Campuchia tăng tốc xây cơ sở hạ tầng cho xe điện

11/05/2022

Campuchia hy vọng sẽ có ít nhất 10 trạm sạc xe điện vào cuối năm nay – theo lời phát biểu của Bộ trưởng Giao thông công chánh Sun Chanthol hồi tháng 3 vừa rồi. Hãng Caltex có kế hoạch bổ sung thêm 50 địa điểm khác trong vòng ba năm tới. Các hãng năng lượng như Total của Pháp hay PTT của Thái Lan cũng dự kiến sẽ xây dựng các trạm sạc khác.

110522.jpg

Cây sạc xe điện tại một cây xăng Caltex khai trương hôm 26-4 ở ngoại ô Phnom Penh.​

Campuchia đang nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng cho xe điện dù rằng số xe điện bán ra trong quí 1 vừa rồi chưa đến 50 chiếc.

Trạm sạc hiếm khách

Tại một cây xăng Caltex mới khai trương nằm ở ngoại ô Phnom Penh, cây sạc xe điện màu trắng và đỏ sáng lấp lánh, nhưng hầu như ít có xe đến sạc. Hôm khai trương 26-4, trạm xăng này đông khách dự lễ khai trương, trong đó có Bộ trưởng Chanthol và Đại sứ Mỹ tại Campuchia Patrick Murphy.

Nhưng không mấy xe đến trạm sạc này trong hai tuần qua. Nhân viên cây xăng Panha nói rằng “Có thể là năm xe”. Và anh mong rằng con số ghé trạm sạc sẽ tăng lên trong tương lai.

Campuchia đang trong bước đầu khuyến khích người dân sử dụng xe điện. Việc xây dựng các trạm sạc cho xe điện ở khắp nơi như một phần trong nỗ lực đạt được mục tiêu giảm phát thải của chính phủ nước này.

Campuchia đã giảm thuế nhập khẩu xe điện vào năm ngoái và đang xem xét một số biện pháp khuyến khích người dân sử dụng xe điện. Mục tiêu chính phủ đặt ra là 40% tổng số xe hơi và xe buýt đô thị, 70% xe gắn máy sẽ chạy bằng điện vào năm 2050.

Chương trình này do Bộ Giao thông công chính Campuchia phụ trách và được Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) hỗ trợ. Trạm sạc cho xe điện đầu tiên của Campuchia đã được UNDP xây tại trụ sở của Bộ Giao thông công chánh tại Phnom Penh đầu tháng 3 vừa rồi. Tháng trước, Campuchia đã khai trương trạm sạc thứ hai và thứ ba, một do Caltex lắp đặt và cái còn lại do UNDP tài trợ ở thành phố biển Sihanoukville. Dự kiến sẽ có thêm hai trạm sạc khác do UNDP tài trợ khai trương trong tháng 5 này tại Siem Reap và Battambang.

Hiện tại, thuế nhập khẩu xe điện thấp hơn khoảng 50% so với xe động cơ đốt trong. Năm ngoái, chính phủ cũng đã giảm thuế nhập khẩu đặc biệt đối với xe điện từ 30% xuống 10%. Những thay đổi bổ sung đang được xem xét bao gồm giảm thuế đường bộ và phí đăng ký xe điện.

Giá xe điện quá đắt

Những động thái như vậy sẽ tạo ra lực đẩy mới cho thị trường xe điện mới manh nha của Campuchia, dù rằng giá xe điện quá đắt so với thu nhập của người dân đang là rào cản chính.

Campuchia có khoảng 920.000 xe hơi và 5,2 triệu xe máy đã đăng bạ. Với thu nhập hộ gia đình trung bình dưới 7.000 đô la một năm, việc sở hữu xe hơi – đặc biệt là các mẫu xe đời mới – đang nằm ngoài tầm tay của hầu hết hộ gia đình, ngoại trừ các gia đình khá giả và tầng lớp quan chức.

Hiện đang có hai hãng sản xuất xe điện cho thị trường trong nước. Năm ngoái, hãng Tada của Hàn Quốc đã thành lập xưởng sản xuất xe tuk-tuk chạy điện tại tỉnh Kandal, giáp giới với thủ đô Phnom Penh. Chính phủ Campuchia đang mời gọi các hãng xe điện đầu tư vào quốc gia này.

Xe điện đang dần dần xuất hiện trên đường phố ở Campuchia. Một đại lý phân phối xe của Tesla đã khai trương tháng 10-2021. Hãng xe BYD của Trung Quốc cũng đã có mặt tại vương quốc này, đồng thời là nhà phân phối của hãng Hongqi (Hồng Kỳ) của Trung Quốc tại Campuchia. Các nhà nhập khẩu Campuchia cũng đưa vào thị trường nhiều mẫu xe điện khác.

Nhưng doanh số xe điện tại Campuchia đang tăng một cách rất từ tốn. Chỉ vỏn vẹn hai xe đăng bạ trong năm 2020, 62 chiếc trong năm 2021 và 47 chiếc trong quí 1 năm nay – Nikkei Asia trích dẫn báo chí địa phương.

Zhu Shuai, người sáng lập Ming Yang Auto tại Phnom Penh, rất muốn thấy những con số này tăng lên. Công ty dịch vụ bảo dưỡng xe và mua bán xe sang này đã trở thành nhà phân phối chính thức của hãng Hongqi năm 2020.

Kể từ năm ngoái, Ming Yang Auto đã bán được năm chiếc xe điện loại sang E-HS9 của Hongqi với giá bán lẻ 188.000 đô la mỗi chiếc – tức bằng thu nhập trong gần 27 năm của một hộ gia đình ở Campuchia. Tháng 6 tới, công ty sẽ nhập khẩu mẫu xe E-QM5 với giá rẻ hơn và dự kiến sẽ bán từ 40.000 đô la/chiếc, tùy theo mức thuế.

“Chúng tôi sẽ đặt hàng xe điện từ hãng sản xuất và sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Như bạn có thể thấy, thị trường rất nhỏ, nhưng chúng tôi cố gắng đưa xe điện đến Campuchia và nỗ lực cải thiện doanh số”, Zhu nói.


Dòng xe điện e2 của hãng xe BYD của Trung Quốc bày bán tại một showroom ở Phnom Penh. Giá các mẫu xe điện nhập khẩu hiện nằm ngoài tầm với của người dân Campuchia.

Thời điểm để thay đổi

Giá xăng đang tăng, với mức tăng trung bình đến 40% từ tháng 12 năm ngoái đến tháng 1-2022 – theo ghi nhận của Ngân hàng quốc gia Campuchia. “Đây là thời điểm thích hợp để suy nghĩ lại về giao thông bền vững hay giao thông thân thiện với môi trường tại Campuchia”, đại diện của UNDP tại Phnom Penh, Alissar Chakar nhận định.

Ông Chakar cũng cho rằng Campuchia có thể đạt được mục tiêu giảm phát thải một khi cơ sở hạ tầng cho xe điện được mở rộng.

Ng Kawai, người quản lý của TX Auto Center – nhà phân phối của Tesla, thừa nhận rằng ông đang đối mặt với áp lực tăng doanh số từ thương hiệu xe điện nổi tiếng của Mỹ.

Công ty đã khai trương phòng trưng bày mang thương hiệu Tesla ở Phnom Penh vào tháng 10-2021 sau khi chủ sở hữu – một công dân Canada – đạt được thỏa thuận với Tesla Thượng Hải về việc nhập xe vào thị trường Campuchia.

Danh tiếng của nhà sáng lập Elon Musk tạo sự quan tâm với người tiêu dùng Campuchia. Nhưng mức giá khởi điểm của các mẫu xe Tesla từ 80.000 đô la mỗi chiếc khiến xe Tesla chỉ phù hợp với giới nhà giàu ở đất nước này mà thôi.

Kawai nói rằng Tesla đã áp chỉ tiêu ít nhất 1.000 xe mỗi năm. Cho đến nay, tức gần 8 tháng, họ đã bán hết hàng, bao gồm 12 chiếc mẫu 3 và bảy chiếc mẫu Y. Nhưng chỉ là một nhà phân phối nhỏ, TX Auto không là ưu tiên hàng đầu cho các đợt rót hàng mới.

“Dĩ nhiên, họ sẽ ưu tiên cho các đại lý lớn trước. Chúng tôi không bán được nhiều như các đại lý lớn, vì vậy chúng tôi chưa thực sự nhận nhiều hỗ trợ từ Tesla”, Kawai nói.

TX Auto cung cấp các bộ sạc tại nhà và di động dành cho khách mua xe Tesla. Một thách thức lớn là các bộ sạc đều đòi hỏi phải kết nối đất. Đây là điều không tưởng ở Campuchia vào lúc này.

Kawai đang lái chiếc Tesla Model 3 và đã chạy khoảng 10.000 km ở Campuchia. Kawai nói anh không gặp vấn đề gì khi xe hết điện.

“Lúc đầu, tôi cũng lo lắng như bao người khác về chuyện sạc điện. Giờ thì tôi chỉ sạc điện mỗi tuần một lần. Anh nói thêm chuyến đi từ Phnom Penh đến thành phố Kampot ven biển dài khoảng 150 cây số không hề gặp trục trặc gì. Bởi hành trình chỉ tốn 15% pin.

Tác giả: R. Hồ