Samsung nghiên cứu phát triển tàu hàng chạy bằng năng lượng hạt nhân

11/06/2021

Công ty đóng tàu Samsung Heavy Industries của Hàn Quốc sẽ thực hiện một dự án nghiên cứu và phát triển chung với Viện Nghiên cứu năng lượng nguyên tử Hàn Quốc (KAERI), để phát triển tàu biển chạy bằng năng lượng hạt nhân hiện đại đầu tiên. Theo thỏa thuận hợp tác chiến lược, hai tổ chức có kế hoạch khám phá các cơ hội sử dụng năng lượng hạt nhân như một giải pháp cho vận tải biển trung hòa các-bon.

 

Samsung có kế hoạch nghiên cứu năng lượng hạt nhân cho thế hệ tàu thương mại tiếp theo

Thế giới đã quan tâm đến việc sử dụng năng lượng hạt nhân cho vận tải biển thương mại trong suốt những năm 1950, nhưng một phần do lo ngại về an toàn và tính kinh tế, công nghệ này chưa được phát triển cho đến nay. Hoa Kỳ đã chế tạo tàu chở khách-hàng chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên mang tên NS Savannah, như một tàu trình diễn hoạt động thương mại vào cuối những năm 1960. Vào cùng thời điểm đó, Nhật Bản và Đức cũng đóng tàu buôn hạt nhân. Mặc dù năng lượng hạt nhân không thúc đẩy được hoạt động vận tải biển thương mại, nhưng nó đã trở thành một phần quan trọng của hải quân thế giới.

Samsung sẽ nghiên cứu ứng dụng lò phản ứng muối nóng chảy (molten salt reactor - MSR), vốn được xem là một giải pháp an toàn hơn, nhẹ hơn, đòi hỏi ít vốn đầu tư hơn cho ngành vận tải biển. Ý tưởng này dựa trên một thiết kế sử dụng vật liệu hạt nhân cấp thấp hơn so với vật liệu cấp vũ khí cần thiết trong các lò phản ứng trên tàu hải quân. Nó cũng không yêu cầu hệ thống làm mát bằng nước áp suất cao được sử dụng trên tàu ngầm và tàu sân bay hạt nhân. Trong thiết kế MSR, nhiên liệu uranium được trộn với muối clorua và nếu xảy ra rò rỉ trong hệ thống, hỗn hợp này sẽ đông đặc lại, giảm nguy cơ nổ và nhiễm bẩn.

 110621.3.jpg

Tàu chở khách-hàng hoạt động bằng năng lượng hạt nhân của Hoa Kỳ mang tên NS Savannah (ảnh chụp năm 1962)

 "MSR là nguồn năng lượng không chứa các-bon có thể ứng phó hiệu quả với các vấn đề biến đổi khí hậu và là công nghệ thế hệ tiếp theo đáp ứng tầm nhìn của Samsung Heavy Industries", ông Jin-Taek Jung - Chủ tịch Samsung Heavy Industries cho biết, "Chúng tôi có kế hoạch tập trung nỗ lực nghiên cứu và phát triển của mình để tạo ra động lực tăng trưởng mới trong tương lai."

Thông qua thỏa thuận này, Samsung có kế hoạch đi tiên phong trong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân nổi dựa trên MSR và thị trường tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân như một phần của kế hoạch mở rộng kinh doanh mới trong tương lai. Nghiên cứu sẽ bao gồm công nghệ phần tử MSR và phát triển các trang thiết bị liên quan, chẳng hạn như bộ trao đổi nhiệt, thiết kế sản phẩm hạt nhân ngoài khơi và phát triển mô hình kinh doanh, xác minh hiệu suất và đánh giá kinh tế.

Trong số những lợi thế mà Samsung nhận thấy đối với công nghệ này là tuổi thọ của lò phản ứng được dự báo là 20 năm, bằng với tuổi thọ của tàu, có nghĩa là tàu sẽ không cần phải tiếp nhiên liệu trong quá trình hoạt động. Họ nhấn mạnh rằng kích thước của lò phản ứng tương đối nhỏ, vì vậy nó có ưu điểm là dễ ứng dụng trên tàu. Ngoài ra, thiết kế MSR cung cấp mức độ an toàn cao hơn và sẽ ngăn ngừa các tai nạn nghiêm trọng./.

Tác giả: H. Nguyễn