Công đoàn hàng hải và giới chủ sử dụng lao động hàng hải kêu gọi công nhận thuyền viên là người lao động chủ chốt

20/04/2020

Ngày 31/3/2020, Ủy ban Ba bên đặc biệt (STC) về Công ước Lao động Hàng hải năm 2006 (bao gồm đại diện các thuyền viên, các chủ tàu và các chính phủ quốc gia thành viên Liên hợp quốc) của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã ra tuyên bố định hình chính xác hoàn cảnh hiện tại của vận tải biển quốc tế:



"Đại dịch virus corona toàn cầu (COVID-19) đang tạo ra những tình huống thảm khốc cho ngành vận tải biển và thuyền viên. Cuộc sống hàng ngày ở nhiều quốc gia đã bị hạn chế rất nhiều, tuy nhiên xã hội vẫn cần nguồn cung cấp thực phẩm, thuốc men và hàng tiêu dùng hàng ngày; các nhà máy yêu cầu nguyên vật liệu để sản xuất và dịch vụ logistic để vận chuyển sản phẩm của họ. Điều này nhấn mạnh sự cần thiết của chuỗi cung ứng quốc tế mạnh mẽ và nhấn mạnh tầm quan trọng rất lớn của thương mại hàng hải đối với nền kinh tế toàn cầu, vốn dĩ phụ thuộc vào ngành vận tải biển chuyên chở 90% tất cả hàng hóa."

Hưởng ứng tuyên bố nêu trên của STC, ngày 10/4/2020, các thành viên của Diễn đàn Thương lượng quốc tế (IBF) trong lĩnh vực lao động hàng hải, bao gồm Nhóm Đàm phán chung (JNG) của các chủ tàu (với các thành viên là Hội đồng Chủ sử dụng lao động hàng hải quốc tế (IMEC), Hiệp hội Quản lý thuyền viên quốc tế Nhật Bản (IMMAJ), Hiệp hội Chủ tàu Hàn Quốc (KSA), Tập đoàn Evergreen) và Liên đoàn Công nhân vận tải quốc tế (ITF) đã ra thông cáo báo chí kêu gọi các chính phủ công nhận thuyền viên là người lao động chủ chốt và tạo điều kiện cho việc thay đổi thuyền viên.

Thông cáo báo chí nhấn mạnh, là các đối tác xã hội có trách nhiệm trong ngành hàng hải, JNG và ITF đã liên tục trao đổi thông tin và thảo luận về cách thức Covid-19 ảnh hưởng đến những người lao động hàng hải và những gì giới chủ sử dụng lao động hàng hải có thể làm để giảm thiểu các tác động tiêu cực đối với thuyền viên. Các đối tác xã hội này đã tập trung vào việc tìm giải pháp cho các quyền theo hợp đồng hiện tại của thuyền viên và các nghĩa vụ của chủ sử dụng lao động. Tuy nhiên, thách thức ngày càng tăng lên với việc hạn chế đi lại tăng cường được áp đặt bởi hầu hết các quốc gia, và việc hủy bỏ các chuyên bay theo lịch trình đang ngăn cản sự thay đổi thuyền viên thường xuyên và việc hồi hương của họ.

Trên toàn thế giới, các quốc gia đang áp dụng biện pháp đóng cửa; hạn chế việc di chuyển tự do, gặp gỡ gia đình và bạn bè của người dân. Các thuyền viên trong ngành hàng hải quốc tế thường làm việc và sống trên tàu tới 10 tháng liên tục rồi mới được về nhà; nhưng giờ đây, do nhiều hạn chế được áp đặt khắp nơi trên thế giới, những thuyền viên này buộc phải ở lại trên tàu lâu hơn vì phần lớn các chủ lao động hàng hải đã phải tạm thời đóng băng việc thay đổi thuyền viên do những tình huống ngoài sự kiểm soát của họ.

Các đối tác xã hội trong ngành vận tải biển vô cùng tự hào và biết ơn về cách những người đi biển đã chấp nhận thách thức phải gia hạn hợp đồng làm việc trên tàu. Họ đã tiếp tục thực hiện một cách chuyên nghiệp công việc thiết yếu của mình để giữ cho chuỗi cung ứng thế giới tiếp tục hoạt động,  để mọi hàng hóa quan trọng đến tay những người đang rất cần chúng. JNG và ITF nêu rõ, khi hoàn cảnh yêu cầu kéo dài thời gian làm nhiệm vụ tối đa trên tàu đối với người đi biển, thì đây chỉ là giải pháp tạm thời khẩn cấp và chỉ được chấp nhận trong một khoảng thời gian giới hạn. Chúng ta đã cam kết với những người đi biển, toàn bộ ngành hàng hải đang nỗ lực tìm giải pháp để họ có thể được kết thúc công việc trên tàu và hồi hương theo đúng quy định.

JNG - đại diện cho giới chủ sử dụng lao động hàng hải và ITF - đại diện cho các công đoàn của những người đi biển mong muốn chính thức ghi nhận đóng góp vô giá của những người đi biển đối với thương mại thế giới, và bày tỏ sự đánh giá cao đối với các dịch vụ quan trọng mà những người đi biển cung cấp trong những thời điểm khủng hoảng chưa từng có này. Đại diện giới chủ và người lao động hàng hải đồng thời kêu gọi các chính phủ cũng làm như vậy.

JNG và ITF kêu gọi các chính phủ phải khẩn trương đưa ra các quy trình và thủ tục để đảm bảo những người đi biển, không chỉ được xác định là người lao động chủ chốt, mà còn được miễn các hạn chế đi lại thông thường để việc thay đổi thuyền viên có thể diễn ra thông thường như trước đây. Nếu các giải pháp không được xác định sớm, thì chính phủ các quốc gia sẽ chịu trách nhiệm về việc gây nguy hiểm cho chuỗi cung ứng toàn cầu và sự an toàn, phúc lợi của những người đi biển trên thế giới. Cuối cùng, điều này sẽ đe dọa đến việc cung cấp các mặt hàng thiết yếu, bao gồm cả các loại thuốc y tế, mà công dân của chính các quốc gia đó đang rất cần./.

Tác giả: Nguyễn Hải