Hội nghị đối thoại doanh nghiệp về công tác đăng kiểm tàu biển và phương tiện thuỷ nội địa

27/03/2024

Sáng 27/3, Cục Đăng kiểm Việt Nam tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp về công tác đăng kiểm tàu biển và phương tiện thuỷ nội địa (PTTNĐ).

Toàn cảnh buổi đối thoại sáng 27/3

Buổi đối thoại thu hút khoảng 300 doanh nghiệp hàng hải và phương tiện thuỷ nội địa tham dự thông qua hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Phát biểu tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Chiến Thắng, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT về việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và hoàn thiện thể chế quy định pháp luật về công tác đăng kiểm tàu biển và PTTNĐ, Cục Đăng kiểm Việt Nam tổ chức hội nghị đối thoại nhằm lắng nghe các ý kiến của đại diện các doanh nghiệp vận tải, cơ sở đóng tàu, cơ sở thiết kế, từ đó có những tháo gỡ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đơn vị, doanh nghiệp.

"Thời gian vừa qua có nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp hàng hải và đường thuỷ nội địa do nguồn hàng khan hiếm, giá cước vận tải thấp, giá nhiên liệu biến động thất thường, các doanh nghiệp vận tải thuỷ, công nghiệp tàu thủy, logistic trong nước chưa thể cải thiện nâng cao thị phần.

Năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục căng thẳng làm ảnh hưởng đến hoạt động giao thông vận tải đường biển; khó khăn đối với công nghiệp đóng tàu và vận tải biển, đường thuỷ nội địa vẫn tiếp tục kéo dài.

Với phương châm lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm phục vụ, Cục Đăng kiểm Việt Nam  đang tập trung cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân trong công tác đăng kiểm; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực và tăng cường giám sát kiểm tra; nâng cao chất lượng thực thi văn bản pháp luật; đơn giản hoá và minh bạch các quy trình đăng kiểm", Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam thông tin.

Được biết trong năm 2023 và đầu năm 2024, Bộ GTVT đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật góp phần tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong đăng kiểm tàu biển, PTTNĐ, góp phần bổ sung nhanh chóng nguồn nhân lực đăng kiểm viên PTTNĐ.

Thời gian tới, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ tiếp tục đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia như: Bộ luật Hàng hải Việt Nam, Luật Giao thông đường thuỷ nội địa để nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác đăng kiểm tàu biển, PTTNĐ, chứng nhận sản phẩm công nghiệp; các Nghị định liên quan để cắt giảm điều kiện kinh doanh của các cơ sửa đóng tàu và PTTNĐ; Kịp thời ban hành các sửa đổi, bổ sung, cập nhật các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho tàu biển, PTTNĐ mà Cục ĐKVN đã trình Bộ GTVT (trong đó có: Quy chuẩn phân cấp và đóng tàu biển vỏ thép, Quy chuẩn phân cấp và đóng phương tiện thuỷ nội địa, Quy chuẩn kiểm tra an toàn tàu cỡ nhỏ,...).

Cùng đó là hàng loạt giải pháp như nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo, đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ đăng kiểm trong công tác đăng kiểm; kiên quyết xử lý đối với các cá nhân có biểu hiện sợ trách nhiệm, từ chối thực hiện công việc được giao;

 Định kỳ tổ chức kiểm tra chuyên ngành hoặc đột xuất công tác đăng kiểm tại các chi cục đăng kiểm để chủ động phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi trong thực thi công vụ của các cá nhân liên quan;

Thường xuyên tập huấn nghiệp vụ, cập nhật kiến thức để nâng cao năng lực về thẩm định thiết kế, kiểm tra phương tiện, sản phẩm công nghiệp cho các đăng kiểm viên của các đơn vị đăng kiểm nhằm tăng số lượng và chất lượng nguồn nhân lực;

Đặc biệt, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào dịch vụ đăng kiểm, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin 4.0 vào dịch vụ đăng kiểm; Cấp hồ sơ đăng kiểm điện tử; Nâng cao chất lượng dịch vụ đăng kiểm, bảo đảm an toàn, nhanh chóng, hiện đại, thân thiện với môi trường.

Tác giả: ĐKVN