“Lỗ hổng” trong chương trình triển khai xe điện bảo vệ môi trường của Nhật Bản

16/11/2020

Theo các chuyên gia, Nhật Bản phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch trong sản xuất điện đang làm giảm tác động của chương trình triển khai xe điện nhằm cắt giảm lượng khí thải carbon.

Sau khi nhậm chức vào tháng 9/2020, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga gần đây đã cam kết đưa nước này trở thành quốc gia trung tính carbon vào năm 2050. Tuy nhiên, hiện nay, hơn 75% lượng điện của Nhật Bản vẫn được sản xuất từ than đá, khí đốt tự nhiên hóa lỏng và dầu mỏ.

Atsushi Inaba, Chủ tịch Trung tâm Xúc tiến Đánh giá Vòng đời Nhật Bản (JLCAF) cho hay để cắt giảm lượng khí thải, Nhật Bản phải tăng mức đóng góp của điện sản xuất từ năng lượng tái tạo lên ít nhất 30%, hoặc bằng mức trung bình của các nước Liên minh châu Âu (EU).

Theo Chủ tịch Inaba, Nhật Bản phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo để xây dựng chiến lược năng lượng mới cho đất nước với việc giảm lượng khí thải carbon không chỉ từ xe điện mà còn của toàn xã hội.

Hiện nay, EU đang thúc giục các nhà sản xuất ô tô sản xuất nhiều xe điện hơn, với các quy định nghiêm ngặt hơn về khí thải từ năm 2021, khi yêu cầu lượng khí thải CO2 của các phương tiện mới tại khối này trung bình là từ 95g/km trở xuống. Một số chính phủ thậm chí đã công bố lịch trình chuyển đổi hoàn toàn sang phương tiện không phát thải.

Vương quốc Anh, Trung Quốc và bang California của Mỹ sẽ cấm bán ô tô  mới sử dụng động cơ xăng vào năm 2035, và Pháp sẽ áp dụng lệnh cấm tương tự vào năm 2040. Tuy nhiên, với việc lượng khí thải từ phương tiện giao thông chiếm một tỷ lệ không đáng kể trong tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, một số chuyên gia trong ngành công nghiệp ô tô cho rằng việc tập trung phát triển xe điện không có nhiều ý nghĩa, ít nhất là về mặt kinh tế hiện nay.

Trong khi đó, nhà phân tích cấp cao Koichi Sugimoto của Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities Co., cho rằng các quy định siết chặt về khí thải đang hạn chế sự lựa chọn của người tiêu dùng. Takaki Nakanishi, Giám đốc điều hành tại Viện nghiên cứu Nakanishi, còn lưu ý các quy định nghiêm ngặt hơn về khí thải trên thế giới đang đặt ra gánh nặng tài chính cho các nhà sản xuất ô tô./.

Volkswagen đẩy nhanh sản xuất linh kiện điện tử tại Trung Quốc

Biểu tượng Volkswagen tại trụ sở của hãng ở Wolfsburg, Đức.

Chi nhánh hãng Volkswagen (VW) của Đức tại Trung Quốc đang đẩy nhanh việc sản xuất các linh kiện điện tử để chuẩn bị cho hoạt động của công ty đáp ứng nhu cầu về các phương tiện đi lại điện ngày càng tăng với việc tiến hành sản xuất hệ thống truyền dẫn điện APP310 mới đây.

Hệ thống APP310 là một phần của hệ thống truyền động điện dựa trên nền tảng MEB của VW. Theo Volkswagen, mẫu truyền động điện này lần đầu tiên được sản xuất tại nhà máy sản xuất hộp số tự động của hãng ở Thiên Tân, Trung Quốc.

Giám đốc điều hành Volkswagen tại Trung Quốc Stephan Wollenstein, cho rằng việc bắt đầu sản xuất bộ truyền dẫn điện tử APP310 sẽ giúp VW tăng cường khả năng sản xuất linh kiện điện tử tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhằm tiến gần tới chiến lược điện tử toàn cầu của Volkswagen và mục tiêu cắt giảm khí thải tự nhiên đến năm 2050. Mẫu ô tô con ID.4 CROZZ và ID.4 X là những chiếc xe đầu tiên tại Trung Quốc được sản xuất với việc sử dụng hệ thống truyền dẫn điện tử APP310.

Năm ngoái, sản phẩm truyền dẫn điện tử APP290 và hộp số truyền dẫn lai DQ400e bắt đầu được sản xuất tại nhà máy hộp số Thiên Tân của Volkswagen.

Chi nhánh Volkswagen tại Trung Quốc cùng với các đối tác liên doanh nước này, đã bàn giao 4,23 triệu ô tô tại thị trường nội địa và Hong Kong của Trung Quốc trong năm 2019./.

Tác giả: TTXVN