Hội thảo "Một số quy định của pháp luật về bảo đảm TTATGT trong Luật Giao thông đường bộ"

04/08/2016

Việt Nam cũng đặt ra mục tiêu giảm tai nạn giao thông phù hợp với chiến lược toàn cầu. Với nỗ lực của các cấp, các đơn vị, tai nạn giao thông trong giai đoạn 2014-2015 đã giảm xuống dưới 9.000 người.

Trong khuôn khổ hợp tác với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhằm thực hiện việc xây dựng các văn bản QPPL trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, ngày 04/8, tại Hà Nội, Bộ GTVT phối hợp với WHO tổ chức Hội thảo "Một số quy định của pháp luật về bảo đảm TTATGT trong Luật Giao thông đường bộ ".


Ảnh: Đông đảo các đại biểu tham dự Hội thảo

Hội thảo nhằm tổng kết, đánh giá một số quy định của pháp luật liên quan đến bảo đảm trật tự ATGT trong Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) và nêu một số kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung.

Tham dự Hội thảo có Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông Nguyễn Văn Thạch, đại diện của WHO Nguyễn Phương Nam cùng lãnh đạo của các Vụ thuộc Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, Trung tâm nghiên cứu ATGT - Học viện Cảnh sát Nhân dân, lãnh đạo Ban ATGT các tỉnh khu vực phía Bắc, các Sở GTVT, các Hiệp hội...

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Vụ trưởng Vụ ATGT Nguyễn Văn Thạch cho biết ATGT đường bộ không những là vấn đề của mỗi quốc gia mà còn là vấn đề mang tính toàn cầu. Liên Hợp Quốc cũng đặt ra mục tiêu giảm tai nạn giao thông 50% đến năm 2020 so với năm 2010. Việt Nam cũng đặt ra mục tiêu giảm tai nạn giao thông phù hợp với chiến lược toàn cầu. Với nỗ lực của các cấp, các đơn vị, tai nạn giao thông trong giai đoạn 2014-2015 đã giảm xuống dưới 9.000 người.

Theo ông Nguyễn Văn Thạch, Bộ GTVT đang trong quá trình tổng kết thực hiện Luật GTĐB năm 2008, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Vụ ATGT kết hợp với WHO thảo luận các yếu tố liên quan trực tiếp tới ATGT như: Vấn đề về rượu bia, sử dụng đai an toàn, ghế ngồi cho trẻ em, sử dụng điện thoại di động, mũ bảo hiểm… Trong khuôn khổ 01 ngày, Hội thảo sẽ thảo luận các nội dung trực tiếp về ATGT nói trên. Ông Nguyễn Văn Thạch đề nghị các đại biểu tích cực trao đổi, thảo luận, từ đó đề xuất các kiến nghị cần sửa đổi, bổ sung trong Luật GTĐB thời gian tới.

Tại Hội thảo, bà Hoàng Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã trình bày các nội dung chính của Luật GTĐB hiện nay và những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới. Theo đánh giá của bà Hoàng Hồng Hạnh, Luật GTĐB được thông qua ngày 13/11/2008, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2009 thay thế Luật GTĐB năm 2001 gồm 8 chương, 89 điều đã quy định tương đối đầy đủ, chi tiết các nội dung liên quan trong lĩnh vực GTĐB. Qua 06 năm thực hiện, Luật đã đạt được những kết quả nhất định, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động GTVT đường bộ; góp phần hình thành ý thức tuân thủ pháp luật; bảo đảm TTATGT trên toàn quốc; thúc đẩy phát triển GTVT và kinh tế đất nước, tạo điều kiện để Việt Nam chủ động tham gia vào hoạt động GTVT của các nước trong khu vực. Trong báo cáo của mình, bà Hoàng Hồng Hạnh đã chỉ ra những tồn tại, vướng mắc của Luật GTĐB 2008, từ đó, định hướng sửa đổi, bổ sung Luật GTĐB trong thời gian tới.

Tại Hội thảo, đông đảo các chuyên gia, đại diện các đơn vị tham dự đã có bài tham luận về các nội dung liên quan đến vấn đề ATGT đường bộ. Cụ thể: Bà Trần Thanh Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Cơ sở dữ liệu ATGT, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT đã trình bày các quy định pháp luật liên quan đến vấn đề sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông; Ông Bùi Huy Long, chuyên gia về ATGT đã trình bày nội dung Sử dụng mũ bảo hiểm đạt chất lượng khi tham gia GT và các vấn đề cần sửa đổi, bổ sung trong Luật GTĐB; Đại diện Trung tâm nghiên cứu ATGT, Học viện Cảnh sát Nhân dân đã trình bày Thực trạng sử dụng dây an toàn, điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường tại địa phương và đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung nội dung này trong Luật GTĐB; Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam đã báo cáo công tác quản lý và sử dụng xe đạp điện, xe máy điện.

Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, Ban ATGT các tỉnh Thanh Hoá, Bắc Ninh, Lào Cai, Hải Phòng; đại diện các Hiệp hội cũng có ý kiến góp ý nhằm sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật về bảo đảm TTATGT trong Luật GTĐB./.

Tác giả: C.K, mt.gov.vn