Hội nghị khu vực đầu tiên về đối xử công bằng đối với thuyền viên tại Philippines

14/11/2018

Trong khuôn khổ hội nghị khu vực đầu tiên về đối xử công bằng đối với thuyền viên được tổ chức tại Manila (Philippines), ngày 13/11/2018, các quốc gia cung cấp thuyền viên hàng đầu châu Á đã nhấn mạnh hoàn cảnh mà nhiều thuyền viên phải đối mặt trong trường hợp xảy ra tai nạn hàng hải và cam kết định hướng việc thực hiện đúng đắn, hiệu quả “Hướng dẫn về đối xử công bằng đối với thuyền viên trong trường hợp xảy ra tai nạn hàng hải” của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) được công bố bởi Nghị quyết A.987(24) của Đại hội đồng IMO.

1411.jpg

Toàn cảnh hội nghị

Hội nghị được tổ chức bởi Seafarers' Rights International (SRI) - là tổ chức quốc tế hàng đầu thế giới về nghiên cứu trong lĩnh vực pháp luật hàng hải và thuyền viên, phối hợp với Bộ Lao động và việc làm Philippines (DOLE). Mười một (11) quốc gia cung cấp thuyền viên hàng đầu châu Á tham dự hội nghị bao gồm: Ấn Độ, Bangladesh, Brunei Darussalam, Campuchia,  Maldives, Malaysia, Myanmar, Phillipnes, Sri Lanka, Trung Quốc và Việt Nam. Đoàn đại biểu Việt Nam tại hội nghị bao gồm đại diện Cục Hàng hải Việt Nam và Cục Đăng kiểm Việt Nam. Đại diện IMO, ILO, Liên đoàn Công nhân vận tải quốc tế (ITF), Công đoàn thuyền viên châu Âu, các hiệp hội chủ tàu, hiệp hội thuyền viên, các cơ sở đào tạo và cung ứng thuyền viên, cơ quan thực thi pháp luật các nước, … đã tham dự hội nghị.

Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Manila về đối xử công bằng đối với thuyền viên trong trường hợp xảy ra tai nạn hàng hải, khẳng định sự cần thiết phải đối xử công bằng và bảo vệ thuyền viên phù hợp với hướng dẫn của IMO và ILO.

SRI và DOLE phối hợp tổ chức hội nghị nhằm nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của thuyền viên đối với công nghiệp hàng hải toàn cầu và trách nhiệm đối xử công bằng đối với họ trong trường hợp xảy ra tai nạn hàng hải; cách thức triển khai và phối hợp ở cấp độ quốc tế cũng như khu vực trong việc thực hiện các hướng dẫn liên quan của IMO và ILO. Hội nghị đã nhận được sự ủng hộ quốc tế từ Tổng thư ký IMO, Giám đốc Tiêu chuẩn lao động ILO, cũng như đại diện của hơn 30 quốc gia ngoài khu vực châu Á.

Hơn 30 bài phát biển tại hội nghị nêu rõ thuyền viên luôn được công nhận là nhân tố sống còn cho thương mại quốc tế và là một loại hình lao động đặc biệt. châu Á là khu vực cung cấp thuyền viên lớn nhất cho ngành vận tải biển toàn cầu và có vai trò quan trọng trong việc duy trì, phát triển thương mại quốc tế. Do tính chất toàn cầu của ngành vận tải biển và các quy định pháp luật khác nhau mà thuyền viên có thể phải giao tiếp trong quá trình hoạt động nghề nghiệp, nên họ cần sự bảo vệ đặc biệt, nhất là việc tiếp xúc với các cơ quan công quyền của các quốc gia liên quan trong trường hợp xảy ra tai nạn hàng hải.


Đại biểu tham dự hội nghị chụp ảnh lưu niệm

Tuyên bố tại Hội nghị Manila đã khẳng định vai trò hàng đầu của các quốc gia cung cấp thuyền viên châu Á trong việc đấu tranh nhằm bảo đảm sự đối xử công bằng đối với thuyền viên và mở đường cho các khu vực khác trên thế giới noi theo.

Bà Deirdre Fitzpatrick, Giám đốc điều hành của SRI, cho biết Tuyên bố Manila là một bước quan trọng trong cuộc chiến để nâng cao nhận thức về về đối xử công bằng đối với thuyền viên phù hợp với hướng dẫn của IMO và ILO. Bà nhấn mạnh: "Chúng tôi rất vui mừng được tổ chức hội nghị khu vực đầu tiên tại Manila với sự hợp tác của ngài Silvestre H. Bello III, Bộ trưởng Bộ Lao động và việc làm Philippines. Điều đặc biệt quan trọng là Châu Á được nhìn nhận là khu vực dẫn đầu về vấn đề sống còn này đối với thuyền viên. Một số chính phủ đã thực hiện hướng dẫn, nhưng nhiều chính phủ khác cần phải cân nhắc và xem xét cách thức hướng dẫn có thể được thực hiện trong pháp luật riêng của họ, và cách thức phát triển năng lực của tất cả các bên liên quan nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả hơn các quyền cơ bản có trong hướng dẫn."

Ông Stephen Cotton, Tổng thư ký ITF, hoan nghênh Tuyên bố Manila và nhấn mạnh tuyên bố mạnh mẽ này vạch ra con đường phía trước cho việc đối xử công bằng đối với thuyền viên. Đồng thời ông cam kết ITF sẽ làm việc với SRI về chương trình tiếp theo cho các công việc liên quan.

Hướng dẫn của IMO và ILO về đối xử công bằng đối với thuyền viên là văn kiện tự nguyện, không mang tình ràng buộc, không tìm cách can thiệp vào bất kỳ pháp luật hình sự hoặc dân sự của quốc gia nào. Hướng dẫn nhằm cân bằng quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan trong việc đối xử công bằng đối với thuyền viên, cụ thể là quốc gia có cảng, quốc gia ven biển, quốc gia tàu mang cờ quốc tịch, quốc gia cung cấp thuyền viên, chủ tàu và thuyền viên.


Tác giả: V. Hải - VR