Kết quả khóa họp thứ 64 của Ủy ban Bảo vệ môi trường biển

17/12/2012

Khóa họp thứ 64 của Ủy ban Bảo vệ môi trường biển (MEPC) trực thuộc Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) đã được tổ chức tại trụ sở của tổ chức này từ ngày 01 đến 05 tháng mười năm 2012.

Đoàn đại biểu Việt Nam với các thành viên của Cục Hàng hải Việt Nam và Cục Đăng kiểm Việt Nam đã tham dự khóa họp này. Nhiều nội dung quan trọng đã được MEPC phê chuẩn, thông qua và quyết định tại khóa họp thứ 64.

Dải bờ biển Saba được chỉ định là vùng biển nhạy cảm đặc biệt

Dải bờ biển Saba, nằm trong khu vực đông bắc Caribbe thuộc Vương quốc Hà Lan, đã được MEPC chỉ định là vùng biển nhạy cảm đặc biệt (PSSA). Các biện pháp bảo vệ liên quan áp dụng cho vùng biển này đã được Tiểu ban An toàn hành hải (NAV) của IMO phê chuẩn tại cuộc họp tổ chức trong tháng bảy năm 2012. Các biện pháp này bao gồm việc thiết lập khu vực cấm neo đậu tàu mới áp dụng cho tất cả các tàu, và khu vực phải tránh mới cho tàu có tổng dung tích từ 300 trở lên. Dải bờ biển Saba là vùng biển nhạy cảm đặc biệt thứ 13 do IMO thiết lập trên toàn cầu.

Sử dụng hiệu quả năng lượng của tàu

MEPC tiếp tục các công việc nhằm thiết lập các biện pháp về kỹ thuật cũng như vận hành tàu liên quan đến sử dụng hiệu quả năng lượng, dựa trên kế hoạch thực hiện đã được thông qua tại khóa họp trước của ủy ban này. Các biện pháp sử dụng hiệu quả năng lượng của tàu được xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu của chương 4 mới thuộc Phụ lục VI - “Các quy định về ngăn ngừa ô nhiễm không khí do tàu gây ra” của Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra (MARPOL), sẽ có hiệu lực áp dụng từ ngày 01 tháng giêng năm 2013. Theo quy định của chương 4 mới nói trên, tàu mới phải tuân thủ yêu cầu về Chỉ số thiết kế hiệu quả năng lượng (EEDI) và tất cả các tàu đều phải trang bị Kế hoạch quản lý hiệu quả năng lương (SEEMP).

Liên quan đến Chỉ số thiết kế hiệu quả năng lượng, tại khóa họp thứ 63 (tổ chức tháng ba năm 2012), MEPC đã thông qua hướng dẫn năm 2012 về phương pháp tính EEDI đạt được đối với tàu mới (theo nghị quyết MEPC.212(63)), đưa ra chỉ dẫn việc tính toán áp dụng cho công suất máy phát đồng trục và công suất động cơ đồng trục.

Cũng tại khóa họp thứ 63, MEPC đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung đối với hướng dẫn năm 2012 về kiểm tra và chứng nhận EEDI (theo nghị quyết MEPC.214(63)), nhằm mục đích cập nhật lưu ý liên quan đến quy trình khuyến nghị 7.5-04-01-01.2 của Hội nghị các bể thử tàu quốc tế (ITTC), được sử dụng là tiêu chuẩn tham khảo.

Tại khóa họp thứ 64, MEPC đã phê chuẩn các hướng dẫn và giải thích sau đây liên quan đến sử dụng hiệu quả năng lượng của tàu:

  • Giải thích thống nhất định nghĩa “tàu mới” đối với phân kỳ 1, 2 và 3 của khuôn khổ EEDI theo quy định 20.1 và 20.2 của Phụ lục VI, Công ước MARPOL.
  • Giải thích thống nhất từ ngữ “hoán cải lớn” theo quy định 20.1 và 20.2 của Phụ lục VI, Công ước MARPOL.
  • Giải thích thống nhất về thời hạn các tàu hiện có phải trang bị SEEMP theo quy định 5.44 và 22.1 của Phụ lục VI, Công ước MARPOL.
  • Giải thích thống nhất về loại tàu thích hợp áp dụng cho tàu chuyên dùng chở nước quả ép.
  • Dự thảo thông tư liên ủy ban (Ủy ban Bảo vệ môi trường và Ủy ban An toàn hàng hải) về hướng dẫn tạm thời đối với việc xác định công suất đẩy tàu tối thiểu để duy trì khả năng điều động tàu trong điều kiện thời tiết xấu. Dự thảo thông tư này cũng đã được Ủy ban An toàn hàng hải xem xét phê chuẩn tại khóa họp thứ 91 tổ chức trong tháng mười một năm 2012.
  • Hướng dẫn tạm thời việc tính hệ số fw áp dụng khi giảm tốc độ tàu tại các điều kiện biển đại diện trong quá trình thử tàu (hệ số fw có trong EEDI là hệ số không thứ nguyên, chỉ ra sự giảm tốc độ tại các điều kiện biển đại diện về chiều cao sóng, tần số sóng và tốc độ gió).
  • Giải thích thống nhất mục 2.3 của phụ bản đính kèm giấy chứng nhận quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm không khí do tàu gây ra (IAPP).

MEPC đã thành lập nhóm công tác về các biện pháp sử dụng hiệu quả năng lượng của tàu. Nhóm công tác này hoạt động giữa hai khóa họp của MEPC và sử dụng thư điện tử là phương thức để trao đổi và thống nhất các dự thảo văn kiện. Thông qua các hoạt động tích cực của mình, nhóm công tác đã xây dựng dự thảo hướng dẫn tạm thời đối với việc xác định công suất đẩy tàu tối thiểu để duy trì khả năng điều động tàu an toàn trong điều kiện thời tiết xấu, chỉnh sửa dự thảo hướng dẫn xử lý các công nghệ hiệu quả năng lượng mới, và xem xét hướng dẫn tạm thời việc tính hệ số fw áp dụng khi giảm tốc độ tàu tại các điều kiện biển đại diện trong quá trình thử tàu.

Hợp tác kỹ thuật và chuyển giao công nghệ

Quy định 23, chương 4 mới, Phụ lục VI của Công ước MARPOL về đẩy mạnh hợp tác kỹ thuật và chuyển giao công nghệ liên quan đến cải tiến hiệu quả năng lượng tàu yêu cầu các chính quyền hàng hải, trong sự hợp tác với IMO và các tổ chức quốc tế, thúc đẩy và cung cấp một cách thích hợp sự trợ giúp trực tiếp, hoặc thông qua IMO, đối với các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển, có yêu cầu về hỗ trợ kỹ thuật. Quy định này cũng yêu cầu các thành viên của Phụ lục VI, Công ước MARPOL hợp tác tích cực với các thành viên khác, theo quy định của pháp luật và chính sách quốc gia, để đẩy mạnh việc phát triển và chuyển giao công nghệ, và trao đổi thông tin với các nước có yêu cầu về hỗ trợ kỹ thuật, đặc biệt là các nước đang phát triển.

Nhóm công tác trực thuộc MEPC tiếp tục xây dựng dự thảo một nghị quyết về đẩy mạnh hợp tác kỹ thuật và chuyển giao công nghệ liên quan đến cải tiến hiệu quả năng lượng tàu. Tiếp theo việc thảo luận tại phiên họp toàn thể, MEPC đã thống nhất sử dụng tài liệu do nhóm công tác soạn thảo làm cơ sở để hoàn thiện dự thảo nghị quyết, hướng tới mục đích thông qua nghị quyết này tại khóa họp thứ 65, được tổ chức trong tháng ba năm 2013.

Xác nhận việc cập nhật liên quan đến ước tính lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính

MEPC đã xác nhận, về mặt nguyên tắc, đề cương đối với việc cập nhật liên quan đến ước tính lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính (GHG). Đồng thời, MEPC đã thống nhất việc tổ chức một hội thảo chuyên gia trong năm 2013 nhằm tiếp tục cân nhắc phương pháp và các giả thiết được sử dụng để thực hiện công việc cập nhật này. Ủy ban kêu gọi sự tài trợ nhằm cung cấp tài chính cho hội thảo chuyên gia cũng như công tác nghiên cứu.

Danh mục GHG cập nhật cần thiết để đánh giá tình trạng hiện thời, được nêu trong báo cáo nghiên cứu GHG lần thứ hai của IMO (năm 2009), đã không xem xét đến tình trạng suy sụp của nền kinh tế toàn cầu từ năm 2008. Việc cập nhật là công tác thực hành kỹ thuật, thực hiện theo phương pháp nêu trong báo cáo nghiên cứu GHG lần thứ hai của IMO và dựa trên số liệu sẵn có về mức tiêu hao nhiên liệu, quy mô cũng như các thông số kỹ thuật khác của đội tàu thế giới. Danh mục bao gồm lượng phát thải toàn cầu GHG và các chất liên quan khác phát thải từ các tàu có tổng dung tích từ 100 trở lên, thực hiện các hải trình quốc tế.

Việc thảo luận các biện pháp dựa trên thị trường sẽ được tiếp tục tại khóa họp thứ 65 của MEPC

MEPC đã nhận được một số báo cáo cập nhât về các biện pháp đề xuất dựa trên thị trường (MBM) nhằm làm giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. MBM là biện pháp nhằm bổ sung cho các biện pháp kỹ thuật và vận hành tàu nhằm làm giảm lượng phát thải GHG đã được thông qua. Do hạn chế về thời gian, nên MEPC đã quyết định chuyển việc thảo luận về các biện pháp dựa trên thị trường nói trên sang khóa họp thứ 65 của ủy ban này.

Các nội dung thảo thuận về các biện pháp dựa trên thị trường sẽ bao gồm phương pháp và tiêu chí sử dụng để đánh giá tác động toàn diện của các biện pháp này. Việc nghiên cứu chi tiết sẽ được thực hiện đối với các tác động trực tiếp và gián tiếp đối với các nước đang phát triển. Từ kết quả nghiên cứu và thảo luận, IMO sẽ đưa ra quyết định về việc áp dụng hay không áp dụng MBM đối với công nghiệp vận tải biển quốc tế.

Nghiên cứu về sự có sẵn dầu nhiên liệu

MEPC đã thảo luận các đề xuất liên quan đến việc xem xét tính sẵn có của các loại dầu nhiên liệu sử dụng cho tàu tuân thủ các yêu cầu nêu tại quy định 14, chương 4 mới của Phụ lục VI, Công ước MARPOL, về kiểm soát phát thải ôxít lưu huỳnh từ tàu.

Hiện tại, hàm lượng lưu huỳnh trong dầu nhiên liệu, tính theo phần trăm khối lượng, sử dụng cho tàu hoạt động ngoài khu vực kiểm soát phát thải ôxít lưu huỳnh không được quá 3,5 phần trăm. Con số này phải giảm xuống là 0,5 phần trăm từ ngày 01 tháng giêng năm 2020. Tùy thuộc vào kết quả xem xét được hoàn thành trong năm 2018, nếu thị trường không đủ khả năng cung cấp đủ dầu theo tiêu chuẩn hàm lượng lưu huỳnh không quá 0,5 phần trăm khối lượng, việc áp dụng yêu cầu liên quan sẽ được hoãn đến ngày 01 tháng giêng năm 2025. Cần lưu ý là trong khu vực kiểm soát phát thải ôxít lưu huỳnh, hiện tại tàu phải sử dụng dầu nhiên liệu với hàm lượng lưu huỳnh không quá 1,0 phần trăm khối lượng; còn sau ngày 01 tháng giêng năm 2025 là không quá 0,1 trăm khối lượng.

Kết quả nghiên cứu của MEPC trong năm 2011 cho thây hàm lượng lưu huỳnh trung bình trong dầu nhiên liệu lắng cung ứng toàn cầu là 2,65 phần trăm khối lượng, còn của dầu nhiên liệu trưng cất là 0,14 phần trăm khối lượng. MEPC đã nhất trí việc xem xét lại vấn đề này tại các khóa họp tiếp theo và đề nghị các bên liên quan đệ trình văn bản đề xuất tại khóa họp thứ 66 (trong năm 2014).

Phê chuẩn hệ thống quản lý nước dằn

MEPC đã xem xét báo cáo khóa họp thứ 21, 22 và 23 của Nhóm công tác quản lý nước dằn thuộc Nhóm liên kết các chuyên gia về các lĩnh vực khoa học bảo vệ môi trường biển (GESAMP), được tổ chức trong năm 2012. Trên cơ sở xét đánh giá kết quả do Nhóm công tác quản lý nước dằn đệ trình, MEPC đã tiến hành việc phê chuẩn cơ bản cho năm hệ thống quản lý nước dằn và phê chuẩn cuối cùng cho ba hệ thống quản lý nước dằn sử dụng hoạt chất. Theo thông báo của MEPC, hiện tại đã có 28 hệ thống quản lý nước dằn được phê chuẩn.

MEPC thúc giục các các quốc gia chưa phê chuẩn Công ước quốc tế về kiểm soát và quản lý nước dằn và cặn lắng nước dằn tàu năm 2004 (BWM) thực hiện việc phê chuẩn để Công ước hội tụ đủ điều kiện có hiệu lực trong thời gian sớm nhất có thể. Hiện tại Công ước đã nhận được sự phê chuẩn của 36 quốc gia với đội tàu tổng cộng chiếm 29,07 phần trăm tổng dung tích đội thương thuyền quốc tế. Theo quy định, Công ước sẽ có hiệu lực sau 12 tháng kể từ khi có sự tham gia của ít nhất 30 quốc gia với đội tàu tổng cộng chiếm không dưới 35 phần trăm tổng dung tích đội tàu thế giới. Tại khóa họp này, các đoàn đại biểu Áchentina, Bỉ và Đức thông báo các nước này đang hoàn chỉnh thủ tục để phê chuẩn Công ước và sẽ sớm đệ trình văn bản phê chuẩn lên IMO.

Căn cứ vào các thảo luận của Nhóm nghiên cứu nước dằn (BWRG), MEPC thống nhất đánh giá là hiện đã có các công nghệ thích hợp để có thể đạt được tiêu chuẩn nêu tại quy định D-2 của Công ước BWM. Đồng thời, MEPC yêu cầu các đoàn đại biểu đệ trình các báo cáo nghiên cứu, bao gồm các số liệu và thông tin định lượng, để giải quyết các vấn đề liên quan đến việc cung cấp, vận hành và tính phù hợp của hệ thống quản lý nước dằn lên Tiểu ban hàng lỏng và hàng khí chở xô (BLG) thuộc IMO, phục vụ cho việc phân tích sâu sắc các khía cạnh cần thiết.

Tại khóa họp, MEPC cũng đề cập đến nhiều vấn đề liên quan đến việc thực hiện Công ước BWM. MEPC đã phê chuẩn thông tư về việc cấp giấy chứng nhận quản lý nước dằn trong thời gian 12 tháng tính từ khi Công ước BWM hội tụ đủ điều kiện có hiệu lực cho đến khi công ước này chính thức có hiệu lực. Thông tư được phê chuẩn để giải quyết sự quan ngại liên quan đến việc Công ước BWM không cho phép thời gian áp dụng phân kỳ đối với các tàu được đóng trước ngày Công ước có hiệu lực. Theo khuyến nghị được đưa ra trong thông tư mới này, chính quyền hàng hải có thể cho phép cấp giấy chứng nhận quản lý nước dằn quốc tế cho các tàu như vậy trước khi Công ước BWM có hiệu lực. Giấy chứng nhận được cấp phải có ghi chú nêu rõ giấy chứng nhận sẽ bắt đầu có hiệu lực từ khi Công ước BWM có hiệu lực; đồng thời với đó, chính quyền hàng hải, khi nhận được kế hoạch quản lý nước dằn được đệ trình để phê duyệt, phải cấp cho công ty quản lý tàu văn bản thông báo việc cho phép tàu hoạt động trong thời gian 3 tháng với hoạch quản lý nước dằn chưa được phê duyệt.

MEPC chỉ đạo Tiểu ban BLG, tại khóa họp thứ 17 trong năm 2013, tiến hành xem xét cập nhật nghị quyết MEPC.175(58) liên quan đến việc báo cáo thông tin về các hệ thống quản lý nước dằn được phê duyệt. Nghị quyết này yêu cầu các các quốc gia thành viên đệ trình lên IMO các hệ thống quản lý nước dằn đã được phê duyệt.

Nhóm công tác quản lý nước dằn được MEPC chỉ đạo thực hiện việc xây dựng dự thảo nghị quyết của Đại hội đồng IMO về thực hiện quy định B-3 của Công ước BWM. Dự kiến dự thảo nghị quyết này sẽ được khóa họp thứ 65 của MEPC phê chuẩn và sau đó, được đệ trình lên khóa họp Đại hội đồng IMO lần thứ 28 để thông qua. Quy định B-3 đưa ra ngày áp dụng Công ước BWM cụ thể cho các tàu được đóng trước năm 2009, giữa năm 2009 và 2012, và từ năm 2012 trở đi.

Thông qua hướng dẫn tái sinh tàu

Liên quan đến Công ước quốc tế Hồng kông về tái sinh tàu an toàn và thân thiện với môi trường năm 2009 (SR), MEPC đã thông qua hai hướng dẫn sau:

  • Hướng dẫn năm 2012 đối với việc kiểm tra và chứng nhận tàu theo Công ước SR.
  • Hướng dẫn năm 2012 đối với việc thanh tra tàu theo Công ước SR.

Hai hướng dẫn vừa mới được thông qua này cùng với bốn hướng dẫn khác đã được thông qua trước đây tạo thành một bộ hoàn chỉnh các hướng dẫn theo quy định của Công ước SR. Bộ các hướng dẫn này giúp cho các cơ sở tái sinh tàu và công ty vận tải biển có thể bắt đầu việc thực hiện, trên cơ sở tự nguyện, các yêu cầu của Công ước SR cho đến khi công ước hội tụ đủ điều kiện có hiệu lực.

Cũng tại khóa họp thứ 64, MEPC đã thành lập nhóm công tác hoạt động qua thư tín để xác định các giá trị ngưỡng và việc miễn trừ áp dụng cho các loại vật liệu phải được liệt kê trong danh mục các vật liệu nguy hiểm theo quy định của Công ước SR, và xem xét sự cần thiết để sửa đổi, bổ sung Hướng dẫn năm 2011 đối với việc xây dựng danh mục các vật liệu nguy hiểm một cách phù hợp.

MEPC kêu gọi các quốc gia thành viên IMO phê chuẩn Công ước SR vào thời điểm sớm nhất có thể.

Thông qua sửa đổi, bổ sung đối với Bộ luật IBC

MEPC đã thông qua sửa đổi, bổ sung đối với chương 17, 18 và 19 của Bộ luật quốc tế về kết cấu và trang thiết bị của tàu chở xô hóa chất nguy hiểm (IBC) đã được Ủy ban An toàn hàng hải (MSC) phê chuẩn tại khóa họp thứ 90 trong tháng năm năm 2012.

Thông qua hướng dẫn đối với thiết bị xử lý nước thải

MEPC đã thông qua Hướng dẫn năm 2012 về thực hiện tiêu chuẩn thải và thử chức năng của thiết bị xử lý nước thải. Hướng dẫn này được xây dựng phù hợp với các yêu cầu mới của Phụ lục V - “Các quy định về ngăn ngừa ô nhiễm do nước thải từ tàu” của Công ước MARPOL (có hiệu lực từ ngày 01 tháng giêng năm 2016), áp dụng cho thiết bị xử lý nước thải trang bị cho tàu chở khách hoạt động tại các khu vực đặc biệt theo quy định của phụ lục này.

Kế hoạch đánh giá tự nguyện

MEPC đã phê chuẩn dự thảo Bộ luật về thực hiện các văn kiện bắt buộc của IMO (Bộ luật III) liên quan đến các tiêu chuẩn áp dụng trong kế hoạch đánh giá tự nguyện việc thực hiện chức năng của các chính phủ thành viên IMO. Đồng thời, MEPC cũng đã thông qua sửa đổi, bổ sung đối với Công ước MARPOL đưa ra quy định bắt buộc áp dụng Bộ luật III. Dự kiến, sửa đổi, bổ sung này của Công ước MARPOL sẽ được thông qua trong năm 2014; còn Bộ luật III sẽ được Đại hội đồng IMO lần thứ 28 thông qua trong năm 2013.

Phê chuẩn Bộ luật về các tổ chức được công nhận

MEPC đã phê chuẩn dự thảo Bộ luật về các tổ chức được công nhận (RO) và dự thảo sửa đổi, bổ sung đối với Công ước MARPOL (Phụ lục I và II) quy định bắt buộc việc áp dụng bộ luật này. Dự thảo Bộ luật RO cũng đã được Ủy ban An toàn hàng hải (MSC) phê chuẩn tại khóa họp thứ 91 trong tháng mười một năm 2012.

Bộ luật RO bao gồm các văn bản hợp nhất, đưa ra các tiêu chí, mà dựa vào đó, các chính quyền hàng hải có thể tiến hành việc đánh giá và ủy quyền cho các tổ chức được công nhận thực hiện việc kiểm tra và cấp giấy chứng nhận theo quy định của các công ước quốc tế cho các tàu mang cờ quốc tịch quốc gia. Trong bộ luật cũng bao gồm các hướng dẫn phục vụ cho việc giám sát các tổ chức được công nhận của các chính quyền hàng hải.

Tác giả: Nguyễn Vũ Hải - VR