Các nước Đông Nam Á đang khuyến khích phát triển xe điện ra sao?

24/08/2020

Các quốc gia trong khu vực như Thái Lan và Singapore đều đang có chính sách thúc đẩy công nghiệp sản xuất ô tô điện và khuyến khích người dùng chuyển sang lựa chọn các dòng xe nhiên liệu sạch.

Các nước Đông Nam Á đang khuyến khích phát triển xe điện ra sao?

Hyundai gây bất ngờ khi sản xuất xe điện tại Singapore

Hyundai Motor sẽ sản xuất xe điện (EV) tại một nhà máy ở Jurong (Singapore) vào năm 2022. Chủ tịch Komoco Motors - Nhà phân phối của Hyundai tại Singapore cho biết dự kiến sẽ có 30.000 chiếc ô tô điện thương hiệu Hyundai được sản xuất tại Singapore từ năm 2022. Trong số đó, khoảng 6.000 chiếc được bán ở thị trường nội địa. Hyundai sẽ xuất khẩu số xe còn lại. 

Thông tin trên tờ Straits Times cho biết nhà máy sản xuất tại Singapore bắt đầu khởi công xây dựng vào tháng 10 tới. Hồi đầu năm nay, một trung tâm R&D cũng được thành lập tại quốc đảo này nhằm nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ trên toàn bộ chuỗi cung ứng ô tô trong đó có cả quy trình sản xuất xe điện.

Động thái của Hyundai gây bất ngờ khi chọn một quốc gia không có nền công nghiệp sản xuất ô tô để đặt nhà máy sản xuất. Dự án xe điện của Hyundai cũng "lấp đi khoảng trống" mà Dyson để lại khi hoãn dự án đầu tư sản xuất xe điện trị giá 2,5 tỷ USD vì không tìm được phương án thương mại hóa.

Ford Motor từng đóng cửa nhà máy sản xuất tại quốc đảo và đến hiện tại Singapore chưa có nhà máy sản xuất ô tô nào. Elon Musk cũng phàn nàn rằng quốc gia này không hỗ trợ cho sự phát triển xe điện khi Singapore từ chối xe điện Tesla. Thực tế cho thấy, Singapore đang có kế hoạch loại bỏ dần các phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2040.

Chính phủ Singapore cũng thực hiện biện pháp khuyến khích các phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch như xe hybrid và ô tô điện như hỗ trợ mức phí đăng ký lên tới 20.000 đô la Singapore; đồng thời sẽ đầu tư để tăng số lượng trạm sạc điện lên 28.000 vào năm 2030. 

Trong khu vực, Thái Lan là quốc gia đang đầu tư mạnh mẽ nhất cho xe điện. Chính phủ Thái Lan đã quan tâm và bắt đầu có những chính sách thu hút đầu tư nước ngoài để thúc đẩy ngành công nghiệp xe điện kể từ năm 2015.

Hồi tháng 3, Thái Lan công bố kế hoạch đưa Thái Lan trở thành trung tâm của xe điện vào năm 2025 với mục tiêu sản xuất 250.000 xe điện, 3.000 xe buýt điện và 53.000 xe máy điện. Ủy ban Chính sách xe điện quốc gia Thái Lan cũng được thành lập và đang thảo luận về các đặc quyền đầu tư mới để kích thích hơn nữa nhu cầu về xe điện.

Các nước Đông Nam Á đang khuyến khích phát triển xe điện ra sao?

Singapore muốn loại bỏ dần các phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2040. Ảnh: Singapore EV

Tiến sĩ Yossapong Laoonual, Chủ tịch Hiệp hội Xe điện Thái Lan cho biết Chính phủ Thái Lan có kế hoạch tăng số lượng xe điện (cả xe PHEV và BEV) lên 1,2 triệu chiếc vào năm 2036.

Để có thể thực hiện, quốc gia này đang dùng nhiều biện pháp khuyến khích đầu tư tăng nguồn cung xe điện, tăng nhu cầu trong nước thông qua mua sắm hay ưu đãi nhằm thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng cho xe điện.

Vị này cũng cho rằng các chính sách hỗ trợ của chính phủ sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh cho ngành công nghiệp ô tô của Thái Lan. Nhờ các chính sách thu hút đầu tư, Thái Lan đã trở thành một trung tâm sản xuất ô tô hàng đầu.

Chính phủ cũng đưa ra mức miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho các nhà sản xuất ô tô sản xuất xe điện chạy pin (BEV) ở Thái Lan trong giai đoạn 2020-2022. Đồng thời, các nhà đầu tư trong ngành công nghiệp ô tô có thể hưởng nhiều ưu đãi hơn từ Ủy ban đầu tư Thái Lan (BoI) nếu xây dựng nhà máy ở một số khu vực nhất định.

Thái Lan cũng chuẩn bị nhiều nguồn lực cho sự phát triển của nền công nghiệp xe điện, trong đó, nguồn nhân lực được chú trọng khi đã mở rộng đào tạo nhân lực kỹ thuật. BoI Thái Lan cho hay, số lượng đăng ký xe điện (cả PHEV và HEV) ở Thái Lan trong năm 2019 là 30.676 xe, đạt tốc độ tăng trưởng 51% so với năm 2018. 

Indonesia đang nỗ lực trở thành cường quốc phát triển xe điện. Chính phủ tích cực thu hút đầu tư của các công ty từ nước ngoài nhằm đưa xe điện chiếm 1/4 lượng ô tô sản xuất hàng năm cho đến 2030 và hút được nhiều dự án “béo bở”. Chẳng hạn như khoản đầu tư 2 tỷ USD của Toyota trong đó có một phần cho sản xuất xe điện; hay dự án sản xuất pin xe điện của Hyundai và LG Chem.

Ngoài ra, Indonesia cũng có các biện pháp khuyến khích của chính phủ nhằm thúc đẩy người dân sử dụng phương tiện chạy bằng điện thay cho các loại xe chạy bằng xăng truyền thống như đánh thuế phương tiện dựa trên lượng khí thải và có ưu đãi cho người sử dụng.


Tác giả: H. Nam