Hyundai "méo mặt" vì các bê bối liên quan đến chất lượng động cơ

29/10/2020

Lỗi động cơ và các đợt triệu hồi xe đã đánh thẳng vào hầu bao của nhà sản xuất ô tô lớn nhất Hàn Quốc và lớn thứ 5 thế giới.


Hyundai méo mặt vì các bê bối liên quan đến chất lượng động cơ - 1

Tập đoàn Hyundai, nhà sản xuất ô tô lớn thứ 5 thế giới nếu tính cả đồng minh Kia, đã báo lỗ ròng 336 tỉ won (297,72 triệu USD) trong quý 3 vừa qua, trái ngược hẳn mới mức dự báo trung bình của 12 nhà phân tích theo tổng hợp của Refinitiv là lãi 1,2 nghìn tỉ won.

Hyundai cho biết đã phải chi 2,1 nghìn tỉ won để trang trải các chi phí liên quan đến lỗi động cơ làm tăng nguy cơ chết máy hoặc thậm chí cháy xe. Các vấn đề về chất lượng kéo dài suốt nhiều năm qua đã khiến Hyundai và Kia tốn gần 5 tỷ USD, đồng thời bị các cơ quan chức năng Mỹ điều tra về hoạt động triệu hồi xe.

"Kết quả kinh doanh quý 3 phản chiếu các chi phí liên quan tới lỗi động cơ mà công ty đã chi nhằm đảm bảo sự an toàn cho khách hàng và ngăn những thiệt hại kinh tế có thể còn lớn hơn liên quan tới chất lượng," Hyundai cho biết. "Chúng tôi thành thật xin lỗi các cổ đông và các nhà đầu tư vì đã để vấn đề về chi phí liên quan đến chất lượng lặp đi lặp lại suốt từ năm 2018".

Nếu không vướng các chi phí xử lý vấn đề chất lượng sản phẩm, công ty có thể đã lãi 1,8 nghìn tỉ won. So với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu quý 3 đã tăng 2,3% lên 27,6 nghìn tỉ won.

Takata phá sản vẫn chưa hết bê bối, phát hiện lỗi liên quan dây an toàn

Takata phá sản vẫn chưa hết bê bối, phát hiện lỗi liên quan dây an toàn - 1

Dù đã phải tuyên bố phá sản và bán mình cho một doanh nghiệp Trung Quốc vì vụ bê bối lỗi túi khí, nhưng Takata giờ đây lại bị nghi ngờ thiếu trung thực về chất lượng dây an toàn do hãng sản xuất.

Công ty Mỹ Joyson Safety Systems (JSS) - doanh nghiệp đã mua lại Takata vào năm 2017 - đang điều tra xem Takata có đánh lừa các nhà sản xuất ô tô về độ an toàn của dây đai do hãng sản xuất hay không. Lỗi này đã bị phát hiện và báo cáo vào tháng 4/2018, tức là từ trước khi JSS thâu tóm Takata.

JSS cũng cho biết hiện họ đang xem xét các dữ liệu liên quan trong khoảng thời gian 20 năm trở lại đây theo phương pháp thử nghiệm từng sản phẩm. JSS khẳng định: “Đây là một cam kết quan trọng. JSS đang đẩy nhanh tiến trình điều tra để sớm xác minh được nguyên nhân, đồng thời đưa ra các biện pháp khắc phục phù hợp.”

Cho đến nay, JSS cho biết họ vẫn không xác định được bất kỳ vấn đề nào trong khoảng thời gian điều tra. Tuy nhiên, hãng vẫn sẽ tiếp tục điều tra thêm. Nguồn tin nội bộ cho biết, JSS từ trước đó đã ghi chú rằng đây là một vấn đề “cần hết sức cẩn trọng.” Mặc dù đến nay, mới chỉ có Toyota tỏ ra lo ngại vi phạm tiêu chuẩn an toàn của dây an toàn, nhưng trên thực tế vẫn chưa có bằng chứng cụ thể nào.

Takata phá sản vẫn chưa hết bê bối, phát hiện lỗi liên quan dây an toàn - 2

Một thông báo mới đây từ hãng Toyota Australia cho biết: “Chúng tôi đã được thông báo rằng các cuộc điều tra của JSS đang được tiến hành và chưa có lỗi cụ thể nào được xác định.”

Hãng Toyota cũng cho biết: “An toàn của khách hàng là ưu tiên hàng đầu nên công ty cũng đang điều tra độc lập để xác định xem lỗi dây an toàn ảnh hưởng tới những dòng xe nào, hay gây tác động và có nguy cơ ra sao.” Hiện tại, chủ các dòng xe bị ảnh hưởng bởi vụ bê bối mới cũng không được khuyên dừng sử dụng xe. Trong lần thống kê gần nhất, có khoảng 180 nghìn chiếc xe trên tổng số 4 triệu xe trong lưu thông vẫn chưa thay túi khí Takata bị lỗi. 

Takata và chi nhánh tại Mỹ - TK Holdings Inc đã làm thủ tục phá sản từ tháng 6/2017, với tài sản được thoả thuận bán cho Key Safety Systems (KSS) là phần cốt lõi trong kế hoạch gom tiền mặt của Takata để bồi thường cho các nhà sản xuất ô tô và người tiêu dùng.

Thông báo của KSS được đưa ra chỉ vài tuần sau khi những thủ tục giấy tờ cuối cùng về việc phá sản của Takata được hoàn tất tại Mỹ, với các điều khoản không có gì thay đổi so với biên bản ghi nhớ đã được ký trước đó giữa hai bên.

KSS (sau này đổi tên thành Joyson Safety Systems - JSS) cũng là một nhà cung cấp túi khí, với trụ sở đặt tại ngoại ô Detroit, Mỹ, nhưng nằm dưới sự kiểm soát của tập đoàn điện tử Ningbo Joyson Electronics (Trung Quốc).

Tại thời điểm đó, cụm bơm túi khí bị lỗi của Takata có liên quan đến ít nhất 18 trường hợp tử vong trên toàn thế giới, do túi khí bung quá lực, làm gãy và văng các mảnh kim loại sắc nhọn vào người ngồi trên xe. Lỗi này đã khiến Takata lao đao suốt 8 năm.

Không chịu nổi sức ép, nhà cung cấp túi khí có lịch sử 84 năm này đã phải đệ đơn xin phá sản tại Nhật và chi nhánh tại Mỹ đã làm thủ tục bảo hộ phá sản vào ngày 25/6/2017, đi kèm thoả thuận "bán mình" cho đối thủ KSS.

Ở thời kỳ đỉnh cao, Takata từng cung cấp phụ tùng cho 18 nhà sản xuất ô tô, cung cấp đai an toàn cho 1/3 số hãng sản xuất ô tô trên toàn cầu.


Tác giả: Minh Trang