Tokyo-MOU áp dụng hệ thống kiểm tra tàu mới từ ngày 01 tháng 01 năm 2014

25/02/2013

PSCC trực thuộc trực thuộc Tokyo-MOU đã quyết định việc áp dụng hệ thống kiểm tra mới (New Inspection Regime - NIR) từ ngày 01 tháng 01 năm 2014.

Hệ thống kiểm tra tàu mới

Tại khóa họp thứ 23, tổ chức cuối tháng 01 năm 2013 tại Singapore, Ủy ban Kiểm tra của Chính quyền cảng (Port State Control Committee - PSCC) trực thuộc Tokyo-MOU (Tổ chức các quốc gia tham gia Bản ghi nhớ về kiểm tra của Chính quyền cảng khu vực châu Á - Thái Bình Dương) đã quyết định việc áp dụng hệ thống kiểm tra mới (New Inspection Regime - NIR) từ ngày 01 tháng 01 năm 2014. Việc đưa ra quyết định áp dụng hệ thống kiểm tra mới căn cứ theo yêu cầu của các bộ trưởng đưa ra tại Hội nghị liên kết lần thứ hai cấp bộ trưởng của các thành viên Tokyo-MOU và Paris-MOU (Tổ chức các quốc gia tham gia Bản ghi nhớ về kiểm tra của Chính quyền cảng khu vực Tây Âu và Bắc Đại Tây Dương), nhằm hài hòa hóa các thủ tục kiểm tra tàu của hai tổ chức này. Hệ thống kiểm tra mới của Tokyo-MOU được xây dựng dựa trên các ưu điểm của hệ thống mà Paris-MOU đã áp dụng trong hai năm vừa qua. Tokyo-MOU sẽ thông qua các quy định và hướng dẫn liên quan đến hệ thống kiểm tra mới tại cuộc họp tiếp theo của tổ chức này sẽ được thực hiện trong tháng 10 năm 2013 tại Tokyo, Nhật Bản.

Theo hệ thống kiểm tra mới, các tàu biển sẽ được phân thành ba loại: tàu có mức độ rủi ro cao (high risk ship - HRS), tàu có mức độ rủi ro tiêu chuẩn (standard risk ship - SRS), và tàu có mức độ rủi ro thấp (low risk ship - LRS); dựa trên lý lịch rủi ro của tàu. Mức độ rủi ro của mỗi tàu được tính toán một cách tự động trong hệ thống cơ sở dữ liệu PSC của Tokyo-MOU (Hệ thống APCIS). Khung thời gian kiểm tra tàu khác nhau sẽ được Chính quyền cảng áp dụng tùy thuộc vào loại tàu, phù hợp với mức độ rủi ro. Cụ thể là, tàu có mức độ rủi ro cao sẽ được “ưu tiên” kiểm tra thường xuyên hơn các tàu có mức độ rủi ro tiêu chuẩn và thấp.

Lý lịch rủi ro của tàu

Hệ thống chấm điểm để xác định tàu được kiểm tra hiện có của Tokyo-MOU sẽ được thay thế bằng lý lịch rủi ro của tàu (Ship Risk Profile). Lý lịch rủi ro của mỗi tàu được xác định dựa trên các yếu tố sau đây và sử dụng dữ liệu lịch sử về kiểm tra tàu trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong khoảng thời gian 3 năm:

  • Việc thực hiện chức năng của quốc gia tàu mang cờ quốc tịch (quốc gia nằm trong danh sách “đen”, “xám” hay “trắng” của Tokyo-MOU, tình trạng thực hiện Chương trình đánh giá tự nguyện theo quy định của IMO (VIMSAS)).
  • Đặc trưng của tàu: kiểu tàu, tuổi tàu.
  • Việc thực hiện chức năng của tổ chức đăng kiểm tàu.
  • Việc thực hiện chức năng của công ty quản lý tàu (công ty chịu trách nhiệm thực hiện hệ thống quản lý an toàn (ISM) đối với tàu).
  • Lịch sử của các đợt kiểm tra PSC mà tàu đã thực hiện: số lượng khiếm khuyết, số lần tàu bị lưu giữ.

Khung cửa sổ thời gian kiểm tra tàu và kế hoạch lựa chọn tàu để kiểm tra

Khung cửa sổ thời gian kiểm tra dưới đây được áp dụng cho tàu phụ thuộc vào mức độ rủi ro của tàu:

Lý lịch rủi ro của tàu

Khung cửa sổ thời gian kiểm tra tàu
tính từ đợt kiểm tra trước

Tàu có mức độ rủi ro thấp (LRS)

Từ 9 đến 18 tháng

Tàu có mức độ rủi ro tiêu chuẩn (SRS)

Từ 5 đến 8 tháng

Tàu có mức độ rủi ro cao (HRS)

Từ 2đến 4tháng

Chu kỳ cửa sổ thời gian kiểm tra sẽ được ấn định lại cho tàu sau mỗi đợt kiểm tra.

Có hai loại ưu tiên kiểm tra tàu được xác dựa trên các tiêu chí sau đây:

   Ưu tiên I: tàu phải được kiểm tra, khung cửa sổ thời gian kiểm tra của tàu đã bị đóng.

   Ưu tiên II: tàu có thể được kiểm tra, tàu đang ở trong khung cửa sổ thời gian kiểm tra.

Trong trường hợp có bất kỳ yếu tố đặc biệt nào (chẳng hạn như tàu thực hiện chức năng dưới mức tiêu chuẩn) được nhận biết đối với một tàu cụ thể, thì tàu đó sẽ được “ưu tiên” kiểm tra ngay, không phải theo hệ thống kiểm tra mới được trình bày ở trên.

Đội tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế hiện tại phần lớn là nhiều tuổi và Việt Nam đang nằm trong danh sách “đen” của Tokyo-MOU, nên đại đa số tàu của chúng tàu sẽ thuộc loại có mức rủi ro cao (HRS). Từ tháng 01 năm 2014, khi Tokyo-MOU áp dụng hệ thống kiểm tra mới, tần xuất kiểm tra PSC đối với các tàu Việt Nam sẽ tăng lên rất nhiều, dẫn đến nguy cơ gia tăng tàu bị lưu giữ. Tất cả các bên liên quan cần phải có sự chuẩn bị sẵn sàng cho vấn đề này, nhằm tránh việc tàu bị lưu giữ và làm giảm mức độ rủi ro của từng tàu cụ thể cũng như của cả đội tàu quốc gia.

Tác giả: Nguyễn Vũ Hải - VR