Giới thiệu

​PHÂN CẤP VÀ KIỂM TRA TÀU BIỂN

1. Giới thiệu chung

  • Bộ Luật Hàng hải Việt Nam yêu cầu tàu biển Việt Nam bắt buộc phải được phân cấp, kiểm tra và cấp các giấy chứng nhận an toàn, an ninh và phòng ngừa ô nhiễm môi trường trước khi đăng ký hoạt động. Việc phân cấp, kiểm tra do Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc một tổ chức Ðăng kiểm nước ngoài được Cục Đăng kiểm Việt Nam uỷ quyền thực hiện.
  • Phân cấp tàu là các hoạt động nhằm đánh giá, phân loại khả năng hoạt động và cấp giấy chứng nhận cho tàu theo những yêu cầu của Quy phạm.
  • Ðăng kiểm Việt Nam phân cấp tàu theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia "Quy phạm phân cấp và đóng tàu vỏ thép" QCVN21:2015/BGTVT.
  • Ngoài việc phân cấp, tàu biển Việt Nam còn phải được kiểm tra và cấp các giấy chứng nhận an toàn, an ninh và ngăn ngừa ô nhiễm biển liên quan theo quy định của các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan và các Công ước Quốc tế mà Việt Nam tham gia.
  • Việc phân cấp tàu bao gồm các khâu:
    • Thẩm định thiết kế kỹ thuật.
    • Kiểm tra và chứng nhận các vật liệu, sản phẩm, trang thiết bị được sử dụng và lắp đặt cho tàu.
    • Giám sát đóng mới tàu.
    • Kiểm tra tàu biển đang khai thác theo chu kỳ và kiểm tra bất thường.

2. Phục vụ kiểm tra tàu biển của Cục Đăng kiểm Việt Nam

Cục Ðăng kiểm Việt Nam có 30 Chi cục/ Chi nhánh kiểm tra tàu biển với trên 200 đăng kiểm viên có thể phục vụ kiểm tra tàu tại mọi nơi, mọi lúc (24/24h kể cả các ngày nghỉ) tại Việt Nam và các nước trên thế giới. (Tham khảo Cơ cấu tổ chức của ÐKVN).

Trong mọi trường hợp liên quan đến phân cấp và kiểm tra tàu biển, khách hàng có thể liên hệ trực tiếp với Phòng Tàu biển, Cục Đăng kiểm Việt Nam.

  • Ðịa chỉ:           Phòng 506, tầng 5, tòa nhà​ Cục Đăng kiểm Việt Nam
  • Điện thoại:      +84.24.37684704
  • Fax:                 +84.24.37684722
  • Các số mobile: 0913514566/ 0904717879 / 0919167968
  • Email:            bangph@vr.org.vn / nhanth@vr.org.vn / huyhl@vr.org.vn

3 Các quy định về duy trì cấp tàu và hiệu lực của các giấy chứng nhận

3.1 Duy trì cấp tàu và hiệu lực các giấy chứng nhận.

Ðể duy trì cấp thì tàu phải được kiểm tra chu kỳ theo đúng các quy định của Ðăng kiểm như: Kiểm tra xác nhận hàng năm, Kiểm tra trung gian, kiểm tra trên đà, Kiểm tra định kỳ, Kiểm tra rút trục chân vịt,... Khối lượng kiểm tra đều được quy định rõ trong Quy chuẩn và các hướng dẫn của Cục Ðăng kiểm Việt Nam. (xem Hướng dẫn giám sát kỹ thuật tàu biển - B-04: Hướng dẫn kiểm tra chu kỳ phân cấp tàu đang khai thác).

Nếu chủ tàu không tuân thủ đúng các quy định này, Giấy chứng nhận cấp tàu sẽ tự động mất hiệu lực. Việc duy trì hiệu lực của các giấy chứng nhận an toàn và bảo vệ môi trường khác cũng tương tự.

Giấy chứng nhận cấp tàu và các giấy chứng nhận an toàn và bảo vệ môi trường khác cũng bị mất hiệu lực khi: tàu bị tai nạn, chủ tàu không tuân thủ việc sửa chữa và trang bị cho tàu theo các yêu cầu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, chở hàng quá tải, hoạt động ngoài vùng cho phép v.v...

Thông tin về thời hạn kiểm tra tàu, chủ tàu có thể xem ngay trong mục Cơ sở dữ liệu tàu biển.

3.2 Treo cấp và rút cấp

3.2.1 Treo cấp tàu - Cấp tàu bị đình chỉ tạm thời trong một thời hạn nhất định

Cấp của tàu sẽ bị treo khi:

  • Tàu không thực hiện các đợt kiểm tra duy trì cấp tàu theo đúng thời gian quy định;
  • Sau khi tàu bị tai nạn, Cục Đăng kiểm Việt Nam không được thông báo và tàu không được kiểm tra bất thường;
  • Tàu thực hiện hoán cải về kết cấu hoặc có thay đổi về máy móc, thiết bị nhưng không được Cục Đăng kiểm Việt Nam đồng ý hoặc không thông báo cho Cục Đăng kiểm Việt Nam;
  • Sửa chữa các hạng mục thuộc sự giám sát của Cục Đăng kiểm Việt Nam nhưng không được Cục Đăng kiểm Việt Nam chấp nhận hoặc không được Cục Đăng kiểm Việt Nam giám sát;
  • Các khuyến nghị đưa ra là điều kiện để trao cấp hoặc duy trì cấp của Cục Đăng kiểm Việt Nam không được thực hiện trong thời gian quy định;

Ảnh hưởng của việc treo cấp tàu:

  • Cục Ðăng kiểm Việt Nam sẽ thông báo cho chủ tàu việc tàu bị treo cấp, tùy trường hợp cụ thể có thể sẽ thu hồi các giấy chứng nhận hiện còn hiệu lực của tàu.
  • Chủ tàu sẽ phải thực hiện các yêu cầu kiểm tra của Ðăng kiểm nhằm khôi phục lại cấp tàu.

3.2.2 Rút cấp tàu

Các lý do rút cấp:

  • Chủ tàu yêu cầu;
  • Cục Đăng kiểm Việt Nam xác định tàu không còn được tiếp tục sử dụng nữa vì tàu đã bị giải bản, chìm ...;
  • Kết quả của cuộc kiểm tra cho thấy tàu không còn phù hợp với các yêu cầu của Quy phạm sau khi thực hiện kiểm tra và Cục Đăng kiểm Việt Nam chấp nhận báo cáo kiểm tra đó;
  • Tàu không thực hiện kiểm tra duy trì cấp tàu theo quy định.

Ảnh hưởng của việc rút cấp tàu:

  • Cục Ðăng kiểm Việt Nam sẽ thông báo cho chủ tàu việc tàu bị rút cấp, thu hồi các giấy chứng nhận hiện còn hiệu lực của tàu, thông báo tới các cơ quan liên quan như Cảng vụ, Chính quyền Hàng hải, Bảo hiểm... và xóa tên tàu trong sổ Ðăng ký tàu biển của Ðăng kiểm.
  • Ðể khôi phục lại cấp tàu chủ tàu buộc phải đưa tàu vào kiểm tra với khối lượng tương tự như kiểm tra lần đầu (được giảm bớt các yêu cầu về hồ sơ kỹ thuật).
Hướng dẫn thực hiện công việc