Samsung Heavy "lấn sân” chế tạo tàu biển chạy bằng khí amoniac

19/08/2021

Theo Samsung Heavy, một thiết kế hãng này vừa được cấp phép sẽ hữu ích cho các chủ tàu muốn cải tiến tàu chở dầu chạy bằng LNG hoặc diesel thành tàu chạy bằng amoniac - giúp giảm phát thải khí CO2.

Tàu chở dầu loại A-Max, trong một bức ảnh do Samsung Heavy cung cấp.

Ngày 19/8, Công ty công nghiệp nặng Samsung (Samsung Heavy) thông báo đã được DNV, một công ty quản lý rủi ro và đảm bảo chất lượng tàu của Na Uy, cấp phép trên nguyên tắc (AIP) cho thiết kế cơ bản của hãng về các tàu chở dầu chạy bằng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) hoặc diesel có khả năng cải tiến thành tàu chạy bằng nhiên liệu amoniac.

Thông báo của Samsung Heavy nêu rõ thiết kế này sẽ hữu ích cho các chủ tàu muốn cải tiến tàu chở dầu chạy bằng LNG hoặc diesel của họ thành những tàu chạy bằng amoniac, nhiên liệu thay thế dùng cho tàu biển để giảm phát thải khí CO2.

Trước đó, hồi tháng 9/2020, Samsung Heavy cũng đã được Lloyd's Register, một công ty quản lý rủi ro và đảm bảo chất lượng của Anh, cấp phép thực hiện cải tiến các tàu của hãng chạy bằng khí amoniac.

Hiện Samsung Heavy “ấp ủ” kế hoạch thương mại hóa tàu chở dầu A-Max chạy bằng khí amoniac vào năm 2024 bằng cách phát triển hệ thống cung cấp nhiên liệu amoniac độc lập và thiết kế chi tiết cho các con tàu.

Các tàu chở dầu A-Max thường có trọng tải từ 85.000 đến 125.000 tấn. Đây là loại tàu có nhu cầu tiêu thụ cao nhất và khả thi nhất về mặt kinh tế so với các tàu chở dầu khác.

Hàn Quốc: Số đơn đặt hàng đóng tàu bật tăng mạnh trong quý I

Theo dữ liệu do nhà nghiên cứu thị trường toàn cầu Clarkson Research Service trong quý 1/2021, các nhà đóng tàu Hàn Quốc đã nhận được số đơn đặt hàng đóng tàu cao gấp 10 lần so với số đơn hàng của cả năm 2020, khi ngành công nghiệp đóng tàu đang phục hồi sau những tác động của dịch COVID-19.

Trong quý 1/2021, các công ty đóng tàu Hàn Quốc đã giành được các đơn đặt hàng đóng tàu mới tổng cộng 126 chiếc, tương đương 5,32 triệu tấn tổng hợp bù (CGT), gấp gần 10 lần so với lượng đơn đặt hàng tương ứng 550.000 CGT mà các nhà máy đóng tàu Hàn Quốc nhận được trong cả năm 2020. Số đơn đặt hàng mới của các công ty đóng tàu Hàn Quốc trong quý 1/2021 chiếm 52% tổng số đơn đặt hàng của ngành đóng tàu toàn cầu, tăng so với tỷ lệ 10% của năm 2020.

Các công ty đóng tàu Hàn Quốc đã có được những hợp đồng lớn trong quý đầu tiên sau đợt khan hiếm đơn đặt hàng hồi năm ngoái do tác động của đại dịch COVID-19. Ba công ty đóng tàu lớn của nước này đã giành được tổng số đơn đặt hàng mới trị giá 14.000 tỷ won (khoảng 12 tỷ USD) trong giai đoạn từ tháng Một đến tháng Ba vừa qua.

190821.17.jpg

Tàu chở container siêu lớn trọng tải 14.800 TEU chạy bằng nhiên liệu khí đốt hóa lỏng (LNG) do Hyundai Samho chế tạo.

Cụ thể, Korea Shipbuilding & Offshore Engineering Co. (KSOE), sở hữu Hyundai Heavy Industries và hai công ty đóng tàu khác, đã nhận được các đơn hàng đóng 68 tàu trong quý 1 năm nay, trị giá 5,5 tỷ USD. Như vậy, công ty này đã đạt 37% mục tiêu về lượng đơn đặt hàng hàng năm là 14,9 tỷ USD.

Samsung Heavy Industries Co. đã có số đơn đặt hàng trị giá 5,1 tỷ USD trong ba tháng đầu năm nay và giá trị các đơn đặt hàng mới do Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering Co. giành được trong cùng kỳ lên tới 1,79 tỷ USD.

Các nhà đóng tàu Hàn Quốc đã nhận đơn đặt hàng cho nhiều loại tàu khác nhau kể từ đầu năm nay, bao gồm tàu chở container, tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và tàu thân thiện với môi trường.

Không chỉ ngành đóng tàu chứng kiến sự phục hồi, khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI) cho thấy tâm lý kinh doanh của các nhà sản xuất Hàn Quốc cũng đã có sự cải thiện mạnh mẽ, đạt mức cao nhất trong 6 năm, nhờ hy vọng rằng nền kinh tế lớn thứ tư châu Á có thể phục hồi nhanh hơn dự kiến sau đại dịch COVID-19.

Khảo sát của KCCI, được thực hiện với khoảng 2.200 công ty sản xuất, cho hay chỉ số tâm lý kinh doanh (BSI) của các nhà sản xuất Hàn Quốc trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6/2021 ở mức 99 điểm, tăng 24 điểm so với quý trước đó và là mức cao nhất kể từ quý 3/2014.

Chỉ số BSI dưới 100 điểm có nghĩa là số doanh nghiệp dự báo điều kiện kinh doanh sẽ xấu đi nhiều hơn số doanh nghiệp dự đoán tình hình sẽ cải thiện. KCCI cho rằng sự gia tăng trong tâm lý kinh doanh của các nhà sản xuất Hàn Quốc chủ yếu là nhờ kỳ vọng vào sự phục hồi kinh tế trên toàn cầu.

Triển vọng xuất khẩu của Hàn Quốc hiện ở mức 109 điểm trong quý 1/2021, tăng 27 điểm so với quý trước đó và dự báo nhu cầu trong nước cũng tăng 24 điểm, lên 97 điểm. Nền kinh tế lớn thứ tư châu Á đang phục hồi nhờ xuất khẩu mạnh mẽ.

Kim ngạch xuất khẩu của nước này trong tháng 3/2021 đã tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2020 và sản lượng công nghiệp trong tháng 2/2021 đã tăng với nhịp độ nhanh nhất trong 8 tháng./.

Tác giả: L. Phương-M. Trang