Tiết lộ chấn động mới về bê bối khí thải của Audi

03/07/2019

Truyền thông Đức ngày 1/7 đưa tin, vụ bê bối gian lận khí thải của thương hiệu xe ô tô hạng sang Audi còn lớn hơn những gì được công bố đến nay.

Chú thích ảnh

Thiết bị đo độ phát thải được lắp đặt trong ống xả của xe hơi do Tập đoàn Volkswagen sản xuất tại Ludwigsburg, Đức.

Tờ Thương mại (Handelsblatt) và Đài phát thanh truyền hình Bayern (BR) của Đức dẫn nguồn tin từ cơ quan công tố thành phố München, bang miền Nam Bayern cho biết, các nhà điều tra phát hiện hãng sản xuất ô tô Audi - công ty con thuộc Tập đoàn Volkswagen (VW), sử dụng không chỉ 1 mà tới 4 phần mềm gian lận khí thải trên các dòng xe động cơ diesel của hãng.

Các phần mềm này giúp cho các dòng xe động cơ diesel của hãng mặc dù có mức phát thải thực tế vượt quá quy định nhưng lại có thể qua được các bài kiểm tra chất lượng khí thải một cách dễ dàng mà không bị phát hiện.

Tuy nhiên, trong số các phần mềm gian lận trên, Cơ quan Vận tải liên bang (KBA) cho đến nay chỉ tuyên bố không công nhận "chức năng khởi động" động cơ, bởi khi động cơ được vận hành, chức năng khởi động sẽ chỉ tăng khả năng lọc khí thải trong một thời gian nhất định.

Mặc dù giới chức Đức phát hiện 3 thiết bị gian lận được sử dụng cho Audi, song hãng xe này lại được phép "tự nguyện" tháo bỏ các thiết bị từ phần mềm động cơ.

KBA đã hứng chịu nhiều chỉ trích khi không trực tiếp kiểm tra các động cơ mà chỉ dựa vào báo cáo của nhà sản xuất, cũng như không công khai báo cáo kết quả kiểm tra trước công luận.

Theo KBA, có khoảng 200.000 động cơ diesel với tiêu chuẩn khí thải Euro 6 cũng được sử dụng trên các dòng xe VW và Porsche. Nói về việc này, Bộ Giao thông Đức cho biết ngắn gọn rằng vấn đề gian lận khí thải trên các dòng động cơ diesel này đã được phát hiện và xử lý từ năm 2015.

Năm 2015, nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới Volkswagen thừa nhận từng sử dụng một phần mềm để giúp các xe ô tô chạy bằng động cơ diesel phát thải quá mức quy định vượt qua các bài kiểm tra chất lượng không khí mà không bị phát hiện.

Các vụ điều tra tiến hành sau đó đã cho thấy khoảng 11 triệu xe của hãng sử dụng động cơ diesel trên toàn thế giới phát thải gấp nhiều lần so với mức cho phép, song được che giấu trong các cuộc kiểm tra.

Ngành công nghiệp ô tô Đức đón nhận các tín hiệu trái chiều


Theo thống kê của liên đoàn công nghiệp xe hơi Đức VDA, số lượng xe đăng ký mới ở nền kinh tế hàng đầu của châu Âu đã giảm trong tháng Sáu, qua đó làm tiêu tan sự hồi phục ghi nhận hồi tháng trước đó.

Cụ thể, số liệu của VDA cho biết trong tháng Sáu đã có khoảng 325.200 xe ô tô được đăng ký mới, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2018. Song VDA cũng chỉ ra rằng số ngày làm việc trong tháng 6/2019 ít hơn tháng Sáu năm ngoái 3 ngày. 

Báo cáo của VDA cũng lưu ý tính chung trong sáu tháng đầu năm 2019, doanh số bán ô tô của Đức tăng 0,5% lên 1,8 triệu xe – mức cao nhất mà bất cứ giai đoạn nửa đầu năm nào trong thập kỷ này từng ghi nhận. 

Tuy nhiên, sản lượng ô tô của Đức đã giảm 24% trong tháng Sáu, xuống mức 374.700 xe. Sự sụt giảm nêu trên có thể một phần do các nhà sản xuất ô tô đẩy mạnh hoạt động sản xuất lên cao hơn vào giữa năm 2018, trước khi chính sách kiểm tra khí thải mới được thực thi. 

Hoạt động xuất khẩu xe ô tô Đức cũng giảm, cụ thể giảm 25% trong tháng vừa qua xuống 273.000 xe. VDA cho rằng điều này là do số đơn đặt hàng từ nước ngoài yếu hơn khi xung đột thương mại tiếp tục gia tăng trên thế giới. 

Thị phần của các ô tô chạy bằng dầu diesel tại Đức tiếp tục trì trệ ở mức 32,9% trong tháng Sáu. Sự phổ biến của động cơ diesel đã giảm mạnh kể từ vụ bê bối được gọi là "Dieselgate" của Volkswagen diễn ra vào năm 2015, khi nhà sản xuất ô tô này bị phát hiện gian lận trong các thử nghiệm về mức độ phát khí thải. 

Trong khi đó, Hiệp hội các nhà nhập khẩu xe hơi Đức VDIK lưu ý rằng số xe điện hoặc xe hybrid (chạy được cả xăng lẫn điện) được bán ra tại nước này trong sáu tháng đầu năm đã tăng 41% so với cùng kỳ năm 2018 lên 48.000 chiếc. 

Chủ tịch VDIK, ông Reinhard Zirpel cho biết thị trường các phương tiện sử dụng nhiên liệu thay thế đang dần “nóng lên”, nhưng động lực vẫn chưa đủ. Đó là lý do tại sao thị trường xe hơi Đức cần có thêm nhiều biện pháp khuyến khích để phát triển và nhân rộng những công nghệ mới này./.

Tác giả: T. Tùng - H. Thủy