Hệ lụy tàu lớn đi vào luồng nhỏ

01/12/2020

Tình trạng phương tiện thủy có trọng tải lớn đi vào luồng nhỏ gây đâm va, mắc kẹt vào cầu vượt sông gây hậu quả nghiêm trọng.

Phần lớn tàu lưu thông qua sông Đào Hạ Lý có trọng tải trên 1.000 - 3.000 tấn, trong khi cấp kỹ thuật của luồng, cầu vượt sông được tính toán phù hợp nhất với tàu đến 300 tấn

Nhiều sự cố nghiêm trọng

Cuối tháng 10/2020, phương tiện thủy chở hàng BKS HD-3599 khi lưu thông ban đêm qua cầu đường sắt Tam Bạc trên sông Đào Hạ Lý (Hải Phòng) bất ngờ va chạm vào thành cầu. Hậu quả cú va chạm khiến 2 dàn nhịp chủ đường ray trên cầu bị dịch chuyển đến mức phải phong tỏa khu gian đường sắt trong khu vực để sửa chữa, mất hơn 24 giờ mới xong.

Ông Nguyễn Công Minh, Chi cục phó Chi cục ĐTNĐ phía Bắc cho biết, nguyên nhân sự cố xuất phát từ việc mực nước dâng cao, chiều cao tĩnh không cầu bị thu ngắn, song thuyền trưởng vẫn cho tàu lưu thông qua.

“Do tàu có trọng tải lớn gấp gần 10 lần cấp kỹ thuật của luồng nên chỉ cần tính toán sai của người điều khiển phương tiện là xảy ra sự cố”, ông Minh nói và cho biết, 3km sông Đào Hạ Lý chỉ đạt tiêu chuẩn luồng đường thủy cấp III (phù hợp với tàu trọng tải tối đa 300 tấn), trong khi phương tiện gây va chạm có trọng tải gần 3.000 tấn.

Đơn vị quản lý bảo trì tuyến sông trên cho biết, hầu hết các phương tiện thủy lưu thông qua tuyến có kích thước lớn, trọng tải trên 1.000 tấn nên thường xuyên xảy ra cảnh tàu cố nhích qua khoang thông thuyền.

Theo Cục ĐTNĐ Việt Nam, vài năm gần đây khu vực phía Bắc xảy ra khá nhiều vụ phương tiện thủy đâm va hoặc mắc kẹt vào gầm cầu vượt sông. Một số trường hợp nghiêm trọng có thể kể đến như: Tàu trọng tải 3.200 tấn đâm trôi, mắc vào cầu An Thái sông Kinh Môn, tàu mắc vào cầu Lai Vu sông Thái Bình, Đò Quan…

Tương tự, tình trạng phương tiện thủy, tàu cá va chạm, mắc kẹt cầu cũng xảy ra trên các tuyến đường thủy khu vực phía Nam. Có thể kể đến như các vụ mắc kẹt cầu Đồng Nai, Bình Lợi (cũ), cầu Ông Vẽ… Hầu hết các vụ tai nạn không chỉ để lại hậu quả đối với phương tiện, thuyền viên mà còn ảnh hưởng đến sự bền vững, kết cấu công trình cầu vượt sông.

Cần bổ sung chế tài xử phạt

Theo ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam, những năm gần đây, phương tiện trọng tải 100- 300 tấn dần được thay thế bằng loại trọng tải 500-700 tấn và đến nay phổ biến loại có trọng tải trên 1.000 tấn, thậm chí lớn hơn.

“Tàu có trọng tải lớn ngày càng nhiều, trong khi luồng chạy tàu chỉ có giới hạn nhất định, cầu vượt sông không thể nâng cao mãi theo tàu. Vì thế, không tránh được chuyện ùn tắc trên một số tuyến trọng điểm cũng như các sự cố, tai nạn do tàu có kích thước, trọng tải lớn đâm va, mắc kẹt vào cầu”, ông Liêm nói.

Tàu thuyền trọng tải lớn lưu thông được trên luồng có cấp kỹ thuật thấp nhờ tận dụng mực nước lên, xuống, song luôn có nguy cơ cao về đâm va, mắc cạn, ùn tắc. Đây đang là vấn đề đặt ra trong đảm bảo ATGT đường thủy và công trình cầu vượt sông. Có thể cần tính đến giải pháp giới hạn tải trọng phương tiện thủy theo tuyến luồng như lĩnh vực đường bộÔng Phan Văn Duy, Phó cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam


Theo ông Đỗ Trung Học, Trưởng phòng Tàu sông Cục Đăng kiểm VN, có nhiều phương tiện thủy có trọng tải vài nghìn, thậm chí hơn chục nghìn tấn. Tuy nhiên, hiện không có quy định cấm nên chủ phương tiện được chủ động lựa chọn đóng phương tiện thủy theo kích thước, trọng tải mong muốn.

Liên quan đến xử lý các trường hợp tàu to đi vào luồng nhỏ hơn gây đâm va, mắc kẹt vào cầu vượt sông, theo các đơn vị quản lý đường thủy, hiện nay mới chủ yếu dừng lại ở việc người điều khiển, chủ phương tiện phải bỏ chi phí sửa chữa, khắc phục hư hỏng của cầu, còn không bị xử phạt vi phạm hành chính.

Như vụ tàu đâm vào cầu đường sắt Tam Bạc trên sông Đào Hạ Lý kể trên, người điều khiển phương tiện chỉ phải chi 50 triệu đồng để sửa chữa, khắc phục hư hỏng đường sắt. Trường hợp tàu mắc vào gầm cầu Đò Quan (sông Đào) cũng không bị xử phạt.

Đại diện Cục ĐTNĐ Việt Nam cũng cho biết, trước đây từng có trường hợp CSGT đường thủy ở một địa phương xử phạt hành chính tàu trọng tải lớn lưu thông trên luồng có trọng tải nhỏ, sau gây tranh cãi vì chưa có chế tài xử phạt đối với hành vi trên.

Theo Đại tá Nguyễn Vĩnh Giang, Trưởng phòng Hướng dẫn TTKS và đấu tranh phòng chống tội phạm trên đường thủy nội địa, Cục CSGT, bất cập hiện nay là quy định về cấp kỹ thuật đường thủy chủ yếu để phục vụ duy tu, bảo trì luồng, tuyến, chứ không được coi là căn cứ để xử phạt đối với trường hợp phương tiện thủy lưu thông trên luồng có giới hạn trọng tải nhỏ hơn.

Hiện, Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính mới chỉ quy định xử phạt đối với hành vi đưa phương tiện vào khai thác không đúng công dụng hoặc không đúng vùng hoạt động, song lại không quy định rõ về xử phạt phương tiện trọng tải lớn lưu thông trên luồng tuyến có giới hạn trọng tải thấp hơn.

Trên thực tế, lực lượng chức năng cũng chỉ xử phạt đối với phương tiện nhỏ hoạt động ở vùng dành cho tàu có cấp kỹ thuật lớn hơn, ví dụ như tàu sông cấp SII hoạt động ở vùng dành cho tàu SI.

“Do đó, để xử phạt được hành vi trên cần sửa đổi, bổ sung quy định về xử phạt hành vi “tàu to đi vào luồng nhỏ, vào luồng có khoang thông thuyền không đảm bảo cho phương tiện lưu thông”, Đại tá Giang nói.

Tác giả: HL