Quy định mới về tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn của đăng kiểm viên phương tiện thủy nội địa

12/03/2024

Ngày 11/3, Cục ĐKVN tổ chức Hội nghị phổ biến Thông tư số 02/2024/TT-BGTVT sửa đổi bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn của lãnh đạo, đăng kiểm viên (ĐKV) và nhân viên nghiệp vụ của đơn vị đăng kiểm phương tiện thuỷ nội địa (PTTNĐ).

0R3A0332.JPG

Toàn cảnh Hội nghị

Hội nghị được tổ chức trực tiếp và trực tuyến kết nối tới gần 70 điểm cầu tại các sở GTVT và đơn vị đăng kiểm phương tiện thuỷ trên toàn quốc.

Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, Cục trưởng Cục ĐKVN, sau 8 năm ban hành, tới nay Thông tư 49/2015/TT-BGTVT cho thấy nhiều điều khoản chưa phù hợp và không còn đáp ứng được với đòi hỏi của thực tế mặc dù Thông tư này cũng đã được sửa đổi, bổ sung bởi các Thông tư như TT 42/2018/TT-BGTVT ngày 30 tháng 7 năm 2018 và Thông tư số 27/2023/TT-BGTVT.

Do đó, để đảm bảo không bị động về nhân lực trong lĩnh vực đăng kiểm phương tiện thuỷ, đáp ứng nguồn nhân lực cho các đơn vị đăng kiểm thực hiện nhiệm vụ đăng kiểm PTTNĐ theo phân cấp tại Thông tư 16/2023/TT-BGTVT và phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay, việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 49/2015/TT-BGTVT là cần thiết.

Ông Vũ Anh, Phụ trách phòng Tàu sông, cho biết, Thông tư 02/2024/TT-BGTVT ra đời đã có những thay đổi rất lớn về tiêu chuẩn đầu vào, nội dung đào tạo, thời gian thực tập và nhiệm vụ của ĐKV đường thuỷ. Đặc biệt, nhằm tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, Thông tư mới cũng cho phép ĐKV tàu biển được chuyển đổi sang PTTNĐ.

Cụ thể, thời gian thực tập và giữ hạng của các đăng kiểm viên (ĐKV) đã được thay đổi và rút ngắn như sau:

Đối với  ĐKV hạng III: Thời gian thực tập nghiệp vụ đăng kiểm tối thiểu là 12 tháng.

Đối với ĐKV hạng II: Thực hiện công tác kiểm tra hạng III có tổng thời gian giữ hạng đủ 12 tháng.

Đối với ĐKV hạng I: Thực hiện công tác kiểm tra hạng II có thời gian giữ hạng đủ 24 tháng; Bỏ quy định về thời gian thực tập nghiệp vụ mà chỉ yêu cầu đủ khối lượng thực tập theo quy định để phù hợp với thực tế.

Đối với ĐKV thực hiện công tác thẩm định thiết kế: Thực tập nghiệp vụ thẩm định thiết kế tối thiểu 06 tháng.

Ngoài ra nhiệm vụ, phạm vi thực hiện của các hạng ĐKV I, II, III cũng được thay đổi để phù hợp với hạng của đơn vị đăng kiểm hạng I, II, III được quy định tại Thông tư số 16/2013/TT-BGTVT ngày 30/6/2023 cụ thể như sau:

ĐKV hạng III thực hiện nhiệm vụ theo chuyên ngành đào tạo đối với phương tiện thuỷ nội địa có tổng dung tích dưới 500 GT, phương tiện thuỷ nội địa có tổng công suất máy chính dưới 300 sức ngựa, PTTNĐ có sức chở dưới 50 người (trừ tàu cấp VR-SB, tàu nhiều thân, tàu chở công te nơ, tàu cao tốc chở khách, tàu đệm khí, tàu cánh ngầm, tàu dầu, tàu chở hóa chất nguy hiểm, tàu chở khí hóa lỏng, tàu chở hàng nguy hiểm) phù hợp với đơn vị đăng kiểm hạng III;

ĐKV hạng II thực hiện nhiệm vụ theo chuyên đào tạo đối với các loại PTTNĐ (trừ tàu dầu có tổng dung tích từ 3000 GT trở lên, tàu hàng cấp VR-SB có tổng dung tích từ 3000 GT trở lên hoặc tàu khách cấp VR-SB có sức chở từ 100 người trở lên, tàu chở hóa chất nguy hiểm, tàu chở khí hóa lỏng, tàu chở hàng nguy hiểm) phù hợp với đơn vị đăng kiểm hạng II.

 ĐKV hạng I thực hiện các nhiệm vụ theo chuyên ngành đào tạo đối với tất cả các loại PTTNĐ phù hợp với đơn vị đăng kiểm hạng I.

Đặc biệt mở rộng phạm vi tập huấn, thực tập nghiệp vụ và thực hiện cho các ĐKV đa năng (ĐKV chuyên ngành máy tàu đào tạo bổ sung chuyên môn ngành vỏ tàu và ngược lại) đối với tất cả ĐKV hạng I, II, III được thực hiện kiểm tra chu kỳ, bất thường theo phạm vi thực hiện của từng hạng ĐKV.

Thông tư sửa đổi này cũng đơn giản hoá, làm rõ ràng hơn các thành phần thủ tục, hồ sơ đề nghị công nhận ĐKV; cấp lại giấy chứng nhận ĐKV.

Bên cạnh đó Thông tư 02/2004/TT-BGTVT cũng mở rộng đối tượng được công nhận ĐKV trong trường hợp đặc biệt cụ thể như:

ĐKV tàu biển đã được công nhận theo quy định của pháp luật và còn thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận ĐKV tàu biển hoặc ĐKV của tổ chức đăng kiểm quốc tế là thành viên của Hiệp hội các tổ chức phân cấp quốc tế (IACS), sau khi được tập huấn nghiệp vụ thực hiện công tác kiểm tra PTTNĐ sẽ được công nhận là ĐKV thực hiện công tác kiểm tra PTTNĐ với các hạng mục tương ứng với Phụ lục của Giấy chứng nhận ĐKV tàu biển thực hiện công tác kiểm tra tàu;

Rút ngắn thời gian thực tập nghiệp vụ đối với những người có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật, vận hành tàu thuỷ, công trình biển và người có thời gian thực hiện nhiệm vụ thiết kế tàu thuỷ;

ĐKV tàu biển đã được công nhận thực hiện công tác thẩm định thiết kế tàu biển theo quy định của pháp luật và còn thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng kiểm viên, sau khi được tập huấn nghiệp vụ thẩm định thiết kế PTTNĐ sẽ được công nhận đăng kiểm viên thực hiện công tác thẩm định thiết kế PTTNĐ với nhiệm vụ, phạm vi thực hiện tương ứng.

Được biết, Thông tư số 02/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 20/3/2024.

    

Tác giả: ĐKVN