Quốc gia thứ 100 tham gia Phụ lục VI về ngăn ngừa ô nhiễm không khí từ tàu của Công ước MARPOL

09/06/2021

Ngày 08/6/2021, ông Javier Esteban Figueroa - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Argentina đã trình Tổng thư ký Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) văn kiện nước này gia nhập Phụ lục VI về ngăn ngừa ô nhiễm không khí từ tàu của Công ước Quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra (MARPOL). Argentina đã trở thành quốc gia thứ 100 gia nhập các quy định bắt buộc của IMO về cắt giảm ô nhiễm không khí trong vận tải biển.

 

Tổng thư ký IMO tiếp nhận văn kiện gia nhập Phụ lục VI của Công ước MARPOL từ Đại sứ Argentina ngày 08/6/2021

Các quy định trong Phụ lục VI của Công ước MARPOL nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí từ tàu, trong đó bao gồm các yêu cầu về hiệu quả năng lượng của tàu và chất lượng nhiên liệu hàng hải để giảm phát thải độc hại từ vận tải biển. Với sự tham gia của Argentina, Phụ lục VI đã trở thành bắt buộc áp dụng cho 96,65% tổng dung tích đội tàu thương mại toàn cầu.

Tổng thư ký IMO - ông Kitack Lim đã hoan nghênh việc phê chuẩn mới nhất của Argentina. "Các quy định của Phụ lục VI hạn chế các chất gây ô nhiễm không khí từ vận tải biển và cải thiện hiệu quả năng lượng, giúp chống lại biến đổi khí hậu toàn cầu bằng cách giảm phát thải CO2 từ tàu biển. Tôi hài lòng vì hiện chúng ta có 100 quốc gia tham gia phụ lục này, và khuyến khích những quốc gia khác chưa làm như vậy trở thành thành viên của hiệp định quan trọng này", ông Lim nói, "Tất cả chúng ta cần phải làm phần việc của mình để đảm bảo sức khỏe của con người và hành tinh, cũng như đối phó với biến đổi khí hậu. Phụ lục VI của Công ước MARPOL tạo ra khung pháp lý bắt buộc để hạn chế phát thải độc hại từ tàu."

Ông Lim lưu ý việc phần lớn đội tàu thế giới tính theo tổng dung tích đã phải bắt buộc áp dụng Phụ lục VI của Công ước MARPOL, nên tất cả các quốc gia trên thế giới, bao gồm các quốc gia ven biển, đều có thể hưởng lợi khi tham gia phụ lục này, vì sau đó họ có thể thực hiện quyền kiểm soát của quốc gia cảng đối với tàu mang cờ quốc tịch của bất kỳ quốc quốc gia nào ghé vào cảng của mình.

Phụ lục VI của Công ước MARPOL quy định các giới hạn bắt buộc đối với phát thải ôxít lưu huỳnh (SOx) và ôxít nitơ (NOx) từ khí thải động cơ tàu, điều chỉnh việc đốt chất thải trên tàu và cấm cố ý phát thải các chất làm suy giảm tầng ôzôn. Phụ lục còn bao gồm các quy định cho các khu vực kiểm soát phát thải từ tàu được chỉ định với các tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn về phát SOx, NOx và các chất dạng hạt (bụi mịn).

Chương 4 của Phụ lục VI được thông qua năm 2011 bao gồm các biện pháp kỹ thuật và vận hành hiệu quả năng lượng bắt buộc nhằm giảm phát thải khí nhà kính từ tàu biển. Quy định về hiệu quả năng lượng tàu biển đã được IMO mở rộng và tăng cường trong suốt thập kỷ qua, cung cấp khung pháp lý bắt buộc để xây dựng Chiến lược ban đầu về khí nhà kính của IMO năm 2018 (IMO's 2018 Initial GHG Strategy).

Trụ sở của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO)  tại LondonVương quốc Anh

Lịch sử hình thành Phụ lục VI của Công ước MARPOL

Vấn đề kiểm soát ô nhiễm không khí từ tàu - đặc biệt là khí độc từ khí thải của tàu - đã được thảo luận vào đầu những năm 1970, khi IMO xây dựng Công ước Quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra năm 1973 (MARPOL 1973). Tuy nhiên, tại thời điểm đó IMO đã quyết định không đưa ra các quy định liên quan đến ô nhiễm không khí từ tàu vào Công ước MARPOL.

Cũng thời gian đó, vấn đề ô nhiễm không khí đang được thảo luận tại các diễn đàn khác. Hội nghị Liên hợp quốc về môi trường con người tại Stockholm năm 1972 đánh dấu sự khởi đầu của hợp tác quốc tế tích cực trong việc chống lại quá trình axít hóa, hay còn gọi là mưa axit - phần lớn gây ra bởi sự tích tụ trong không khí của ôxít lưu huỳnh và ôxít nitơ. Các nhà máy điện đốt than và dầu là nguồn tạo ra điôxít lưu huỳnh lớn nhất, trong khi ôxít nitơ đến từ khí thải ô tô và tàu thủy.

Năm 1979, Công ước về ô nhiễm không khí xuyên biên giới tầm xa đã được 34 chính phủ và Cộng đồng châu Âu thông qua. Đây là công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên để giải quyết các vấn đề ô nhiễm không khí trong phạm vi khu vực. Các nghị định thư của công ước này sau đó đã được ký kết về việc giảm lượng phát thải lưu huỳnh (năm 1985), ôxít nitơ (năm 1988), hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (năm 1991) và tiếp tục giảm phát thải lưu huỳnh (năm 1994).

Năm 1987, Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ôzôn được xây dựng và thông qua dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc, nhằm cắt giảm việc sản xuất và tiêu thụ các chất làm suy giảm tầng ôzôn bao gồm chlorofluorocarbons (CFC) và halogen để bảo vệ tầng ôzôn. Các nghị định thư liên quan đã được thông qua năm 1990 và 1992.

Tại IMO, Ủy ban Bảo vệ môi trường biển (MEPC) vào giữa những năm 1980 đã xem xét chất lượng của dầu nhiên liệu hàng hải và thảo luận vấn đề ô nhiễm không khí do tàu gây ra.

Năm 1988, MEPC đồng ý đưa vấn đề ô nhiễm không khí vào chương trình làm việc của ủy ban. Năm 1991, Đại hội đồng IMO đã thông qua Nghị quyết A.719(17) về ngăn ngừa ô nhiễm không khí từ tàu, kêu gọi MEPC chuẩn bị dự thảo phụ lục mới của Công ước MARPOL về ngăn ngừa ô nhiễm không khí.

Phụ lục VI của Công ước MARPOL đã được IMO thông qua tại hội nghị tháng 9/1997. Tại hội nghị này IMO đã thông qua một nghị định thư của Công ước MARPOL, trong đó có Phụ lục VI mới. Cũng tại hội nghị, các quốc gia thành viên IMO đã thông qua một số nghị quyết, trong đó có nghị quyết số 8 quan trọng về phát thải CO2 từ tàu biển. Nghị quyết này đề nghị MEPC xem xét chiến lược giảm thiểu CO2 có thể khả thi dựa trên mối quan hệ giữa CO2 với các chất gây ô nhiễm biển và ô nhiễm khí quyển khác. Nghị quyết cũng đề nghị IMO, hợp tác với UNFCCC (Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu), thực hiện nghiên cứu về phát thải CO2 từ tàu nhằm mục đích xác định số lượng và tỷ lệ tương đối phát thải CO2 từ vận tải biển như một phần của kiểm kê phát thải CO2 toàn cầu.

Công ước UNFCCC đã được thông qua vào tháng 12/1992 và có hiệu lực từ năm 1994. Tháng 12/1997, Nghị định thư Kyoto của Công ước UNFCCC đã được thông qua (có hiệu lực từ năm 2005). Theo Nghị định thư này, các quốc gia nhất trí hạn chế và giảm phát thải khí nhà kính không được kiểm soát bởi Nghị định thư Montreal từ nhiên liệu hàng không và hàng hải, thông qua Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO).

090621.1.jpg

Năm 2021, IMO dự kiến ​​sẽ thông qua các sửa đổi, bổ sung đối với Phụ lục VI của Công ước MARPOL

Nghị định thư năm 1997 (Phụ lục VI của Công ước MARPOL)

Nghị định thư bao gồm Phụ lục VI của Công ước MARPOL có hiệu lực ngày 19/5/2005. Ngay sau ngày có hiệu lực, các quốc gia thành viên IMO đã đồng ý sửa đổi, bố sung Phụ lục này và cập nhật các yêu cầu liên quan. Phụ lục sửa đổi, bổ sung đã được thông qua năm 2008 và có hiệu lực  năm 2010.

Bản sửa đổi quan trọng này của Phụ lục VI bao gồm các giới hạn nghiêm ngặt hơn về phát thải ôxít lưu huỳnh từ tàu, đưa ra mức giới hạn 0,50% trên phạm vi toàn cầu từ năm 2020 - tùy thuộc vào việc đánh giá tình hình thực tế. Việc đánh giá này đã được hoàn thành trong năm 2016 và khẳng định giới hạn 0,50% lưu huỳnh sẽ được áp dụng trong ngành hàng hải thế giới từ ngày 01/01/2020 với tên gọi "Giới hạn lưu huỳnh năm 2020 của IMO". Giới hạn này chắc chắn đã góp phần cắt giảm đáng kể lượng phát thải ôxít lưu huỳnh từ vận tải biển, khi các tàu chuyển sang sử dụng dầu nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh rất thấp hoặc sử dụng hệ thống làm sạch khí thải lắp đặt trên tàu.

Năm 2011, IMO đã thông qua một chương mới về hiệu quả năng lượng trong Phụ lục VI của Công ước MARPOL, đưa ra các yêu cầu bắt buộc đối với tàu để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, góp phần chống lại biến đổi khí hậu bằng cách giảm lượng phát thải CO2.

Tiếp đó, Chiến lược ban đầu về khí nhà kính của IMO đã được thông qua vào năm 2018, với các mục tiêu đầy tham vọng:

•     Giảm 40% cường độ cácbon của vận tải biển quốc tế so với mức của năm 2008 vào năm 2030;

•     Tăng mức giảm nêu trên lên 70% vào năm 2050;

•     Giảm ít nhất 50% lượng phát thải khí nhà kính từ vận tải biển quốc tế so với mức năm 2008 vào năm 2050;

•     Đạt mục tiêu không phát thải khí nhà kính càng sớm càng tốt trong thế kỷ 21, tức là vào năm 2100.

Trong năm 2021, IMO dự kiến sẽ thông qua các sửa đổi, bổ sung đối với Phụ lục VI của Công ước MARPOL, nhằm đưa ra các yêu cầu bắt buộc nhằm mục đích cắt giảm cường độ cácbon của tất cả các tàu.

Ngày 16/10/2014, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Quyết định số 2368/2014/QĐ-CTN đồng ý việc Việt Nam tham gia các Phụ lục III, IV, V và VI của Công ước MARPOL, và các phụ lục này đã có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 19/3/2015. Toàn bộ đội tàu biển Việt Nam đã tuân thủ đầy đủ các quy định cập nhật về ngăn ngừa ô nhiễm không khí theo Phụ lục VI của Công ước MARPOL.

Tác giả: Nguyễn Vũ Hải