Phát triển sức đẩy gió cho các tàu chở hàng rời khô

29/01/2021

Oldendorff Carriers, một trong những hãng tàu chở hàng rời hàng đầu thế giới, đã thông báo họ sẽ tham gia vào một dự án phát triển chung để thiết kế và thử nghiệm công nghệ đẩy tàu được hỗ trợ bằng sức gió cho các tàu chở hàng rời khô của mình. Dự án, dự kiến hoàn thành vào năm 2022, được thiết kế để phá vỡ các rào cản chính trong việc lắp đặt công nghệ buồm rôto và mở đường cho các ứng dụng thương mại sẵn sàng trong ngành hàng hải.

Khái niệm buồm rôto sẽ được lắp đặt trên tàu của Oldendorff Carriers

Trong dự án phát triển chung, Oldendorff Carriers - hiện đang sở hữu hơn 100 tàu và khai thác theo hình thức thuê trung bình khoảng 700 tàu khác sẽ hợp tác với Anemoi Marine Technologies, là công ty sở hữu công nghệ rôto thẳng đứng được cấp bằng sáng chế. Đăng kiểm Vương quốc Anh (Lloyd's Register - LR) và Viện Nghiên cứu và Thiết kế tàu thương mại Thượng Hải (SDARI) cũng sẽ tham gia vào dự án phát triển giải pháp đẩy tàu được hỗ trợ bằng sức gió cho tàu chở hàng rời khô.

"Dự án phát triển chung này, cùng với các dự án đang thực hiện khác trong công ty của chúng tôi, là minh chứng cho cam kết của chúng tôi trong việc phát triển và ứng dụng các công nghệ xanh cho toàn bộ đội tàu của công ty", ông Torsten Barenthin - Giám đốc Đổi mới của Oldendorff Carriers cho biết, "Bằng cách hợp tác với Nhà thiết kế tàu (SDARI), Nhà sản xuất (Anemoi) và Tổ chức Đăng kiểm (LR), Oldendorff Carriers tìm cách đạt được ứng dụng chức năng toàn diện của công nghệ gió, mang lại lợi ích về môi trường và thương mại trong toàn bộ vòng đời các tàu của chúng tôi."

 290121.1.jpg

Các buồm cơ khí được gấp lại để cho phép tàu cập cảng làm hàng

Dự án tập trung vào việc phát triển thiết kế rôto thẳng đứng của Anemoi, đóng vai trò như buồm cơ khí được lắp đặt trên boong tàu của Oldendorff Carriers. Khi được điều khiển để quay, các rôto khai thác sức mạnh của gió để cung cấp thêm lực đẩy cho tàu, giảm tiêu thụ nhiên liệu. Để đảm bảo các rôto không cản trở hoạt động làm hàng của tàu và giới hạn chiều cao tĩnh không, các buồm cơ khí được gắn hệ thống gập cho phép hạ từ vị trí thẳng đứng sang vị trí nằm ngang trên boong.

Khi giai đoạn thiết kế và nghiên cứu đã hoàn thành, kết quả thu được sẽ xác định liệu Oldendorff Carriers có tiến hành việc trang bị công nghệ rôto gió cho các tàu của mình hay không. Trong chương trình này, bằng cách lắp các rôto thẳng đứng trên một tàu chở hàng rời Newcastlemax trọng tải 207.000 tấn, sức đẩy của gió sẽ được thử nghiệm trên các hải trình dài của tàu.

290121.2.jpg

Khái niệm vtriển khai hoạt động của các rôto (Anemoi)

Công nghệ buồm rôto là một giải pháp bổ sung phù hợp cho việc kết hợp với các phát triển xanh khác. Năm ngoái, Oldendorff Carriers cũng đã ký một thỏa thuận với Trung tâm Bits&Atoms của Viện Công nghệ Massachusetts để điều tra những cải tiến đột phá trong thiết kế và sức đẩy tàu nhằm đạt được các mục tiêu của Chiến lược cắt giảm khí nhà kính trong vận tải biển của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO). ​

Tác giả: Nguyễn Hải