Kỳ họp thứ 74 Ủy ban bảo vệ môi trường biển (MEPC)

15/05/2019

Ủy ban bảo vệ môi trường biển (MEPC) của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) đã nhóm họp kỳ họp lần thứ 74 từ ngày 13 đến ngày 17 tháng 5 năm 2019 tại Trụ sở của Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO) thành phố Luân đôn, Vương quốc Anh.


Tham dự kỳ họp lần này của MEPC có hơn 170 đoàn đại biểu từ các quốc gia thành viên và các tổ chức phi chính phủ. Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự kỳ họp bao gồm các đại diện từ Cục Hàng hải Việt Nam và Cục Đăng kiểm Việt Nam. Đại diện của Cục Đăng kiểm Việt Nam là ông Phạm Hải Bằng, Trưởng phòng Tàu biển và ông Nguyễn Việt Phương, cán bộ phòng Công nghiệp tham dự.

Chương trình nghị sự chủ yếu bao gồm:

1. Thông qua các bổ sung sửa đổi

Bổ sung sửa đổi Công ước MARPOL - Cặn hàng và rửa các chất lỏng độc nguy hiểm bền vững ở trạng thái nổi trong két

MEPC mong muốn thông qua dự thảo bổ sung sửa đổi Phụ lục II MARPOL để tăng cường kiểm soát trong các khu vực biển được chỉ định việc thải các cặn hàng và hoạt động rửa két có chứa các sản phẩm nổi bền vững có độ nhớt cao và hoặc có điểm nóng chảy cao mà có thể hóa rắn trong một số trường hợp (ví dụ như một số loại dầu thực vật và hàng có tính paraffin) sau khi có những quan ngại về tác động đến môi trường của các trường hợp được phép thải.

Dự thảo bổ sung thêm một số yêu cầu mới vào Quy định 13 Phụ lục II MARPOL - Kiểm soát thải các cặn chất lỏng độc nguy hiểm, để yêu cầu phải rửa sơ bộ và thải hỗn hợp nước và cặn hàng phát sinh từ việc rửa sơ bộ vào thiết bị tiếp nhận đối với một số sản phẩm cụ thể, trong một số khu vực cụ thể (vùng nước Tây Bắc Châu Âu, khu vực biển Baltic, vùng nước phía Tây Châu Âu và Biển Na Uy.

Bổ sung sửa đổi MARPOL - sử dụng nhật ký điện tử

Dự thảo bổ sung sửa đổi MARPOL cho phép sử dụng nhật ký điện tử sẽ được thông qua tại kỳ họp này, áp dụng đối với Phụ lục I: Nhật ký dầu phần I - các hoạt động trong khu vực buồng máy và phần II - Các hoạt động dằn tàu/ làm hàng; Phụ lục II:Nhật ký làm hàng; Phụ lục V: Nhật ký đổ rác; và Phụ lục VI: các nhật ký liên quan đến Quy định 12 - các chất làm suy giảm tầng ô zôn, Quy định 13 - Ô xít Ni tơ (NOx) và Quy định 14 - Ô xít Lưu huỳnh (SOx) và bụi mịn.

MEPC dự định sẽ thông qua các hướng dẫn áp dụng đối với việc sử dụng nhật ký điện tử theo quy định của MARPOL. 

Các quy định EEDI đối với các tàu được gia cường đi băng

Dự thảo bổ sung sửa đổi Phụ lục VI MARPOL sẽ được thông qua liên quan đến các quy định về Chỉ số thiết kế hiệu quả năng lượng (EEDI) đối với các tàu được gia cường đi băng. Cụ thể là thay thế cụm từ "các tàu hàng có khả năng đi băng" bằng cụm từ "các tàu loại A theo định nghĩa trong Luật tàu hoạt động trong vùng cực".


Bổ sung sửa đổi Luật IBC (IBC Code)

MEPC dự kiến sẽ thông qua một bộ các dự thảo bổ sung sửa đổi Bộ luật quốc tế về kết cấu và thiết bị của tàu chở xô hóa chất nguy hiểm (IBC Code), bao gồm dụ thảo sửa đổi chương 17 (Tóm tắt các yêu cầu tối thiểu), chương 18 (Danh sách các chất không áp dụng Bộ luật), chương 19 (Danh mục các sản phẩm được chở xô) và chương 21 (Tiêu chuẩn xác định các yêu cầu chuyên chở các sản phẩm thuộc điều chỉnh của Bộ luật IBC).

Dự thảo các bổ sung sửa đổi Bộ luật kết cấu và thiết bị của tàu chở xô hóa chất nguy hiểm (Bộ luật BCH) cũng sẽ được thông qua.

Bổ sung sửa đổi Luật Kỹ thuật NOx 2008

Dự thảo bổ sung sửa đổi liên quan đến sử dụng Nhật ký điện tử và các yêu cầu chứng nhận hệ thống xử lý khí thải sử dụng chất xúc tác (SCR).

2. Giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính từ tàu

Chiến lược ban đầu của IMO

IMO sẽ thảo luận các biện pháp thực thi chiến lược ban đầu của IMO về giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính từ tàu mà đã được thông qua vào tháng 04 năm 2018. Chiến lược đã đặt ra một tầm nhìn trong đó khẳng định cam kết của IMO để giảm phát thải GHG từ vận tải biển quốc tế và tiến tới loại bỏ GHG càng sớm càng tốt. Các biện pháp ngắn hạn, trung hạn, và dài hạn với thời gian và tác động đến các quốc gia đã được liệt kê. MEPC 73 đã phê chuẩn chương trình hành động đến năm 2023.

Theo "các mức tham vọng" đã được xác định, Chiến lược GHG ban đầu đã dự kiến cụ thể mức giảm mạnh phát thải các bon của vận tải biển quốc tế (giảm phát thải CO2 trên công vận chuyển - như một mức trung bình của ngành vận tải biển quốc tế, là ít nhất 40% vào năm 2030, sau đó sẽ nỗ lực đạt 70% vào năm 2050, so với phát thải năm 2008); và tổng phát thải GHG hàng năm từ vận tải biển quốc tế phải được giảm ít nhất 50% vào năm 2050 so với phát thải năm 2008.

Các kết quả dự kiến đạt được tại MEPC 74  

Nhóm công tác về giảm phát thải GHG từ tàu đã họp vào tuần trước kỳ họp của MEPC 74 (từ ngày 07-19/5/2019) và sẽ báo cảo tới MEPC. Ngoài ra MEPC cũng thiết lập một nhóm công tác về giảm phát thải GHG trong quá trình thảo luận của kỳ họp 74.

MEPC dự kiến sẽ phê chuẩn các điều khoản tham chiếu và bắt đầu việc Nghiên cứu GHG lần thứ 4 của IMO (Nghiên cứu GHG lần thứ 3 đã được công bố vào năm 2014).

Ủy ban sẽ thảo luận quy trình đánh giá tác động tới các quốc gia về các biện pháp mới được đưa ra để thông qua nhằm đạt được mục đích của chiến lược;xác định và ưu tiên các biện pháp ngắn hạn sẽ được đưa ra thảo luận tại chương trình thảo luận của các kỳ họp MEPC tới với ưu tiên cho các biện pháp bắt buộc mà có thể có hiệu lực từ năm 2023.

MEPC sẽ thảo luận một dự thảo nghị quyết đề nghị các Quốc gia thành viên khuyến khích tự nguyện hợp tác giữa lĩnh vực cảng và lĩnh vực vận tải biển để đóng góp cho cắt giảm phát thải GHG từ tàu. Các biên pháp có thể được phía cảng thực hiện bao gồm cung cấp điện từ bờ, cung cấp nhiên liệu có hàm lượng các bon thấp hoặc không có các bon, tặng thưởng cho các tàu sử dụng nhiên liệu có hàm lượng các bon thấp hoặc không có các bon và hỗ trợ tối ưu hóa tàu cập cầu.

Dữ liệu đầu vào của quá trình theo hướng thông qua Chiến lược sửa đổi vào năm 2023 là dữ liệu thu thập về tiêu thụ nhiên liệu của các tàu có dung tích lớn hơn 5000 GT sẽ bắt đầu thực hiện từ ngày 01/01/2019. MEPC cũng mong muốnđạt được sự đồng thuận về phương pháp tiến hành phân tích.


Các công việc tiếp theo về hiệu quả năng lượng tàu (xem xét EEDI)

MEPC dự kiến phê chuẩn dự thảo bổ sungsuwar đổi Phụ lục VI để siết chặt hơn các yêu cầu EEDI giai đoạn 3. Tại kỳ họp lần trước MEPC đã thảo luận khả năng đưa các yêu cầu giai đoạn 3 áp dụng sớm vào năm 2022 (từ năm 2025) cho một số loại tàu cũng như một đề xuất nâng mức độ cải thiện hiệu quả năng lượng lên 40% (từ 30%) đối với tàu chở container. MEPC cũng sẽ thảo luận về công suất đẩy tàu tối thiểu để duy trì khả năng điều động tàu trong điều kiện thời tiết xấu.

3. Thực thi việc giới hạn hàm lượng lưu huỳnh 2020

Giới hạn hàm lượng lưu huỳnh của IMO

Giới hạn mới thấp hơn 0,5% đối với hàm lượng lưu huỳnh trong nhiên liệu của tàu sẽ có hiệu lực từ 01/01/ 2020, theo qui định trong Công ước MARPOL, sẽ mang lại lợi ích cho cả môi trường và sức khoẻ con người. Giới hạn mới sẽ được áp dụng trên toàn cầu (đối với các vùng có kiểm soát phát thải từ tàu (ECAs), phát thải lưu huỳnh Sẽ được giữ ở mức 0,01%)

Ngày có hiệu lực 01/01/2020 được thông qua vào năm 2008 và được phê chuẩn năm 2016. IMO đã làm việc với các Quốc gia thành viên và ngành công nghiệp hàng hải để hỗ trợ việc thực thi qui định mới bao gồm việc chuẩn bị dự thảo sửa đổi Phục lục VI MARPOL để đảm bảo việc thực thi thống nhất giới hạn hàm lượng lưu huỳnh 0,5% và xây dựng các hướng dẫn. MEPC 73 đã phê duyệt Hướng dẫn về việc xây dựng kế hoạch thực thi trên tàu để đảm bảo việc thực thi thống nhất giới hạn hàm lượng lưu huỳnh 0,5% theo Phụ lục VI MARPOL(MEPC.1/Circ.878)

Những kết quả dự kiến đạt được tại MEPC 74

MEPC 74 sẽ phê chuẩn các dự thảo hướng dẫn, đã được PPR6 xây dựng, bao gồm:

- Hướng dẫn năm 2019 thống nhất thực thi giới hạn hàm lượng lưu huỳnh 0,5% theo qui định của phụ lục VI- MARPOL

- Hướng dẫn 2019 cho cơ quan kiểm tra nhà nước cảng biển (PSC) theo qui định sửa đổi trong phụ lục VI-MARPOL,

- Hướng dẫn cho cơ quan kiểm tra nhà nước cảng biển (PSC) về các biện pháp dự phòng ứng phó với nhiên liệu không thoả mãn.

- Thông tư của MEPC về việc Hướng dẫn năm 2019 cho việc lấy mẫu trên tàu để thẩm tra hàm lượng lưu huỳnh của nhiên liệu sử dụng trên tàu.

- Thông tư liên ủy ban MSC-MEPC về cung cấp nhiên liệu thỏa mãn quy định của các nhà cung cấp sẽ được phê chuẩn tại MSC 101 vào tháng 6.

Liên quan đến chất lượng dầu nhiên liệu, MEPC sẽ xem xét dự thảo hướng dẫn thực hành tốt nhất cho các quốc gia thành viên / quốc gia ven biển cũng như đề xuất chương trình cấp giấy phép cho nhà cung cấp nhiên liệu.

Ủy ban cũng sẽ xem xét các đề xuất liên quan đến việc tăng cường thực hiện Quy định 18 của Phụ lục VI MARPOL, bao gồm chất lượng và tính sẵn có của dầu nhiên liệu.

Việc thực thi, tuân thủ và giám sát giới hạn lưu huỳnh mới là trách nhiệm và trách nhiệm của các quốc gia thành viên của Phụ lục VI MARPOL. Hầu hết các tàu dự kiến sẽ sử dụng hỗn hợp dầu nhiên liệu mới sẽ được sản xuất để đáp ứng giới hạn 0,5% hàm lượng lưu huỳnh trong dầu nhiên liệu, hoặc dầu diesel/ dầu diesel hàng hải thoả mãn. Hiện tại, giới hạn hàm lượng lưu huỳnh tối đa trong dầu nhiên liệu là 3,50% trên toàn cầu (và 0,10% trong bốn ECA: khu vực Biển Baltic; khu vực Biển Bắc; khu vực Bắc Mỹ (bao gồm các khu vực ven biển được chỉ định ngoài Hoa Kỳ và Canada); khu vực biển Caribbean của Hoa Kỳ (xung quanh Puerto Rico và Quần đảo Virgin thuộc Hoa Kỳ)).

Một số tàu sử dụng hệ thống làm sạch khí thải (EGCS) (thiết bị lọc khí xả), được các quốc gia tàu mang cờ chấp nhận như một phương tiện thay thế để đáp ứng yêu cầu giới hạn lưu huỳnh. MEPC sẽ xem xét các đề xuất cho một mục chương trình nghị sự mới, để Ủy ban sẽ xem xét thực hiện đánh giá tác động môi trường của nước thải từ EGCS và để đánh giá và hài hòa các quy tắc và hướng dẫn về việc xả nước thải từ EGCS.


4. Kế hoạch hành động đối với rác thải nhựa

MEPC sẽ tiếp tục thực hiện Kế hoạch hành động của IMO đối với rác thải nhựa từ tàu đã được thông qua từ kỳ họp trước

MEPC sẽ xây dựng yêu cầu cho một nghiên cứu về rác thải nhựa từ tàu, dựa trên công việc đã được nhóm công tác qua thư thực hiện theo yêu cầu xác định các vấn đề cần xem xét theo nhiệm vụ nghiên cứu về rác thải nhưa từ tàu của IMO; quyết định cơ chế phù hợp nhất để thực hiện nghiên cứu; xây dựng ma trận khung các quy định luật để xác định tất cả các công cụ luật pháp quốc tế và đối sách tốt nhất có liên quan đến các vấn đề rác thải nhựa từ tàu.

5. Thực thi công ước quản lý nước dằn

Công ước BWM đã có hiệu lực từ tháng 9 năm 2017 và đã được 81 quốc gia phê chuẩn tham gia chiếm 80,76% tổng dich tích đội tàu thương mại thế giới. Bổ sung sửa đổi công ước này liên quan đến thời hạn áp dụng đã được thông qua tại MEPC 72.

Mục tiêu chính của công ước hiện nay là việc thực hiện công ước một cách đồng bộ và hiệu quả và trên cơ sở tích lũy kinh nghiệm. Một nhiệm vụ là thu thập dữ liệu về việc áp dụng Công ước BWM. MEPC sẽ xem xét đề xuất liên quan đến việc lấy mẫu và phân tích nước dằn bao gồm phiên bản sửa đổi kế hoạch thu thập và phân tích dữ liệu cho giai đoạn tích lũy kinh nghiệm gắn liền với Công ước BWM để kết hợp một liên kết tới quy trình làm việc tiêu chuẩn.

MEPC dự kiến sẽ phê chuẩn bổ sung sửa đổi Công ước BWM và Luật phê duyệt Hệ thông quản lý nước dằn (Luật BWMS) liên quan đến thử hoạt động của hệ thống quản lý nước dằn cũng như sửa đổi mẫu giấy chứng nhận quản lý nước dằn.

MEPC cũng sẵn sàng xem xét các đề xuất liên quan đến áp dụng công ước BWM cho một số loại tàu cung thể cũng như miễn giảm một số quy định của Công ước này, bao gồm các bổ sung sửa đổi khả thi đối với Công ước và xây dựng các hướng dẫn liên quan.

MEPC 74 cũng xem xét các đề xuất phê chuẩn các hệ thống xử lý nước dằn có xử dụng hoạt chất hóa học.

6. Phê chuẩn các bổ sung sửa đổi, hướng dẫn và các vấn đề khác

MEPC 74 dự kiến sẽ phê chuẩn:

  • Dự thảo bổ sung sửa đổi đối với Công ước kiểm soát các hệ thống chống hà độc hại của tàu (Công ước AFS) để bao gồm kiểm soát biocid cybutryne.
  • 4 thông tư với các hướng dẫn mới hoặc được cập nhật liên quan đến đánh giá và chở xô hóa chất, bao gồm dự thảo thông tư MEPC sửa đổi về Hướng dẫn đánh giá tạm thời các chất lỏng được chuyên chở dưới dạng xô.
  • Phương pháp phân tích tác động của việc cấm sử dụng và chở dầu nặng là nhiên liệu tại các vùng biển thuộc các cực trái đất.
  • Dự thảo hướng dẫn về thực hiện các công ước ứng phó và phòng ngừa ô nhiễm (Công ước OPRC và Nghị định thư OPRC-HNS).

7. Hợp tác kỹ thuật và hỗ trợ xây dựng năng lực

Để thực hiện các công ước liên quan đến môi trường, các hoạt động hợp tác kỹ thuật và hỗ trợ xây dựng năng lực đã là mootjvai trò quan trọng của IMO. Trong kỳ họp này, các hoạt động hợp tác kỹ thuật bao gồm một số Dự án chính sẽ được giới thiệu và các cập nhật sẽ được giới thiệu.


Tác giả: Hải Bằng