốc... cập bến khi đi qua vùng biển Việt Nam, với mục đích cho thuyền viên cũ vào bờ, thay thế người mới. Mỗi lần cập bến như vậy tốn 1-2 tỷ đồng chi phí dầu, bến bãi, song số chuyến tàu theo cách thức này chưa nhiều.

Tàu chở dầu Biển Đông Victory đang ở khu vực Trung Đông. Ảnh: NVCC
Tàu chở dầu Biển Đông Victory đang ở khu vực Trung Đông. Ảnh: NVCC

Với các tàu hàng ở vùng biển xa, ông Bùi Việt Hoài nói việc thay thuyền viên phụ thuộc hoàn toàn vào chuyến bay về Việt Nam. Trong khi đó, theo quy định về phòng, chống dịch Covid-19, họ không phải là diện được ưu tiên hồi hương và tàu biển lại lênh đênh qua nhiều bến cảng, không kịp đến các thành phố có chuyến bay.

Ngoài ra khi hộ chiếu sắp hết hạn, nhiều thuyền không thể lên bờ, đến các Lãnh sự quán Việt Nam ở nước ngoài để gia hạn. "Chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ cho phép gia hạn hộ chiếu online với lao động trên tàu biển", ông Hoài nói.

Các thuyền viên trên tàu Biển Đông Victory đang bảo dưỡng thiết bị. Ảnh: NVCC
Các thuyền viên trên tàu Biển Đông Victory đang bảo dưỡng thiết bị. Ảnh: NVCC

Theo ông Hoàng Hồng Giang - Cục phó Hàng Hải Việt Nam, trong số khoảng 2.000 thuyền viên đã quá thời gian làm việc 12 tháng trên biển, đến đầu tháng 3 nhiều trường hợp đã được hồi hương, song số còn lại vẫn rất nhiều.

"Chúng tôi đã kiến nghị Bộ Ngoại giao phê duyệt cơ chế ưu tiên cho thuyền viên được về nước trên các chuyến bay giải cứu; kiến nghị ngành Y tế cho họ vào diện ưu tiên tiêm vaccine Covid-19", ông Giang nói.

Gần đây, ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Hàng hải Việt Nam, Phó tổng thư ký IMO, cũng đã gửi thư về sáng kiến tạo điều kiện thuận lợi và an toàn cho thuyền viên. Trong đó, ông Sang đề nghị IMO nghiên cứu, có ý kiến với chính phủ các nước thành viên nên đưa nhân sự hàng hải vào danh sách ưu tiên được tiêm vaccine Covid-19.


Tác giả: Đoàn Loan