Hướng dẫn bảo vệ sức khỏe và hồi hương cho thuyền viên và hành khách tàu biển trong đại dịch COVID-19

14/04/2020

Hướng dẫn này bao gồm các khuyến nghị về vệ sinh, thay đổi thuyền viên, cho người rời tàu, hồi hương thuyền viên và hành khách.


Từ hành khách tàu du lịch đến thuyền viên tàu chở hàng, nhiều người đã bị mắc kẹt trong đại dịch virus corona. Để đối phó với vấn đề phức tạp này, ngày 08/4/2020, Ủy ban Châu Âu (EC) đã ban hành hướng dẫn mới về bảo vệ sức khỏe, bố trí việc hồi hương và đi lại cho thuyền viên, hành khách và những người khác trên tàu (truy cập và tải về tại lên kết: https://ec.europa.eu/transport/sites/transport/files/legislation/c20203100.pdf). Hướng dẫn kêu gọi các quốc gia thành viên EU thiết lập mạng lưới các cảng để có thể thực hiện việc thay đổi thuyền viên một cách kịp thời.

Ủy viên của Ủy ban Châu ÂU về Giao thông vận tải, bà Adina Vălean cho biết: "Thuyền viên đang duy trì các kênh sống còn cho nền kinh tế và chuỗi cung ứng của chúng ta mở, vì 75% thương mại của EU và 30% tất cả hàng hóa với EU được vận chuyển bằng đường biển. Hướng dẫn này bao gồm các khuyến nghị về vệ sinh, thay đổi thuyền viên, cho người rời tàu, hồi hương thuyền viên và hành khách. Tôi đang yêu cầu các quốc gia thành viên chỉ định các cảng nơi mà việc thay đổi thuyền viên được thực hiện nhanh chóng, và nhắc lại là những người khai thác du lịch biển phải có trách nhiệm đối với khách hàng và người lao động của họ trong việc đưa tất cả mọi người về nhà an toàn."

Thay đổi thuyền viên và  cảng được chỉ định cho mục đích này

Thuyền viên thường làm việc xa nhà mỗi lần hàng tháng liền. Khi hợp đồng của họ kết thúc - khoảng 100.000 người đi biển mỗi tháng trên toàn thế giới - việc thay đổi thuyền viên diễn ra tại một cảng do người khai thác tàu lựa chọn. Đối với rất nhiều thuyền viên, cảng mà họ lên hoặc rời tàu nằm ngoài quốc gia nơi họ cư trú và nhiều người không phải là công dân EU đang phục vụ trên các tàu có lợi ích của EU.

Các quốc gia thành viên EU hiện đang có các quy tắc khác nhau về thay đổi thuyền viên tại các cảng của họ. Để đảm bảo sự rõ ràng cho tất cả các bên liên quan, các quốc gia thành viên cần theo Hướng dẫn của Ủy ban Châu Âu về tạo thuận lợi cho việc bố trí quá cảnh và Hướng dẫn về làn xanh. Đối với những người không mang quốc tịch EU cần thị thực để rời tàu trong phạm vi EU và những người không thể nộp đơn xin thị thực do tình hình hiện tại, các quốc gia thành viên nên cấp thị thực cho những người này ở biên giới để họ có thể được hồi hương nhanh chóng.

Hướng dẫn mới ban hành kêu gọi các Quốc gia thành viên, phối hợp với Ủy ban Châu Âu, chỉ định các cảng dọc theo bờ biển EU để việc thay đổi thuyền viên có thể được thực hiện một cách nhanh chóng, với các phương tiện thích hợp để kiểm tra y tế cho thuyền viên, thực hiện cách ly họ nếu quốc gia yêu cầu và kết nối vận tải để đưa họ về quê hương.

Đại dịch đã dẫn đến việc buộc phải kéo dài một số hợp đồng lao động của thuyền vên, điều này có khả năng tác động tiêu cực đến phúc lợi của thuyền viên. Trong mọi trường hợp, việc kéo dài hợp đồng như vậy cần được thực hiện với sự đồng ý của các cá nhân thuyền viên liên quan.

Tàu du lịch


Những người khai thác du lịch biển phải chịu trách nhiệm toàn bộ trong việc bố trí hồi hương hành khách và thuyền viên từ tàu du lịch của họ, bao gồm cả từ các cảng ngoài EU. Ủy ban Châu Âu kêu gọi các quốc gia tàu mang cờ giúp đỡ những khai thác tàu xác định các cảng thích hợp để cho người rời tàu và hỗ trợ họ trong việc bố trí cho người rời tàu, hồi hương hành khách và thuyền viên. Nếu các cá nhân trên tàu được biết là bị nhiễm virus corona, các tàu phải được di chuyển đến cảng gần bệnh viện có đủ năng lực.

Khuyến nghị và báo cáo về vệ sinh

Tàu phải trình Bản công bố sức khỏe hàng hải trước khi vào cảng. Ngoài ra, Ủy ban Châu Âu khuyến nghị các tàu, 4 giờ trước thời điểm dự kiến đến cảng,  thông báo số người trên tàu và bất kỳ trường hợp nhiễm COVID-19 nào được xác nhận hoặc nghi ngờ.

Sức khỏe và sự an toàn của thuyền viên và người lao động tại cảng là tối quan trọng. Ủy ban Châu Âu kêu gọi tàu phải có sẵn các trang thiết bị bảo vệ cá nhân và chúng phải được sử dụng theo các khuyến nghị hiện thời; đồng thời cho phép thuyền viên được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế đầy đủ trong trường hợp cần thiết. Nếu tất cả các thuyền viên đều khỏe mạnh và nếu lần ghé vào cảng gần nhất của những người này đã hơn 2 tuần, thì họ không cần phải cách ly khi rời tàu để hồi hương.

Thay mặt ngành vận tải biển Châu Âu, Hiệp hội các chủ tàu Liên minh Châu Âu (ECSA) gửi lời cảm ơn chân thành đến Ủy ban Châu Âu về việc banh hành Hướng dẫn bảo vệ sức khỏe và hồi hương cho thuyền viên và hành khách tàu biển trong đại dịch COVID-19.

Khoảng 600.000 người lao động hàng hải bao gồm những người đi biển chuyên nghiệp và nhân viên tàu làm việc trên các tàu thuộc sở hữu của EU. Do các hạn chế đi lại được áp dụng để ngăn chặn đại dịch COVID-19, việc thay đổi thuyền viên không thể thực hiện và những người lao động hàng hải này đang phải đối mặt với tình trạng kiệt sức, căng thẳng và các vấn đề về sức khỏe. Ngoài những người trên tàu để vận chuyển hàng hóa, người lao động hàng hải trong các phân khúc vận tải biển khác như các cơ sở sản xuất điện gió trên biển hoặc cung cấp năng lượng ngoài khơi cũng phải đối mặt với tình huống tương tự.

"ECSA đã làm việc chặt chẽ với Ủy ban Châu Âu về vấn đề này cùng với đối tác xã hội của chúng tôi - Liên đoàn Công nhân vận tải Châu Âu. Với ưu tiên chính của chúng tôi là phúc lợi của thuyền viên và hành khách, Hướng dẫn này chắc chắn là cơ sở cho những thay đổi cần phải có trên bờ", ông Martin Dorsman, Tổng thư ký ECSA nói.

"Các thành viên của chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền quốc gia, để thấy thủ tục được nêu trong Hướng dẫn này được thực hiện, và chúng tôi chắc chắn sẽ chuyển phản hồi của mình đến cấp độ Châu Âu. Về phía mình, ECSA sẽ tiếp tục hợp tác với các tổ chức của EU để đảm bảo có một cách tiếp cận phối hợp của tất cả các Quốc gia thành viên liên quan đến việc thực hiện Hướng dẫn này của Ủy ban Châu Âu", ông Martin Dorsman nói tiếp.

Trước nhiều thách thức do cuộc khủng hoảng hiện nay, những người lao động hàng hải của toàn ngành vận tải biển châu Âu đang nỗ lực để đảm bảo việc cung cấp hàng hóa và trang thiết bị liên tục trong bối cảnh các dịch vụ vận chuyển cần thiết cho hàng triệu người dân Châu Âu hiện đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

ECSA thừa nhận cuộc khủng hoảng chưa từng có này đòi hỏi phải có những phản ứng chưa từng có. Đối với Châu Âu, để đảm bảo sự tồn tại của ngành hàng hải quan trọng chiến lược, sẽ cần phải có nhiều hành động được phối hợp và nhắm mục tiêu hơn. Do đó, ECSA kêu gọi tất cả các tổ chức Châu Âu nhanh chóng áp dụng kế hoạch giải cứu và phục hồi mục tiêu cho lĩnh vực hàng hải.

Tác giả: H.N