Công nghệ 5G và xu hướng vận tải tương lai

22/01/2021

Đối với ngành vận tải, trong tương lai không xa những chiếc xe tự lái có thể vận hành một cách an toàn nhờ tín hiệu cập nhật tức thì.


LG Uplus vừa thử nghiệm thành công hệ thống đỗ xe tự động sử dụng công nghệ 5G đầu tiên trên thế giới

Chạy băng băng trên con đường phía Tây thủ đô Seoul (Hàn Quốc), dừng chờ ở một vài nút giao đèn tín hiệu, sau đó đậu vào phần diện tích khá hẹp của một bãi xe công cộng, nhìn bên ngoài, ít ai biết rằng chiếc Genesis GV80 SUV đang di chuyển mà không hề có… tài xế.

LG Uplus, một trong những nhà cung cấp dịch vụ di động lớn nhất Hàn Quốc, cho biết  vừa thử nghiệm thành công hệ thống đỗ xe tự động sử dụng công nghệ 5G đầu tiên trên thế giới.

Theo đó, thông qua một ứng dụng di động, người dùng có thể biết vị trí nào còn trống trong bãi đỗ xe gần khu vực mình đứng. Sau đó, họ chỉ cần chọn một điểm đỗ, hiển thị bằng màu xanh lam trên màn hình, rồi nhấp vào chức năng ‘bắt đầu đỗ xe tự động’. Hệ thống sẽ ngay lập tức được kích hoạt. Xe ô tô sẽ tự di chuyển trên đường phố và đến vị trí đỗ an toàn.

Ông You Hyung Sang, đại diện LG Uplus chia sẻ: “Công nghệ đỗ xe tự động không chỉ tạo thuận lợi cho tài xế mà còn giúp họ tiết kiệm rất nhiều thời gian”

Được biết, để phát triển hệ thống, LG Uplus đã hợp tác cùng phòng thí nghiệm ACE thuộc đại học Hanyang và công ty chuyên về xe tự lái ControlWorks. Trước khi tuyên bố thử nghiệm thành công, các kỹ sư thực hiện gần 140 cuộc kiểm tra trên quãng đường 800m, từ Quảng trường Thông tin ở Sangam-dong tới bãi đỗ xe công cộng Sangam. Các kết quả đạt độ chính xác 100%.

Nhà sản xuất cho hay, nhờ công nghệ 5G, những chiếc xe có thể tiếp nhận tín hiệu giao thông gần như tức thì, với độ trễ 0,1 giây, thay vì chỉ nhận diện chúng thông qua các cảm biến như trước đây. Từ đó, các phương tiện lưu thông trên đường có thể kịp thời dự báo tình huống, tăng cường tính an toàn cho hành khách.

Ngoài ra, chỗ đậu xe trống được công nghệ trí tuệ nhân tạo phát hiện và thống kê qua camera quan sát lắp đặt ở các bãi đỗ xe công cộng sau đó tải lên hệ thống. Xe có thể tự xác định vị trí đỗ tại những bãi đậu xe trong nhà, thậm chí ở nơi hệ thống GPS không thể hoạt động. Nhiều cảm biến khác như Lidar, radar hay camera cũng được trang bị để hỗ trợ xe đỗ tự động.   

Giáo sư Sunwoo Myuong Ho, tới từ Đại học Hanyang nhận định: “Trước đây, xe tự động sử dụng cảm biến camera để quan sát đèn giao thông nên chứa nhiều rủi ro. Nhưng với tốc độ của hệ thống 5G, khả năng nhầm lẫn giữa các tín hiệu đèn sẽ gần như bằng không. Ngoài ra, hệ thống còn có thể phân biệt dễ dàng các loại biển báo”.

Giáo sư Sunwoo Myuong Ho hy vọng, khi được sử dụng rộng rãi, ứng dụng này có thể giúp đỡ những người gặp khó khăn trong việc lái xe chẳng hạn như người già hay người khuyết tật. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất còn đang lên kế hoạch phát triển một ứng dụng mới, hỗ trợ phương tiện rời khỏi bãi đậu xe và tự đi tìm tài xế.

Thời gian gần đây, Hàn Quốc rất tích cực thúc đẩy phát triển xe tự lái. Đầu năm nay, chính phủ cam kết chi 1,1 nghìn tỷ won (1 tỷ USD) cho hoạt động nghiên cứu công nghệ này tới năm 2027.

Hạ tầng 5G đang dần được thúc đẩy ở nhiều quốc gia trên thế giới. Sau khi được thử nghiệm tại một số địa phương, mạng 5G sử dụng thiết bị Việt Nam được Viettel thử nghiệm thương mại vào tháng 10/2020. Tương tự, MobiFone và VNPT VinaPhone cũng đưa ra lộ trình thương mại hóa mạng 5G vào năm 2021.

Việt Nam hiện coi chuyển đổi kỹ thuật số là chìa khóa để thúc đẩy kinh tế. Công ty dự báo và phân tích dữ liệu toàn cầu GSMA Intelligence cho rằng chính phủ Việt Nam đang theo đuổi chiến lược Công nghiệp 4.0, gồm hạ tầng và nguồn nhân lực, cùng với các dịch vụ chính phủ điện tử và các sáng kiến đổi mới như kế hoạch chuyển đổi thương mại điện tử dự kiến sẽ tăng số doanh nghiệp điện tử lên đến 43% trong 5 năm tới.

Nhận định về tiềm năng ứng dụng công nghệ 5G trong lĩnh vực giao thông vận tải ở Việt Nam, chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy chia sẻ quan điểm: “Ưu điểm quan trọng nhất của 5G là tốc độ nhanh, điều khiển tự động nhạy và tầm kiểm soát rất rộng. Chính vì vậy nó có khả năng nâng cao tốc độ tự động hóa của các hệ thống điện tử.

Theo tôi, nên ứng dụng 5G vào một số lĩnh vực giao thông vận tải. Ví dụ như xây dựng, thiết lập các trung tâm điều hành giao thông. Việc áp dụng hệ thống giao thông thông minh mà dùng 5G thì rất hiệu quả.

Chúng ta cũng nên lập các phần mềm tối ưu để điều hành hệ thống giao thông và nối kết các phương tiện với nhau giúp người dân đi lại thuận lợi, từ đó thu hút số lượng người tham gia giao thông công cộng nhiều hơn”.