Quyết toán công trình nhanh, minh bạch là thể hiện năng lực quản lý tốt

03/08/2016

Đây là khẳng định của đồng chí Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa tại cuộc họp Ban Cán sự đảng Bộ GTVT sáng ngày 3/8.

Đồng chí Bí thư, Bộ trưởng chỉ đạo nhiều vấn đề quan trọng của Ngành, trong đó đặc biệt chỉ đạo các đơn vị tập trung thực hiện tốt công tác giải ngân các nguồn vốn và quyết toán minh bạch các dự án giao thông, nhất là các dự án BOT.


Ảnh: Đ/c Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa chỉ đạo nhiều nội dung quan trọng của Ngành GTVT trong thời gian sắp tới

Nhiều đơn vị hoàn thành sớm Văn bản QPPL

Tại buổi họp Ban Cán sự sáng 3/8, Vụ trưởng Vụ pháp chế Trịnh Thị Hằng Nga báo cáo tình hình xây dựng Văn bản Quy phạm pháp luật tháng 7, 7 tháng đầu năm và kế hoạch tháng 8/2016 của Bộ.

Bà Trịnh Thị Hằng Nga cho biết, trong 07 tháng đầu năm 2016, Bộ đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 10/10 dự thảo văn bản để ban hành theo thẩm quyền (gồm 09 dự thảo Nghị định, 01 dự thảo Quyết định), hoàn thành 100% kế hoạch. Tính đến ngày 27/7/2016, Chính phủ đã ban hành 09 văn bản do Bộ GTVT trình. Cũng trong 7 tháng đầu năm, cơ quan soạn thảo đã trình 41/41 Đề cương chi tiết, đạt 100% kế hoạch trình Bộ trưởng Bộ GTVT; Cơ quan soạn thảo cũng đã trình Bộ 75/75 dự thảo văn bản, trong đó tháng 7/2016 có 11 dự thảo Thông tư, đạt 100% kế hoạch.

“Trong tháng 7 và 07 tháng đầu năm 2016, về cơ bản, các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì soạn thảo và chủ trì tham mưu trình văn bản quy phạm pháp luật đã hoàn thành nhiệm vụ được giao. Một số đơn vị đã tham mưu trình sớm văn bản so với kế hoạch (Vụ Tài chính đã trình sớm các văn bản gửi Bộ Tài chính để đề nghị ban hành theo thẩm quyền nhằm triển khai thi hành Luật Phí và lệ phí). Tuy nhiên, có một số cơ quan, đơn vị chưa phát huy hết tinh thần trách nhiệm trong quá trình thực hiện công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến kết quả chung của Bộ. Những trường hợp này đã được Bộ trưởng và các Thứ trưởng nhắc nhở kịp thời để chấn chỉnh, rút kinh nghiệm”, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Trịnh Thị Hằng Nga nhấn mạnh.

Chỉ đạo về công tác xây dựng Văn bản QPPL, đồng chí Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa biểu dương các đơn vị hoàn thành tốt công tác này. Bên cạnh đó, Bộ trưởng yêu cầu Vụ Pháp chế tiếp tục theo dõi đôn đốc các đơn vị sớm hoàn thiện các Văn bản phải trình Chính phủ.

“Công việc này sẽ dồn vào cuối năm, cơ quan chủ trì cần trao đổi thật kỹ, các đơn vị biên soạn hết sức lưu ý đảm bảo thời gian và chất lượng văn bản. Mỗi VBQPPL ban hành phải đi được vào đời sống, đảm bảo lợi ích cho người dân và tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp nhưng không được buông lỏng trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước’, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Báo cáo về tình hình kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2016, Vụ trưởng Vụ KHĐT Nguyễn Hoằng cho biết, năm 2016, nguồn vốn bố trí cho các dự án ODA và các dự án giao thông trong nước được giao rất thấp so với nhu cầu. Trong đó, đặc biệt nguồn vốn đối ứng được giao quá thấp; một số dự án quan trọng, cấp bách thậm chí chưa được giao kế hoạch vốn đối ứng (cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, Cầu Nhật Tân và đường hai đầu cầu thành phố Hà Nội, cầu Thịnh Long, đường hành lang ven biển phía Nam, hiện đại hóa thông tin tín hiệu đường sắt các tuyến Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Thái Nguyên và khu đầu mối giai đoạn 2); gây ảnh hưởng lớn tới tiến độ thực hiện của các dự án, tiềm tàng nguy cơ dẫn tới khiếu kiện, khiếu nại từ người dân trong công tác GPMB và từ các nhà thầu, tư vấn do thanh toán chậm.

Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ KHĐT Nguyễn Hoằng cũng cho biết thêm, đối với các dự án sử dụng vốn TPCP, do là năm cuối của KH vốn TPCP giai đoạn 2012 - 2015 và bổ sung giai đoạn 2014 - 2016, đã được giao KH theo đúng mức vốn TPCP giai đoạn còn lại. Trong quá trình triển khai KH vốn TPCP giai đoạn, một số dự án có dư vốn (Dự án mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, dự án Luồng cho tàu tải trọng lớn vào sông Hậu...) đang làm thủ tục xin sử dụng vốn dư, điều hòa kế hoạch vốn giai đoạn nên chưa thể giải ngân ngay. Do vậy, số vốn TPCP đã được giao lớn hơn nhiều so với nhu cầu sử dụng vốn trong năm 2016.

“Đến hết tháng 7/2016, các nguồn vốn NSNN và TPCP đã giải ngân được 14.061 tỷ đồng trên tổng số 45.525 tỷ đồng KH được giao, đạt 31% so với KH2016 được giao (7 tháng đầu năm chủ yếu giải ngân từ KH2016, phần KH2015 kéo dài mới được phép giải ngân từ tháng 6/2016)”, Vụ trưởng Vụ KHĐT Nguyễn Hoằng báo cáo.

Chỉ đạo vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cho biết, Ngành GTVT năm nay rất khó khăn về nguồn vốn tuy nhiên công tác giải ngân lại chưa đạt yêu cầu, điều này là không thể chấp nhận được. Do đó, Bộ trưởng yêu cầu lãnh đạo Vụ KHĐT có báo cáo cụ thể về các dự án ODA, tình hình giải ngân thu xếp vốn năm nay, nhất là vốn đối ứng, vướng mắc ở đâu, nguyên nhân nào để Bộ báo cáo Chính phủ.

“Các đơn vị cũng phải đặc biệt tập trung vào vấn đề này, Vụ KHĐT là cơ quan chủ trì công tác này lưu ý, khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì phải nỗ lực, quyết liệt triển khai ngay, hiệu quả, đúng yêu cầu, nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa yêu cầu.

Quyết toán xong mới được thu phí

Báo cáo kết quả trình và thẩm tra phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành tháng 7, 7 tháng đầu năm 2017 trước Ban Cán sự đảng Bộ GTVT, Vụ trưởng Vụ Tài chính Đỗ Văn Quốc cho biết, trên cơ sở kế hoạch khởi công, khánh thành các công trình trong năm và đề nghị của các đơn vị, Bộ GTVT đã ban hành 42 Quyết định giao kế hoạch lập, trình duyệt quyết toán năm 2016 cho Tổng cục ĐBVN, 4 Cục quản lý nhà nước chuyên ngành; 4 Tổng Công ty; 10 Ban QLDA và 24 Sở GTVT với số lượng 771 dự án. Trong đó, dự án nguồn vốn XDCB là 247 dự án, vốn sự nghiệp là 524 dự án.

Ông Đỗ Văn Quốc cho biết: Riêng trong tháng 7, về công tác lập và trình báo cáo quyết toán dự án hoàn thành, các đơn vị đã lập, trình báo cáo quyết toán 69 dự án; 7 tháng trình 471 dự án, đạt 73% kế hoạch của 7 tháng, 61% kế hoạch năm.

Đối với công tác thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành, trong tháng 7 đã phê duyệt được 87 dự án; 7 tháng quyết toán được 443 dự án, hạng mục, đạt 62% kế hoạch cả năm.

“Công tác quyết toán dự án hoàn thành của Bộ GTVT đã được Bộ trưởng, các đồng chí Thứ trưởng quan tâm chỉ đạo sát sao, quyết liệt, các cơ quan chuyên môn và các đơn vị cũng đã tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ giao, được Bộ Tài chính đánh giá là một trong những Bộ làm tốt công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại cần phải khắc phục ngay, trong đó phải kể đến một số đơn vị chưa chú trọng đúng mức công tác quyết toán; việc hoàn thiện các thủ tục trình duyệt điều chỉnh, bổ sung thiết kế, dự toán còn chậm, nhất là hoàn thiện hồ sơ hoàn công của một số doanh nghiệp dự án BOT chậm và còn hạn chế về năng lực; công tác quyết toán chi phí GPMB, xử lý kết luận của các cơ quan thanh tra kiểm toán còn kéo dài; công tác rà soát lập và thẩm tra dự toán các dự án BOT theo các quy định của Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan còn chậm…”, Vụ trưởng Vụ Tài chính Bộ GTVT Đỗ Văn Quốc nhấn mạnh.

Chỉ đạo về vấn đề này, đồng chí Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh: Quyết toán dự án hoàn thành là một yêu cầu bắt buộc của công tác quản lý dự án đối với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong quá trình quản lý dự án, đảm bảo được tính minh bạch, công khai trong hoạt động đầu tư XDCB trước xã hội. Chính vì thế, các chủ thể liên quan, đặc biệt là nhà thầu, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và Ban QLDA cần phải thực sự quan tâm, thực hiện đầy đủ và đúng hạn các quy định về công tác quyết toán dự án hoàn thành và coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong công tác của các đơn vị mình.

“Các đồng chí ở các đơn vị “được” nêu tên trong danh sách quyết toán chậm của Vụ Tài chính phải xem xét trách nhiệm từ bản thân mình, có báo cáo xem nguyên nhân chậm từ đâu? Từ đơn vị hay từ các cơ quan của Bộ để lãnh đạo Bộ giải quyết tận gốc”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa yêu cầu.

Đồng chí Bí thư Ban Cán sự đảng cũng nói thêm, ngành GTVT đã tổng kết 5 năm thực hiện các dự án theo hình thức BOT, cơ bản rà soát quá trình thực hiện, tuy nhiên vẫn chưa đánh giá được toàn diện khiến dư luận xã hội còn nghi ngờ các nhà đầu tư, năng lực quản lý của Bộ GTVT. Việc quyết toán dự án nhanh, đúng thủ tục, công khai minh bạch cũng chính là năng lực quản trị của Bộ.

Về công tác quyết toán vốn XDCB 7 tháng năm 2016 chậm, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa yêu cầu, trong quá trình kiểm điểm tình hình thực hiện nhiệm vụ của các Ban QLDA thì nội dung quyết toán phải báo cáo Ban Cán sự định kỳ 2 tuần/lần; sẽ có xếp thứ hạng đánh giá các Ban QLDA và các đơn vị qua công tác này để xác định mức độ và khả năng hoàn thành đến đâu, có nên tiếp tục giao nhiệm vụ hay không?

“Đối với các dự án BOT, yêu cầu các Ban QLDA chịu trách nhiệm quyết toán có cam kết với các nhà đầu tư. Bộ sẽ luật hoá các vấn đề liên quan đến các dự án BOT, sẽ có phân loại, ghi nhận tình trạng quyết toán cụ thể; chính xác, bởi đây là việc bắt buộc và phải công khai minh bạch, ai làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Bộ, trước pháp luật và nhân dân, không thể vì những việc làm thiếu trách nhiệm của một vài nhà đầu tư mà làm ảnh hưởng đến danh dự, tuy tín của Ngành GTVT”, đồng chí Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ GTVT nêu rõ.

Về vấn đề thu phí trên các dự án BOT, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa yêu cầu các cơ quan phải làm quyết liệt vấn đề này để có phương án giải quyết một cách trách nhiệm trước Quốc hội và dư luận xã hội, lấy lại lòng tin của nhân dân.

“Đối với các dự án BOT, nhất quyết là phải quyết toán xong mới được thu phí; những trạm đã thu phí rồi mà chưa xong quyết toán cũng sẽ phải dừng thu, bao giờ hoàn thành mới được thu tiếp”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa yêu cầu.

Tác giả: L.H, mt.gov.vn