Tái cơ cấu vận tải là để nâng cao chất lượng, phục vụ người dân tốt hơn

29/07/2016

Đây là yêu cầu của Thứ trưởng Lê Đình Thọ tại cuộc họp rà soát nội dung Đề án Tái cơ cấu lĩnh vực vận tải giai đoạn 2016-2020 với một số cơ quan tham mưu của Bộ ngày 29/7, tại Hà Nội.


Ảnh: Thứ trưởng Lê Đình Thọ chỉ đạo yêu cầu các đại biểu tham dự cuộc họp tham gia ý kiến để hoàn thiện Đề án Tái cơ cấu lĩnh vực vận tải, phù hợp với điều kiện thực tế

Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện Viện Chiến lược cho biết, việc xây dựng Đề cương Đề án Tái cơ cấu lĩnh vực vận tải giai đoạn 2016-2020 nhằm đảm bảo nhiệm vụ tái cơ cấu ngành GTVT nói chung và tái cơ cấu lĩnh vực vận tải nói riêng, đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành GTVT trong giai đoạn hiện nay.

Đại diện Viện Chiến lược cũng cho biết thêm, tháng 7/2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành giao thông vận tải thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020”. Đến tháng 4/2015, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã phê duyệt các đề án về tái cơ cấu lĩnh vực vận tải cho từng chuyên ngành đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không giai đoạn đến năm 2020.

"Việc triển khai thực hiện các đề án tái cơ cấu các chuyên ngành GTVT đến nay đã hơn một năm. Tuy nhiên, việc phê duyệt và thực hiện các đề án tái cơ cấu vận tải cho từng chuyên ngành gặp phải những khó khăn, bất cập như: sự liên kết thự chiện quá trình tái cơ cấu giữa các chuyên ngành còn nhiều hạn chế trong khi sự phát triển lại đan xen, liên quan chặt chẽ đến nhau; mục tiêu và các giải pháp để thự chiện việc tái cơ cấu một số chuyên ngành còn thiếu khả năng thực thi trong thực tế do thuộc trách nhiệm triển khai của chuyên ngành khác; thiếu điều kiện bao quát, đánh giá và kết nối các phương thức vận tải và quá trình tái cơ cấu theo một bức tranh tổng thể, gắn kết…Vì vậy việc thực hiện đề án:“Tái cơ cấu lĩnh vực vận tải giai đoạn 2016 - 2020” là cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, đồng thời làm cơ sở cho việc tái cơ cấu lĩnh vực vận tải được thực hiện đồng bộ, hiệu quả, góp phần quan trọng thực hiện thành công nhiệm vụ tái cơ cấu ngành giao thông vận tải ", đại diện Viện Chiến lược cho biết.

Đề án được xây dựng nhằm đưa ra quan điểm, mục tiêu tái cơ cấu lĩnh vực vận tải giai đoạn 2016 - 2020 trên cơ sở gắn kết quan điểm, mục tiêu tái cơ cấu vận tải từng chuyên ngành. Đồng thời, tổng hợp, bổ sung các nhiệm vụ tái cơ cấu cho từng chuyên ngành GTVT và cho các hành lang vận tải chính. Đề xuất, tổng hợp, bổ sung các giải pháp nhằm thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu lĩnh vực vận tải cũng như đề xuất các phương án tổ chức thực hiện Đề án.

Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị tham gia đã trao đổi, thảo luận xung quanh đề cương Đề án Tái cơ cấu lĩnh vực vận tải giai đoạn 2016-2020, từ đó, đề xuất, bổ sung ý kiến nhằm hoàn thiện đề cương Đề án.

Chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng cho rằng đề cương Đề án của Viện Chiến lược và Phát triển GTVT đưa ra còn chung chung, yêu cầu Viện cần thay đổi tư duy, nhận thức về vấn đề Tái cơ cấu vận tải.

Thứ trưởng yêu cầu Đề án phải đánh giá được đến thời điểm hiện nay, sau khi thực hiện tái cơ cấu ngành GTVT, tái cơ cấu từng lĩnh vực GTVT đã đạt được kết quả như thế nào trên một số lĩnh vực. Cụ thể về thị phần vận tải, kết nối các phương thức vận tải, kết cấu hạ tầng giao thông, giá thành vận tải, mô hình phát triển, chất lượng dịch vụ, vận tải quốc tế… Đề án cần đánh giá được kết quả trước và sau khi thực hiện Tái cơ cấu, kết quả đạt được so với chỉ tiêu đề ra.

"Mục tiêu của việc xây dựng Đề án nói riêng, việc tái cơ cấu lại các ngành vận tải và cả ngành GTVT là để kết nối hài hoà các phương thức vận tải, nâng cao chất lượng phục vụ và người dân được hưởng các dịch vụ tốt nhất ", Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định.

Thứ trưởng yêu cầu Viện cần xây dựng lại đề cương, sử dụng số liệu của Tổng cục Thống kê kết hợp với kết quả đạt được nêu trên để đưa ra chỉ tiêu cụ thể giai đoạn 2016-2020 trên cơ sở các Đề án đã được duyệt. Sau khi xác định chỉ tiêu cụ thể sẽ đưa ra các giải pháp về đầu tư hạ tầng, vốn, phương tiện, công nghệ, tổ chức, hành lang pháp lý, cơ chế chính sách...

"Để xây dựng tốt Đề án nhằm đảm bảo mục tiêu tái cơ cấu thành công các lĩnh vực vận tải theo yêu cầu mới, Viện cần đổi mới tư duy, tìm ra hướng đi mới, điều chỉnh lại mục tiêu, bám vào các giải pháp để tái cơ cấu thành công. Đồng thời, mỗi Cục chuyên ngành phải cử chuyên viên làm đầu mối phối hợp với Viện, xây dựng Đề án nhanh chóng và chất lượng ", Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu.

Tác giả: KC, mt.gov.vn