IMO và các cơ quan kiểm soát của quốc gia có cảng thống nhất cách tiếp cận thực tế để hỗ trợ chuỗi cung ứng toàn cầu

13/04/2020

Các thể chế kiểm soát của quốc gia cảng (PSC) toàn cầu - các cơ quan đang thực hiện kiểm tra thực tế trên tàu để giám sát và kiểm soát việc tuân thủ các quy định quốc tế, đã nêu rõ cam kết của họ về việc đảm bảo cho ngành vận tải biển tiếp tục hoạt động an toàn, an ninh, hiệu quả và thân thiện với môi trường trong đại dịch virus corona, đồng thời tôn trọng vai trò quan trọng của thuyền viên là "người lao động chủ chốt" trên toàn thế giới.


Đại diện của 10 thể chế kiểm soát của quốc gia có cảng bao trùm các đại dương trên thế giới đã tham dự cuộc họp video trực tuyến với Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) ngày 08/4/2020. Tại cuộc họp, đại diện các thể chế này thông báo, trong khi số lần kiểm tra tàu thực tế đã giảm đáng kể để phòng ngừa dịch bệnh cho cả nhân viên kiểm soát của quốc gia có cảng và thuyền viên làm việc trên tàu, các thể chế vẫn tiếp tục tập trung vào các tàu có rủi ro cao tiềm ẩn khả năng không tuân thủ tiêu chuẩn.

Các thể chế kiểm soát của quốc gia có cảng nêu, họ đã thực hiện cách tiếp cận "thực dụng, thực tế và linh hoạt", thừa nhận các miễn trừ, miễn giảm và gia hạn giấy chứng nhận đã được chấp nhận bởi nhiều quốc gia tàu mang cờ quốc tịch. Các thể chế PSC bày tỏ nguyện vọng chung là việc thực hiện như vậy cần được tiêu chuẩn hóa và hài hòa hóa trên phạm vi toàn cầu.

Tại cuộc họp, các thể chế PSC nhất trí về sự cần thiết phải làm việc cùng nhau để phát triển các chính sách và thực hành kiểm soát của quốc gia có cảng hài hòa nhằm đảm bảo cách tiếp cận nhất quán trên toàn thế giới; đồng thời cùng hoan nghênh vai trò điều phối của IMO về vấn đề này.

Nhiều quốc gia thành viên IMO với vai trò là quốc gia tàu mang cờ quốc tịch, đã thông báo cho IMO về các hướng dẫn của họ trong việc gia hạn các giấy chứng nhận cấp cho tàu, thuyền viên và các vấn đề liên quan theo quy định tại các văn kiện quốc tế của IMO. Một số thể chế PSC đã ban hành hướng dẫn và thông tin về việc thực hiện kiểm tra tàu trong đại dịch COVD-19 nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động hàng hải quốc tế.

Tổng thư ký IMO, ông Kitack Lim nhắc lại thông điệp của mình, đó là ngành hàng hải tiếp tục đóng vai trò động lực sống còn cho nền kinh tế toàn cầu; nhấn mạnh tính cấp bách của việc tất cả các bên liên quan cùng hợp tác để giải quyết các vấn đề thực tế do tình huống toàn cầu chưa từng có tiền lệ này. Ông hoan nghênh tinh thần hợp tác, phối hợp và đoàn kết trong những thời điểm thử thách này - khi vận tải biển có tầm quan trọng hơn bao giờ hết trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong một tuyên bố chung, các thể chế kiểm soát của quốc gia có cảng và IMO đã nhấn mạnh tác động chưa từng có của cuộc khủng hoảng COVID-19 và nhận thấy sự cần thiết phải duy trì các chuỗi cung ứng thương mại hàng hải quan trọng, bao gồm dòng chảy của các nguồn cung cấp y tế sống còn, các sản phẩm nông nghiệp quan trọng và các hàng hóa, dịch vụ khác.

tau bien2.jpg

"Vai trò tương ứng của các quốc gia tàu mang cờ quốc tịch và các quốc gia có cảng để giải quyết cuộc khủng hoảng này, về mặt hỗ trợ thương mại hàng hải, là tối quan trọng, và các quốc gia này cũng có thể được ngành vận tải biển hỗ trợ đáng kể. Đồng thời, sự an toàn của sinh mạng con người trên biển, việc bảo vệ môi trường biển và sự tôn trọng đối với những người đi biển như là những người lao động chủ chốt phải luôn là các ưu tiên chung được chia sẻ", bản tuyên bố chung của các thể chế PSC và IMO viết.

Theo lời mời của Tổng thư ký IMO, cuộc họp trực tuyến ngày 08/4/2020 về kiểm soát tàu của quốc gia có cảng trong đại dịch COVID-19 có sự tham dự của đại diện của toàn bộ 10 thể chế kiểm soát của quốc gia có cảng trên thế giới, cụ thể là: Tổ chức Bảo vệ bờ biển Hoa Kỳ, Hiệp định Viña del Mar, Bản ghi nhớ  Abuja, Black Sea, Caribbean, Indian Ocean, Mediterranean, Paris, Riyadh, Tokyo về kiểm soát của quốc gia có cảng, cùng với Ban Thư ký IMO.

Kiểm soát của quốc gia có cảng (PSC) là việc kiểm tra tàu mang cờ nước ngoài tại các cảng của quốc gia có cảng để xác minh tình trạng của tàu và trang thiết bị tuân thủ các quy định quốc tế; tàu được định biên thuyền viên và vận hành tuân thủ các quy định này.

Nhiều công ước kỹ thuật quan trọng nhất của IMO về an toàn, bảo vệ môi trường, huấn luyện thuyền viên, … có quy định về việc các tàu được kiểm tra khi đến cảng nước ngoài để đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của IMO. 

Các cuộc kiểm tra của PSC ban đầu được dự định là sự hỗ trợ cho việc thực thi của quốc gia tàu mang cờ quốc tịch. Trải qua thời gian, các kinh nghiệm thu được đã cho thấy các cuộc kiểm tra này có thể cực kỳ hiệu quả như là tuyến phòng thủ thứ hai chống lại hoạt động của các tàu dưới tiêu chuẩn.

Kể từ khi thỏa thuận PSC khu vực đầu tiên được ký kết năm 1982 (Paris MoU), IMO đã hỗ trợ thành lập 8 thể chế PSC khu vực khác, thiết lập được mạng lưới PSC toàn cầu. Các khu vực trách nhiệm của 9 thể chế PSC khu vực bao gồm: vùng nước của các quốc gia ven biển châu Âu và Bắc Đại Tây Dương từ Bắc Mỹ đến các vùng của châu Âu và Bắc Đại Tây Dương (Paris MoU); Châu Á và một phần của Thái Bình Dương (Tokyo MoU); Châu Mỹ Latinh (Acuerdo de Viña del Mar); Caribbe (Caribbean MoU); Tây và Trung Phi (Abuja MoU); Biển Đen (Black Sea MoU); phần phía nam của Địa Trung Hải (Mediterranean MoU); Ấn Độ Dương (Indian Ocean MoU); và Vịnh Ba Tư (Riyadh MoU). Tổ chức Bảo về bờ biển Hoa Kỳ (USCG) duy trì thể chế PSC thứ mười, mặc dù Hoa Kỳ không phải là thành viên chính thức của bất kỳ thể chế nào trong số 9 thể chế PSC khu vực nêu trên./.

Tác giả: N.V.H