31 tỉnh, thành phố có nguy cơ ùn tắc đăng kiểm xe cơ giới dịp cuối năm

20/10/2023

Ngày 19/10, Cục Đăng kiểm Việt Nam tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình hoạt động kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và đề xuất giải pháp phòng ngừa nguy cơ ùn tắc phương tiện kiểm định vào những tháng cuối năm 2023, trong năm 2024 và việc triển khai thực hiện Nghị định số 30/2023/NĐ-CP ngày 08/6/2023 của Chính phủ.

​Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cùng đại diện Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KHCN), các sở GTVT và hơn 200 trung tâm đăng kiểm trên cả nước đã tham gia Hội nghị.
Thiếu hụt đăng kiểm viên (ĐKV) dẫn tới nguy cơ ùn tắc đăng kiểm cuối năm

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Báo cáo tại Hội nghị, Cục ĐKVN cho biết: Thời gian qua, Chính phủ, Bộ GTVT, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Ủy ban nhân dân các địa phương đã hết sức quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện, cùng với một loạt giải pháp tình thế cấp bách, căn cơ để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác đăng kiểm, đặc biệt liên quan đến lĩnh vực phương tiện giao thông cơ giới đường bộ… Nhờ sử dụng nhiều giải pháp, tình trạng ùn tắc phương tiện đến kiểm định tại các Trung tâm Đăng kiểm (TTĐK) đã cơ bản được giải quyết từ cuối tháng 6/2023 đến nay.

Theo thống kê, hiện nay trên cả nước có 271/288 TTĐK với 435/536 dây chuyền kiểm định đang hoạt động (17 TTĐK và 103 dây chuyền không hoạt động) với công suất phục vụ số lượng phương tiện đến kiểm định trung bình đạt yêu cầu tối thiểu một tháng là 626.400 phương tiện (trong khi số lượng phương tiện kiểm định ở tháng cao nhất trong thời gian tới (tháng 7/2024) là 503.276 phương tiện).

0R3A5537.JPG

Cục trưởng Nguyễn Chiến Thắng phát biểu

Với công suất kiểm định như hiện nay hệ thống đăng kiểm xe cơ giới (XCG) hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu kiểm định của người dân và doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc trong các tháng cuối năm 2023 và trong năm 2024.

Tuy nhiên, do việc phân bố mật độ các TTĐK không đồng đều về mặt địa lý dẫn đến có chỗ thiếu, chỗ thừa nên dự báo trong thời gian sắp tới khi các phương tiện thuộc nhóm đối tượng được áp dụng áp dụng chu kỳ kiểm định mới theo quy định tại Thông tư số 02/2023/TT-BGTVT, được tự động áp dụng chu kỳ mới theo quy định tại Thông tư số 08/2023/TT-BGTVT.

Đáng chú ý, hiện có khoảng 700 đăng kiểm viên tại các TTĐK bị khởi tố, trong đó một số đơn vị hầu hết các ĐKV đều bị khởi tố. Phần lớn ĐKV bị khởi tố, được tại ngoại đã và đang tham gia hỗ trợ tích cực cho hoạt động kiểm định XCG (gần 300 ĐKV), bên cạnh đó còn có một số lượng lớn các ĐKV xin nghỉ việc và tự ý bỏ việc. Với những ĐKV này, thời gian tới khi vụ án được đưa ra xét xử, có bản án do vi phạm các quy định liên quan đến lĩnh vực kiểm định XCG thì Cục Đăng kiểm buộc phải thu hồi chứng chỉ ĐKV theo quy định tại khoản 16 Điều 1 Nghị định số 30/2023/NĐ-CP.

Theo đó, với khoảng 300 ĐKV bị khởi tố nêu trên đang làm việc tại 81 TTĐK của 31 tỉnh, thành phố (không tính đến số lượng ĐKV bị khởi tố, tạm giam trong số 17 TTĐK đang dừng hoạt động) khi bị đưa ra xét xử sẽ có 21 TTĐK của 9 tỉnh, thành phố bị dừng hoạt động .

0R3A5534.JPG

Toàn cảnh Hội nghị

Cụ thể: Bắc Kạn, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Tĩnh, Hòa Bình, Hưng Yên, Nghệ An, Thái Nguyên và TP Hồ Chí Minh); trong đó có những tỉnh, thành phố không còn TTĐK hoạt động như Bắc Kạn, Hòa Bình và một số tỉnh, thành phố không đáp ứng được nhu cầu kiểm định của người dân và doanh nghiệp như: Hà Nội, Nghệ An và TP Hồ Chí Minh.

Theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm, việc nguy cơ xảy ra ùn tắc phương tiện kiểm định tại 31 tỉnh, thành phố, có thể sẽ còn tăng lên ở nhiều tỉnh, thành phố khác do phương tiện ở các địa phương bị ùn tắc, ùn ứ di chuyển đến địa phương không bị ùn tắc để kiểm định.

Hàng loạt giải pháp tháo gỡ

Để chủ động phòng ngừa tình trạng ùn tắc phương tiện đến kiểm định vào các tháng cuối năm 2023 và trong năm 2024, Cục Đăng kiểm đang triển khai hàng loạt các các biện pháp như: công tác khôi phục lại hoạt động các TTĐK đã bị tạm dừng hoạt động và kiểm tra, đánh giá cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định XCG cho các TTĐK.

Bên cạnh đó, tổ chức đánh giá nghiệp vụ đối với ĐKV đã đủ điều kiện theo quy định. Cụ thể, từ 1/1/2023 đến 15/10/2023, Cục Đăng kiểm đã liên tục tổ chức 24 đợt đánh giá ĐKV (trước đây mỗi năm chỉ tổ chức được 4 đến 5 đợt đánh giá), đã cấp giấy chứng nhận lần đầu cho 207 ĐKV xe cơ giới. Đến hết năm 2023, dự kiến tiếp tục tổ chức thêm 0 đợt đánh giá để cấp giấy chứng nhận lần đầu cho khoảng 90 ĐKV, nâng tổng số lần tổ chức đánh giá lên 30 đợt, cấp giấy chứng nhận lần đầu cho khoảng 300 ĐKV mới.

Cùng đó, tổ chức 4 lớp tập huấn nghiệp vụ ĐKV xe cơ giới, mỗi lớp có khoảng trên 50 học viên, đã có 200 học viên đủ điều kiện để tiến hành thực tập tại các TTĐK, tuy nhiên phải đến tháng 5/2024 mới có các học viên đủ điều kiện về thời gian thực tập để được đánh giá cấp giấy chứng nhận ĐKV mới.

Để đảm bảo các địa phương có đầy đủ thông tin liên quan đến hoạt động kiểm định XCG của TTĐK trên địa bàn nhằm chủ động phòng ngừa, khắc phục tình trạng ùn tắc phương tiện đến kiểm định cũng như có căn cứ, cơ sở tham khảo xem xét phê duyệt chủ chương đầu tư TTĐK mới trong thời gian tới.

Cục Đăng kiểm cũng đã thống kê danh sách các TTĐK, số điện thoại liên hệ, số lượng phương tiện đến hạn kiểm định vào những tháng cuối năm 2023 và trong năm 2024, hiện trạng số lượng các đăng kiểm viên và năng lực kiểm định trung bình đạt tối thiểu hiện nay của các TTĐK tại từng địa phương.

Bên cạnh đó, Cục Đăng kiểm cũng mong muốn Bộ GTVT có ý kiến với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kịp thời chỉ đạo Sở GTVT có sự chuẩn bị, chủ động có giải pháp triển khai thực hiện; đồng thời liên hệ với các địa phương khác có các TTĐK dư thừa năng lực kiểm định để trưng dụng, bổ sung tạm thời lực lượng ĐKV cho các TTĐK trên địa bàn bị thiếu hụt nhằm khôi phục hoạt động thêm dây chuyền kiểm định, TTĐK hiện vẫn đang bị dừng hoạt động (nếu có thể) hoặc cho đầu tư thêm mới TTĐK bị thiếu.

Đặc biệt, do số lượng các ĐKV sai phạm bị đưa ra xét xử trong thời gian tới rất lớn, nên sẽ có rất nhiều tỉnh, thành phố không thể đáp ứng được nhu cầu kiểm định phương tiện của người dân và doanh nghiệp, trong khi việc đào tạo bổ sung lực lượng ĐKV đòi hỏi phải có thời gian do tính chất đặc thù của lĩnh vực Đăng kiểm.

Do đó, để hạn chế thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp, tránh ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội và giúp cho các ĐKV mắc sai phạm nhẹ có cơ hội sửa chữa lỗi lầm, lấy công chuộc tội, tiếp tục phục vụ cho lĩnh vực đăng kiểm, đồng thời để tháo gỡ khó khăn về nguồn thu cho các TTĐK, Cục ĐKVN  đề nghị Bộ GTVT có văn bản báo cáo Chính phủ và các cấp có thẩm quyền xem xét để có các giải pháp phù hợp.

Tập trung tháo gỡ khó khăn phục vụ người dân và doanh nghiệp

Lắng nghe những chia sẻ, kiến nghị của các đại biểu Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nhấn mạnh càng khó khăn, đăng kiểm càng phải tập trung nỗ lực tháo gỡ để phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Nhấn mạnh Nghị định 30/2023/NĐ-CP đề cao nhiệm vụ của Sở GTVT do đó, Thứ trưởng yêu cầu giám đốc các sở GTVT phải quan tâm đến lĩnh vực đăng kiểm, để không tạo ra các điểm nóng, phức tạp đến mấy cũng phải tháo gỡ.

Thời gian tới, nhóm phương tiện được gia hạn kiểm định sẽ bắt đầu quay trở lại kiểm định khi đến hạn làm tăng nhu cầu kiểm định xe cơ giới, Thứ trưởng đề nghị các Sở GTVT địa phương, các hiệp hội vận tải tuyên truyền, vận động người dân và doanh nghiệp chủ động đưa xe đi đăng kiểm mà không nhất thiết phải chờ đến ngày hết hạn kiểm định để hạn chế tình trạng ùn tắc.

Đối với vấn đề nhân lực đăng kiểm viên, thứ trưởng đề nghị Cục ĐKVN chủ động xây dựng nguồn nhân lực mới bù cho số đăng kiểm viên bị khởi tố, nghỉ việc. Đồng thời, yêu cầu các địa phương, các trung tâm đăng kiểm phải hỗ trợ nhau trong điều tiết nhân sự.

Thứ trưởng cũng lưu ý cần xem xét lại quy trình tuyển dụng, tập huấn đăng kiểm viên theo hướng rút gọn thời gian tập huấn, nhất là đối với các kỹ sư ô tô, cơ khí ô tô để nhanh chóng có được nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của hệ thống kiểm định. Quy định nào ở thông tư, quy chuẩn cần sửa đổi để thực hiện phải nghiên cứu đề xuất bộ.

Đối với việc nâng cao trách nhiệm quản lý, Thứ trưởng cho biết, Nghị định 30/2023 đã phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, cần xác định rõ vai trò, nhiệm vụ của Cục ĐKVN, của Sở GTVT để thực hiện cho sát, cho hiệu quả.

Các Sở GTVT phải nhận thức được trách nhiệm của mình trong quản lý hoạt động đăng kiểm trên địa bàn, không thể đưa ra các lý do để chậm trễ trong thực hiện nhiệm vụ.

Cục ĐKVN cần xem xét quy trình kiểm định phương tiện sao cho phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam, tạo thuận lợi trong công tác kiểm định của đăng kiểm viên cũng như cho người dân, doanh nghiệp.

Được biết, đầu tuần tới, lãnh đạo Bộ GTVT sẽ chủ trì họp với Cục ĐKVN về việc dự báo khó khăn thách thức của lĩnh vực đăng kiểm thời gian tới, từ đó, có phương án các giải pháp cụ thể để triển khai tháo gỡ.