Huy động nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL

23/08/2016

So với tình hình chung của cả nước thì kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống logistics của vùng ĐBSCL vẫn còn kém phát triển.


Ảnh: Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ trì hội nghị

Sáng ngày 22/8, tại thành phố Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải tổ chức Hội nghị chuyên đề về “Huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống logistics vùng đồng bằng sông Cửu Long”.

Hội nghị do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ trì. Tham dự hội nghị còn có các Bộ ngành liên quan như Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư…. Cùng các cơ quan ban ngành có liên quan và các địa phương.

Đây là một trong những hội nghị lớn của vùng nhằm thực hiện Kết luận số 196/TB-VPCP ngày 26/7/2016 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Ban Chỉ đạo.

Hiện nay, giao thông vận tải vùng Tây Nam Bộ có 4 phương thức vận tải chủ yếu là đường bộ; đường thủy nội địa; đường biển; đường hàng không. Trong đó, phương thức vận tải chính là đường bộ và đường thủy nội địa.

Tuy nhiên, trong những năm qua, mặc dù kết quả phát triển về hạ tầng giao thông đã có chuyển biến tốt nhưng so với tình hình chung của cả nước thì kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống logistics của vùng ĐBSCL vẫn còn kém phát triển. Chỉ tính riêng vận tải đường bộ một số tuyến quốc lộ kết nối như: QL60, QL53, QL54, QL91, QL63, tuyến N1, N2... chất lượng đường còn thấp, một số cầu lớn chưa hình thành dẫn đến tính kết nối của hệ thống đường bộ Vùng Tây Nam Bộ chưa cao. Hầu hết các tuyến đường trục dọc và ngang đều chưa đạt về cường độ yêu cầu, và tiêu chuẩn đường vào cấp quy hoạch...

Đặc biệt tình hình đầu tư cũng như thu hút đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông còn yếu, chưa tạo sự đột phá và chưa quan tâm đến việc đầu tư phát triển lĩnh vực đường thủy nội địa. Khu vực này có thế mạnh là đường thủy nhưng tốc độ tăng trưởng của vận tải thủy nội địa, vận tải biển có xu hướng giảm so với vận tải đường bộ.


Ảnh: Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật báo cáo chung về hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh rằng: Việc huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống logistics và Vùng ĐBSCL phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển KT-XH, quy hoạch của ngành GTVT nói chung, đồng thời thực hiện tốt Quy chế thí điểm liên kết Vùng phát triển kinh tế xã hội Vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2020 nhằm tạo đồng lực phát triển KT-XH chung của các tỉnh trong vùng. Do vậy, cần phải ưu tiên đầu tư vào các công trình, dự án giao thông trọng điểm mang tính kết nối Vùng, có tính lan tỏa và giải quyết các “nút thắt” về hạ tầng giao thông và hệ thống dịch vụ logistics theo định hướng về cả 4 hình thức đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển, đường hàng không và kết hợp phát triển dịch vụ logistics.

Về đường bộ, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện 06 tuyến trên trục dọc qua Vùng (tuyến N1, N2, QL1, QL60, cao tốc TP.HCM – Cần Thơ - Cà Mau, hành lang ven biển). Trong đó tập trung nâng cấp hoàn thiện QL.60 qua các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh kết nối với thành phố Hồ Chí Minh.

Về đường thủy nội địa, phát huy hiệu quả của dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông Đồng bằng sông Cửu Long (WB5), tổ chức quản lý, khai thác đảm bảo duy trì thường xuyên đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo an toàn giao thông. Tiếp tục nâng cấp các tuyến vận tải thủy hiện có để đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật và từng bước giải quyết xử lý các cầu có tĩnh không thấp ảnh hưởng đến hoạt động vận tải thủy nội địa trên các tuyến sông, kênh chính trong Vùng.

Về hoạt động và phát triển đường biển, cần hoàn thành dự án luồng vào cảng trên sông Hậu đồng thời nâng cấp cụm cảng Cái Cui thành cảng tổng hợp quốc gia. Xây dựng cảng chuyên dùng nhập than cho nhà máy nhiệt điện khu vực phía Đông và phía Tây của Vùng.

Trong lĩnh vực hàng không, các cơ quan ban ngành có liên quan và địa phương cần nâng cao năng lực và chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng hành khách tại các Cảng Cần Thơ, Rạch Giá, Cà Mau và đưa Cảng Hàng không Phú Quốc vào khai thác sử dụng. Nâng cấp và kéo dài đường băng sân bay Cà Mau nhằm nâng cao khả năng phục vụ vận tải hành khách.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, việc phát triển dịch vụ logistics cần đẩy mạnh các đầu mối vận tải phục vụ dịch logistisc, tăng cường kết nối các phương thức vận tải. Chú trọng nâng cao năng lực vận tải trên các trục vận tải, đặc biệt là tuyến vận tải thủy trên sông Tiền, sông Hậu trong việc giao thương với Campuchia.

Tác giả: M.L, tapchigiaothongvantai.vn