Ford triệu hồi 3 triệu xe do lỗi bộ phận bơm túi khí

09/02/2021

Nhà sản xuất ô tô Ford Motor Co thông báo sẽ tốn 610 triệu USD để triệu hồi 3 triệu xe, trong đó có 2,7 triệu xe ở Mỹ, vì lỗi bộ phận bơm túi khí có thể bị vỡ.

Cơ quan Quản lý An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia (NHTSA) đã yêu cầu Ford đưa ra thông báo thu hồi các thiết bị bơm túi khí bên phía ghế phụ, đồng thời từ chối đề nghị của nhà sản xuất ô tô này đưa ra năm 2017 nhằm tránh việc phải triệu hồi xe bị lỗi.

Lỗi này, trong một số trường hợp hiếm hoi khiến túi khí bị vỡ và làm văng các mảnh kim loại mà có khả năng gây chết người, đã dẫn đến vụ triệu hồi xe lớn nhất trong lịch sử Mỹ, với hơn 67 triệu bộ bơm túi khí. Trên toàn thế giới, khoảng 100 triệu bộ bơm túi khí do 19 nhà sản xuất ô tô lớn lắp đặt đã bị thu hồi. Các mẫu xe Ford bị triệu hồi bao gồm các xe Ranger, Fusion, Edge, Lincoln Zephyr/MKZ đời 2006-2012, Mercury Milan và Lincoln MKX.

Ngày 21/1, Ford dự kiến hãng này sẽ ghi nhận khoản lỗ 1,5 tỷ USD trong quý IV/2020 liên quan đến vấn đề lương hưu và các kế hoạch phúc lợi sau nghỉ việc, do tỷ lệ chiết khấu thấp hơn. Bên cạnh đó, thu nhập ròng có thể giảm khoảng 1,2 tỷ USD, song dự kiến các khoảng đóng góp lương hưu trong năm 2021 không đổi.

Mới đây, NHTSA cũng yêu cầu Mazda Motor Corp thu hồi 5.800 bộ bơm túi khí trong các xe B-Series được sản xuất giai đoạn năm 2007-2009. Hồi tháng 11/2020, NHTSA đã từ chối đơn kiến nghị của General Motors nhằm tránh thu hồi 5,9 triệu xe lắp đặt bộ phận túi khí của Takata ở Mỹ. GM cho hay đợt triệu hồi xe này bao gồm 7 triệu chiếc trên toàn thế giới và sẽ tiêu tốn 1,2 tỷ USD.

Bộ phận bơm túi khí của Takata đã khiến ít nhất 400 người bị thương và 27 người tử vọng trên toàn thế giới, trong đó có 18 trường hợp tử vong tại Mỹ.

Ford đầu tư 22 tỷ USD hợp tác với các hãng công nghệ sản xuất xe điện


Hãng sản xuất ô tô Ford của Mỹ công bố kế hoạch đầu tư tham vọng nhằm tăng cường sản xuất xe điện và đẩy mạnh hợp tác với các hãng công nghệ lớn trong việc ứng dụng kỹ thuật số vào chế tạo xe điện.

Trong báo cáo hằng năm và quý IV/2020, Ford cho biết có kế hoạch đầu tư 22 tỷ USD vào sản xuất ô tô điện cho tới năm 2025, gấp đôi so với kế hoạch ban đầu. Bên cạnh đó, hãng cũng chủ trương đầu tư 7 tỷ USD để phát triển xe tự lái từ nay đến năm 2025.

Đây được xem là kế hoạch đầu tư xe điện mới nhất mà một hãng chế tạo ô tô lâu đời như Ford công bố trước sự tăng trưởng mạnh mẽ của công ty Telsa và chính quyền Tổng thống Joe Biden khuyến khích sản xuất phương tiện thân thiện với môi trường.

Hồi tuần trước, đối thủ của Ford là General Motors cũng công bố kế hoạch “xanh hóa” các sản phẩm của mình với mục tiêu đến năm 2035 đưa phần lớn các mẫu xe trở thành phương tiện không phát thải khí ô nhiễm. Kế hoạch trên được đưa ra bất chấp báo cáo doanh thu không mấy khả quan của Ford trong quý IV/2020.

Theo đó, hãng này cho biết đã thiệt hại 2,8 tỷ USD  trong 3 tháng cuối năm, cao hơn so với mức 1,7 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Thu nhập của hãng cũng sụt giảm 9,3%, xuống còn 36 tỷ USD.

Tuy vậy, Ford dự báo lợi nhuận hoạt động trong năm 2021 vào khoảng 8 tỷ - 9 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức 2,8 tỷ USD của năm 2020, thời điểm doanh thu bán ô tô của hãng sụt giảm mạnh do tác động của đại dịch.

Báo cáo tài chính của Ford chỉ rõ tình trạng thiếu thiết bị bán dẫn  là thách thức đối với ngành sản xuất ô tô trong năm ngoái, và điều này tiếp tục tác động đến lĩnh vực này trong năm nay.

Theo dự báo của Ford, lợi nhuận hoạt động kinh doanh hằng năm của hãng sản xuất ô tô thứ hai tại Mỹ này có thể giảm từ 1 tỷ - 2,5 tỷ USD do doanh thu sụt giảm liên quan đến thiếu thiết bị bán dẫn./.

Tác giả: Hương-Hằng