Tham vọng thống trị thị trường xe điện ASEAN, giảm thiểu ô nhiễm môi trường của Thái Lan

22/01/2021

Nếu như 20 năm trước Thái Lan đặt mục tiêu trở thành thủ phủ sản xuất xe hơi của Đông Nam Á thì giờ đây đích đến mới nhất của xứ chùa Vàng chính là trở thành trung tâm sản xuất ô tô điện và xe máy điện hàng đầu của ASEAN trong vòng 5 năm tới.

Thái Lan đang áp dụng nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển xe điện

Nếu như 20 năm trước Thái Lan đặt mục tiêu trở thành thủ phủ sản xuất xe hơi của Đông Nam Á thì giờ đây đích đến mới nhất của xứ chùa Vàng chính là trở thành trung tâm sản xuất ô tô điện và xe máy điện hàng đầu của ASEAN trong vòng 5 năm tới.

Tháng 3/2020, truyền thông đưa tin, chính phủ Thái Lan vạch ra lộ trình thúc đẩy sản xuất xe điện; và đặt mục tiêu sản xuất 250.000 xe điện vào năm 2025, trong đó bao gồm 3.000 xe buýt điện và 53.000 xe máy điện. 

Hiện Bộ Đầu tư Thái Lan đang đề nghị miễn thuế 8 năm cùng nhiều ưu đãi khác cho các doanh nghiệp ô tô cam kết chuyển sang sản xuất xe điện. Nhận thức được những cơ hội, nhiều công ty và tập đoàn trong và ngoài Thái Lan bắt đầu tham gia vào mảng xe điện.

Mitsubishi Motors đầu tư hàng triệu đô-la cho kế hoạch sản xuất 39.000 xe điện mỗi năm; trong khi dự án của tập đoàn Sammitr Motors Group sẽ đầu tư 5,5 tỷ baht để sản xuất khoảng 30.000 ô tô điện mỗi năm và chủ yếu dành cho thị trường nội địa. Tập đoàn MG, vốn đang thống trị mảng xe điện tại Thái Lan, cho biết những ưu đãi này sẽ giúp họ đưa giá xe điện gần hơn với xe chạy động cơ xăng truyền thống.

Ông Pongsak Lertrudeewattanavong, Phó Chủ tịch tập đoàn MG chia sẻ: “Là nhà tiên phong trong lĩnh vực xe điện, chúng tôi đã trình kế hoạch lên Bộ Đầu tư để tiếp tục phát triển các mẫu xe mới. Tập đoàn đã cho ra mắt 2 mẫu xe điện và sắp tới sẽ phát triển hệ thống các điểm sạc”.

Hiện phương tiện chạy điện tại Thái Lan không chỉ có ô tô, mà còn nhiều phương tiện khác như xe đạp, xe máy, xe tuktuk, thậm chí là phà biển. Một số dịch vụ chia sẻ xe như Haupcar đã đưa xe điện vào sử dụng. 

Theo thống kê của Bộ GTVT Thái Lan, tính đến hết năm 2020, đã có 2.854 xe điện được đăng ký, trong đó có 1.572 xe mới, tăng 380% so với năm 2018 khi chỉ có 352 xe được đăng ký

Những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm không khí tại Thái Lan ngày càng trầm trọng. Vào giữa tháng 12 vừa qua, chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở thủ đô Bangkok tăng vọt lên mức “có hại cho sức khỏe”, xếp thứ 3 trong danh sách các địa phương ô nhiễm không khí tồi tệ nhất thế giới.

Chính phủ cam kết sẽ có một loạt các biện pháp để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí ở thủ đô Bangkok. Và các phương tiện chạy điện, thân thiện hơn với môi trường được xem như một trong các giải pháp nhằm cải thiện và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ông Krisda Utamote, Phó Chủ tịch Hiệp hội xe điện Thái Lan cho biết: “Vấn đề ô nhiễm môi trường sẽ không được cải thiện nếu chúng ta không nhanh chóng đưa xe điện vào sử dụng thường xuyên nói riêng hay ủng hộ các chính sách về sử dụng năng lượng sạch trong đô thị nói chung.”

Tuy nhiên, cũng như nhiều nước khác phát triển xe điện tại Thái Lan mới chỉ bắt đầu và vẫn còn nhiều chông gai ở phía trước, điển hình như việc thiếu hạ tầng và giá xe điện còn cao.

Những ưu đãi như miễn thuế 8 năm cho doanh nghiệp hay hỗ trợ chi phí cho người dùng đổi xe cũ lấy xe điện vẫn đang chờ được phê duyệt. Chưa kể, 1/3 tiền thuế tiêu thụ đặc biệt đến từ xăng dầu, do đó, tiến trình triển khai xe điện có thể bị chậm hơn so với các quốc gia khác.

Hiện các doanh nghiệp trong lĩnh vực xe điện cũng chưa hi vọng quá nhiều. Một số chia sẻ thẳng thắn rằng, mục tiêu của họ bây giờ là thu hút khách hàng trước, như Edison Motors. Công ty này đang phát triển mẫu xe máy điện tập trung vào thẩm mỹ và hiệu suất nhiều hơn là ảnh hưởng của chúng tới môi trường.

Ông Nataphat Lertviryasawat, giám đốc điều hành Edison Motors cho biết: “Chúng tôi muốn tạo nên một sản phẩm phải thu hút cả về mặt thẩm mỹ và trải nghiệm khi lái xe. Tôi cho rằng đó là điểm nhấn để thu hút mọi người chuyển sang sử dụng xe điện. Làm tốt việc đó trước rồi mục tiêu giảm khí thải, cải thiện môi trường sẽ theo sau”.

Trung Quốc chi nhiều tỷ USD phát triển xe buýt điện


Thâm Quyến điện hóa toàn bộ dàn xe buýt điện

Thế giới đang diễn ra một cuộc cách mạng ngầm trong lĩnh vực vận tải công cộng bằng việc phát triển xe buýt điện, vừa để giải quyết vấn đề vận tải đô thị nhức nhối bấy lâu nay vừa đạt mục tiêu giảm khí thải. Tuy nhiên, chỉ một số ít quốc gia có được kết quả nổi bật và Trung Quốc là một ví dụ.

Trợ cấp “khủng”, gỡ rối chính sách

Theo thống kê của Công ty tư vấn quản lý McKinsey, từ 2013 - 2019, tỉ lệ tăng trưởng hàng năm của xe buýt điện (BEV) đều đạt 100% - vượt trội so với các phân khúc xe điện khác như xe cá nhân, xe tải. Xe buýt điện chiếm 33% tổng doanh số xe điện toàn cầu.

Công ty Tài chính Năng lượng mới Bloomberg (BNEF) cho biết, tính đến năm 2020, có khoảng 500.000 xe buýt điện đang vận hành trên toàn cầu. Dự kiến tới năm 2040, xe buýt điện sẽ chiếm 67% tổng doanh số xe điện toàn cầu.

Một trong những khu vực sử dụng xe buýt điện lớn nhất thế giới là châu Âu. Chỉ trong vòng 5 năm, số lượng xe buýt điện tại lục địa già tăng hơn 10 lần từ 200 lên hơn 2.200 chiếc, theo báo cáo từ Busworld.

Tuy vậy, “điểm sáng” nhất phải kể đến Trung Quốc. Năm 2017, Thâm Quyến là thành phố đầu tiên tại Trung Quốc cam kết 100% xe buýt vận hành hoàn toàn bằng điện (16.500 xe). Bắc Kinh, Thượng Hải… cũng đang trên đường phấn đấu có hơn 10.000 xe buýt điện.

Thực chất từ lâu, xe buýt điện đã được giới thiệu và xác định là loại hình vận tải của tương lai, giúp giảm khí thải nhưng do chi phí đầu tư, chuyển đổi cao và nhiều vướng mắc về công nghệ, hạ tầng nên loại phương tiện này chưa đạt bước phát triển lớn. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển chóng mặt của công nghệ, yêu cầu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, chính phủ nhiều nước xác định ưu tiên, đầu tư mạnh cho xe buýt điện.

Báo cáo từ Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới công bố năm 2020 nhấn mạnh, đầu tư vào xe buýt điện là cách hiệu quả để tăng chất lượng không khí, giảm khí thải nhà kính từ giao thông đô thị.

Tại Trung Quốc, để có được vị trí hàng đầu thế giới về phát triển loại phương tiện này, Bắc Kinh đã tung gói hỗ trợ “khủng”. Theo báo cáo từ Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Quốc tế (Mỹ), trong giai đoạn từ 2009 - 2017, Trung Quốc đã chi 393 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 57,7 tỷ USD, 1,4 triệu tỷ đồng) hỗ trợ phát triển pin xe điện và công nghệ liên quan trên toàn quốc.

Lấy ví dụ tại Thâm Quyến, năm 2015, thành phố này nhận trợ cấp từ Trung ương 500.000 Nhân dân tệ (1,7 tỷ đồng)/xe buýt. Năm 2016, chính quyền thành phố cũng trợ cấp số tiền tương đương để mua xe buýt điện. Toàn bộ kinh phí trợ cấp được rót trực tiếp cho các nhà sản xuất xe buýt.

Nếu không có gói hỗ trợ từ địa phương, tổng giá trị một chiếc xe buýt điện khoảng 2,02 triệu Nhân dân tệ (7,1 tỷ đồng), cao hơn xe chạy bằng diesel 21% (1,67 triệu Nhân dân tệ). Nhờ có trợ cấp, chi phí này chỉ còn 1,07 triệu Nhân dân tệ (3,8 tỷ đồng), giảm 36% so với xe buýt diesel.

Trong khi đó, các đơn vị cung cấp hạ tầng sạc cũng nhận được trợ cấp đáng kể. Theo chiến lược “Kế hoạch Thâm Quyến Xanh” của chính quyền thành phố, hạ tầng sạc nhanh được trợ cấp 600 Nhân dân tệ (2 triệu đồng)/kW, hạ tầng sạc thấp hơn nhận trợ cấp 200 Nhân dân tệ (720 nghìn đồng)/kW. Những cơ sở sạc trên 40 kW được trợ cấp 300 Nhân dân tệ (1 triệu đồng)/kW.

Hơn nữa, chính quyền địa phương còn tháo gỡ cho các doanh nghiệp về vấn đề đất đai, giải phóng mặt bằng, thúc đẩy nhanh tiến trình xây dựng hạ tầng sạc. Trong giai đoạn từ 2016 - 2017, Thâm Quyến đơn giản hóa thủ tục, đẩy nhanh quy trình xét duyệt đối với tất cả đề nghị sử dụng đất và cấp phép xây dựng hạ tầng sạc.

Chia sẻ trách nhiệm, rủi ro

Yếu tố được coi là cốt lõi làm nên thành công của chiến lược điện hóa xe buýt tại Thâm Quyến chính là chia sẻ trách nhiệm giữa các nhà sản xuất phương tiện, cung cấp dịch vụ sạc, vận hành xe buýt và phân bố rủi ro, chi phí cho các bên phù hợp.

Cụ thể, để phân rõ trách nhiệm, Công ty xe buýt Thâm Quyến (SBG) chỉ sở hữu và vận hành xe; Hạ tầng trạm sạc sẽ do các nhà cung cấp dịch vụ phụ trách. Đơn vị này sẽ đảm nhận nhiệm vụ xây dựng hạ tầng sạc (từ trạm sạc, thiết bị chuyển đổi, các cơ sở hạ tầng liên quan khác) và cung cấp dịch vụ sạc (thuê kỹ thuật viên để giám sát vận hành và bảo trì).

Cách thức này được áp dụng trên toàn quốc, không riêng ở Thâm Quyến nhằm đảm bảo thị trường cạnh tranh giữa các nhà cung cấp dịch vụ sạc, kể cả các công ty điện lưới.

Trong khối tư nhân, đơn vị nắm vai trò chủ chốt là nhà sản xuất xe buýt Thâm Quyến đã cung cấp gói bảo hành xe trong 8 năm (gần như bao phủ trọn đời một chiếc xe buýt tại Thâm Quyến). Ngoài ra, nhà sản xuất còn hỗ trợ bảo trì, đào tạo nhân viên vận hành.

Cách thức này không chỉ giảm bớt nỗi lo cho các nhà vận hành về kỹ thuật, giảm chi phí bảo trì mà còn khuyến khích các nhà sản xuất liên tục sáng tạo và cải thiện hoạt động xe buýt điện.

Trợ cấp giảm, các hãng tìm cách cải thiện công nghệ xe buýt điện

Trong năm 2020, Trung Quốc đã tính đến việc dừng chính sách hỗ trợ đối với các công ty phát triển pin xe điện và công nghệ liên quan. Tuy nhiên sau đó, chính phủ nước này đã gia thêm thời gian hưởng trợ cấp tài chính.

Lo ngại nguồn trợ cấp từ chính quyền Trung ương giảm dần và trong tương lai sẽ không còn, các hãng sản xuất xe buýt điện tại Trung Quốc buộc phải tìm cách để cải thiện công nghệ, hạ giá thành sản phẩm, đồng thời tích cực vận động hành lang để nhiều thành phố khác tại Trung Quốc ứng dụng loại hình phương tiện xanh này.