Công bố Quy hoạch GTVT Hà Nội: Định hướng lớn, khoa học, khả thi

01/08/2016

Ngày 30/7, UBND TP Hà Nội tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch giao thông vận tải (GTVT) Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn dự.

Đồ án Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội được đánh giá là chi tiết, khoa học, khả thi, đưa ra những định hướng phát triển cho hạ tầng khung và vận tải công cộng; sẽ có tác động sâu sắc đến sự phát triển của Hà Nội và Vùng Thủ đô...

Phát triển hạ tầng giao thông khung

Theo Quy hoạch GTVT Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hạ tầng giao thông khung là một trong những lĩnh vực được đặc biệt quan tâm và phát triển đồng bộ với các quy hoạch khác, nhất là quy hoạch xây dựng đô thị, bảo đảm tỷ lệ diện tích đất giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt 20-26% cho đô thị trung tâm; đạt 18-23% cho các đô thị vệ tinh và đạt 16-20% cho các thị trấn. Trong đó, diện tích đất cho giao thông tĩnh là 3-4%. Mạng lưới đường bộ đối ngoại của Thủ đô sẽ là đường cao tốc 4-8 làn xe, song hành với các quốc lộ (QL) có lưu lượng lớn, theo các hướng: Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Hải Phòng, Nội Bài - Hạ Long, Hà Nội - Hòa Bình; cao tốc Tây Bắc - QL5; đường Hồ Chí Minh. Đại lộ Thăng Long và cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ sẽ được quy hoạch là đường cao tốc đô thị. Cùng với đó, các QL hướng tâm hiện tại được mở rộng thành đường có 4-6 làn xe cơ giới.

Cùng với các đường vành đai hiện có, thành phố sẽ xây dựng mới đường Vành đai 4, dài khoảng 148km; Vành đai 5, dài khoảng 375km, quy mô tối thiểu 4 làn xe, có đi qua các tỉnh: Hòa Bình, Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc. Các trục nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh được xây dựng mới, gồm: Tây Thăng Long; trục Hồ Tây - Ba Vì; trục Hà Đông - Xuân Mai; trục Ngọc Hồi - Phú Xuyên.

Trong đô thị trung tâm, ngoài hệ thống đường Vành đai 3 trên cao đang được xây dựng và khớp nối tới Nam Thăng Long, thành phố sẽ xây dựng các tuyến đường trên cao và kết nối thành mạng thuộc phạm vi từ đường Vành đai 2 trở ra, trên các trục có lưu lượng xe lớn nhưng khó có khả năng mở rộng chỉ giới. Tùy tình hình thực tế của từng giai đoạn, tuyến đường trên cao tiếp tục được bổ sung…; đồng thời, xây dựng thêm công trình đường bộ vượt sông Hồng, sông Đuống, sông Đà, sông Đáy…

Ưu tiên phát triển giao thông công cộng khối lượng lớn

Từ nay đến năm 2030, Hà Nội sẽ tập trung ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng, bảo đảm đến năm 2020 đáp ứng 30-35% tổng nhu cầu đi lại, năm 2030 là khoảng 50-55% (sau năm 2030 đạt 65-70%) tại đô thị trung tâm. Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, giảm ùn tắc giao thông. Theo quy hoạch, thành phố có 8 tuyến đường sắt đô thị và 8 tuyến xe buýt nhanh (BRT). Hệ thống vận tải khối lượng lớn này có thể nghiên cứu kéo dài để kết nối với các đô thị vệ tinh. Đáng chú ý, trong hệ thống đường sắt đô thị, sẽ nghiên cứu quy hoạch một số tuyến tàu điện một ray (monorail) nhằm hỗ trợ và khai thác tốt hơn cho toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị, gồm: tuyến Liên Hà - Tân Lập - An Khánh, dài khoảng 11km; tuyến Mai Dịch - Mỹ Đình - Văn Mỗ - Phúc La, Giáp Bát - Thanh Liệt - Phú Lương, dài khoảng 22km; tuyến Nam Hồng - Mê Linh - Đại Thịnh, dài khoảng 11km, sau này có thể kéo dài lên Phúc Yên.

Giai đoạn đến năm 2020, xe buýt vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong thị phần vận tải công cộng. Song, trong thời gian tới, thành phố sẽ nghiên cứu đầu tư mạng lưới BRT với 8 tuyến gồm: Kim Mã - Lê Văn Lương - Yên Nghĩa, dài khoảng 14km; Ngọc Hồi - Phú Xuyên (đi theo QL1 cũ), dài khoảng 27km; Sơn Đồng - Ba Vì, dài khoảng 20km; Phù Đổng - Bát Tràng - Hưng Yên, dài khoảng 15km; Gia Lâm - Mê Linh (Vành đai 3), dài khoảng 30km; Mê Linh - Sơn Đồng - Yên Nghĩa - Ngọc Hồi - QL5 - Lạc Đạo (Vành đai 4), dài khoảng 53km; Ba La - Ứng Hòa, dài khoảng 29km; Ứng Hòa - Phú Xuyên, dài khoảng 17km. Một số tuyến đường sắt đô thị, khi chưa xây dựng, có thể sử dụng BRT. Theo nhu cầu của từng giai đoạn, có thể xem xét bố trí BRT trên tuyến đường khác có đủ điều kiện về hạ tầng.

Đánh giá về Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng: Đồ án được nghiên cứu chi tiết, khoa học và khả thi; khi triển khai sẽ có tác động sâu sắc đến sự phát triển, không chỉ của Hà Nội mà cả Vùng Thủ đô, vùng kinh tế Bắc Bộ cũng như cả nước. Phó Thủ tướng đề nghị UBND TP Hà Nội lập kế hoạch chi tiết triển khai quy hoạch; thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư theo quy hoạch; xây dựng chính sách và kế hoạch tài chính phù hợp với kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống GTVT cho từng giai đoạn; huy động hiệu quả các nguồn lực từ doanh nghiệp, ngân sách nhà nước, kể cả nguồn vốn ODA để thực hiện; rà soát và lập kế hoạch sử dụng đất cho các công trình giao thông... Các bộ, ngành, địa phương liên quan trong Vùng Thủ đô có trách nhiệm phối hợp, tháo gỡ vướng mắc, cùng Hà Nội triển khai, không để quy hoạch GTVT của Hà Nội trở thành quy hoạch “treo”.

Được biết, tổng nguồn vốn dự kiến đầu tư cho toàn bộ quy hoạch từ nay đến sau năm 2030 là hơn 1,2 triệu tỷ đồng, từ các nguồn như: ODA, ngân sách nhà nước, vốn vay thương mại, các hình thức hợp tác BT, BOT, PPP, BOO…

Tác giả: HNM, VR